GIẢI TRÍ

Một ngã tư thân quen của Sài Gòn

Thúy Hiền - Ảnh: HTT • 29-01-2018 • Lượt xem: 1446
Một ngã tư thân quen của Sài Gòn

Tối 28.1, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã công diễn suất đầu tiên vở kịch Sài Gòn có một ngã tư (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội). Vở kịch này là một trong hai tác phẩm được dàn dựng để diễn vào dịp tết. Qua bàn tay dàn dựng của Thành Hội, một ngã tư mang tên Quốc tế giữa Sài Gòn hiện lên thật gần gũi. Câu chuyện của những người nghèo khó nhưng không sướt mướt, bi thương.   

 

Những người lao động ở ngã tư Quốc tế

Ngã tư Quốc tế là "địa bàn làm ăn" của những người lao động bình dân. Nơi đó có bà tám Nở  (Ái Như) từng là Tú Bà nay mở quán cà phê, cô Thanh (Hoàng Vân Anh) lao công dọn rác, cha con ông Thông (Thành Hội) đạp ba gác, anh Nhành (Đoàn Thanh Tài) đấm bóp giác hơi, chị Lựu (Ngọc Duyên) bán chè, cô xôi chiên (Khánh Vân), anh Thời (Thế Hải) cắt tóc và thầy Hai đánh máy. Những con người ở cái ngã tư nhỏ ấy  cứ tưởng sẽ vì miếng cơm manh áo mà giành giật nhau từng người khách, nhưng không, họ chia sẻ nhau từng đồng tiền lúc ai đó gặp khó khăn. Ông già mù tên Sáng (Thái Quốc) bị con bỏ rơi rồi lưu lạc đến ngã tư này cũng được cưu mang và xem những người nơi đây là gia đình. Bà Tám "tú bà" sau khi "giải nghệ" sẵn sàng chôm của thằng "bảnh bao mà tào lao" 40 ngàn để giúp chị Lựu lo ca mổ cho cha. Cứ vậy, ngã tư này từng ngày trải qua nhiều chuyện tầm phào, ồn ào náo nhiệt mà thân tình nhưng cái mấu chốt làm cho cuộc sống ở đây trở nên rối rắm là vì định kiến của ông Thông - không ưa những cô nàng làm gái nhưng Nhành con trai ông lại yêu Thanh, cô nàng đã từng "hành nghề". 

Ông già mù lưu lạc đến ngã tư, ngay lập tức được cưu mang

Dựa trên cái tứ của truyện ngắn Ừ đi, ừ của nhà văn Trần Kim Trắc, Hoàng Thái Thanh đã dựng nên một câu chuyện nhỏ của Sài Gòn trong bối cảnh những năm 90 vẫn quen thuộc và gần gũi đến tận ngày nay. Biết bao nhiêu cái ngã tư ở Sài Gòn này được người dân mọi miền "đặt gạch làm ăn" và mỗi ngày kể biết bao nhiêu câu chuyện với phố xá. Ở đây, không có nhân vật xấu mà chỉ có những người mang tính cách và nỗi niềm khác nhau nên mâu thuẫn có xảy ra. Nhưng cuối cùng, tình người làm mọi chuyện trở nên êm thấm "vì tui có phải gỗ đá đâu" và kết thúc bằng một đám cưới "nghèo nhất quả đất" tại xóm rác. Và cứ thế, vở kịch vẽ ra một Sài Gòn dung dị, rộn ràng, bộc trực, nghĩa tình và đầy nghĩa khí. Một ý rất nhỏ mà cũng thú vị vì góp phần làm nên phong vị Sài Gòn: những người bình dân ồn ào, bỗ bã vẫn rất trọng người có chữ như ông thầy hai đánh máy, soạn đơn...

Đoàn Thanh Tài, Thành Hội và Hoàng Vân Anh trong một cảnh kịch

Hoàng Vân Anh và Đoàn Thanh Tài vẫn tiếp tục là cặp đôi đào - kép chính trong vở này. Cô đào của Hoàng Thái Thanh diễn càng ngày càng ngọt. Vân Anh vào vai Thanh - cô cave quay đầu làm công nhân dọn rác - vì muốn được ông Thông xóa bỏ cái nhìn về quá khứ "làm gái nhơ nhớp" và thương mình mà đã "chơi ngu" bán thân lần nữa để chuộc con chó Lý Lệ Hoa yêu thương của ông cha chồng tương lai. Nhân vật Thanh của Vân Anh mang tâm lý nặng nhất vở kịch. Cô đã tải tốt cái tâm lý ấy, cái uất ức khi Thanh thấy rằng điều mình làm trở thành vô nghĩa, cái mặc cảm về quá khứ khó thể xóa nhòa đều được Vân Anh biểu cảm khá tốt trên gương mặt và hành động. 

Với Sài Gòn có một ngã tư, các diễn viên diễn tương đối đồng đều và duyên dáng, từ Khánh Vân (vai cô bán xôi chiên) cho tới vai ít đất hơn như Ngọc Duyên (vai Lựu sương sa). Nhưng ngoài Vân Anh kể trên, thì không thể không nói đến NSƯT Thành Hội. Anh chưa bao giờ hết duyên với những dạng vai như thế này. Ông Thông già ó đâm, lựu đạn chừng như ngoài con chó Lý Lệ Hoa thì không còn biết gì trên trời đất, sẵn sàng chửi xa xả vào mặt "cái đứa đã từng làm gái" đang có "nguy cơ" trở thành con dâu mình. Anh làm chủ cảm xúc rất tốt, chuyển biến từ một ông già "ó đâm" mà cực kỳ trẻ con khi vùng vằng nằm vạ vì bị mất con chó cưng cho đến khi trầm lắng trút bỏ nỗi niềm giữ kín trong lòng suốt hơn 20 năm qua.

Cách chọn nhạc cũng là một điểm cộng trong vở kịch. Ca khúc Thương một người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên trong những lần cô Thanh đau buồn hay hạnh phúc cũng góp phần đẩy cảm xúc của khán giả lên rất nhiều.

Sài Gòn có một ngã tư là một vở kịch rất phù hợp với khán giả Sài Gòn trong những ngày tết. Một câu chuyện tưởng như nặng nề nhưng chính tình người làm cho nó trở nên nhẹ nhàng và ấm áp. Vở kịch diễn suất tiếp theo vào ngày 3.2 và suốt những ngày tết tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.