Các hoạt động nhóm được các nhà quản lý đưa vào văn hóa công ty để xây dựng kết nối giữa nhân sự. Nhưng hoạt động xây dựng team như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Bằng cách nào "xây team" có thể góp phần tạo nên một đội nhóm tích cực toàn diện và tương trợ nhau trong công việc?
Trong thời đại làm việc từ xa và các nhóm phân tán, các nhà quản lý đối mặt với một thách thức quan trọng: thúc đẩy sự kết nối giữa các nhân viên, bất kể họ ở đâu.
Để làm điều này, các nhà quản lý đôi khi sử dụng các hoạt động xây dựng đội ngũ. Các hoạt động xây dựng đội ngũ trong công ty có thể gây ra những cái nhìn khó chịu và tiếng thở dài (ai muốn thử trò tin tưởng ngã người hay tiệc nhảy ảo?), và chúng chắc chắn có phần chia sẻ của những người hoài nghi. Nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng nuôi dưỡng nhu cầu thuộc về của con người cải thiện hiệu suất công việc và sức khỏe tinh thần. Nhân viên có mối quan hệ mạnh mẽ tại nơi làm việc sáng tạo và hợp tác hơn; họ cũng ít bị kiệt sức hơn và có khả năng ở lại với tổ chức của mình cao hơn.
Nói một cách đơn giản: Các hoạt động xây dựng đội ngũ được thiết kế tốt là những công cụ thiết yếu có thể thúc đẩy mối quan hệ ý nghĩa giữa các đồng nghiệp, cuối cùng là thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên và đóng góp vào thành công chung của tổ chức.
Làm thế nào để xây dựng một chương trình team-building hiệu quả?
Ảnh: hbr.org
Đối với các nhóm làm việc từ xa (Remote)
Các nhóm làm việc từ xa sẽ rất hiếm khi gặp nhau trực tiếp, nên việc sinh hoạt nhóm lại khó khăn hơn. Tạo ra các hoạt động tương tác tương hỗ từ xa yêu cầu phải được đo ni đóng giày với quy mô của nhóm, khả năng cảm thụ và hoàn cảnh của mỗi người.
1. Trò chuyện dẫn dắt: Các thành viên trong nhóm cần hiểu nhau để tăng hiệu quả làm việc. Hãy thường xuyên có các cuộc nói chuyện với chủ đề xoay quanh mục tiêu của nhóm, văn hóa công ty hay sức mạnh cá nhân.
2. Tán gẫu: Năm phút chuyện trò thân mật trước mỗi cuộc họp giúp tìm hiểu và gắn kết với nhau hơn ở mức độ cá nhân. Ngoài những lúc nghiêm túc với công việc, hãy dành chút thời gian cho những tương tác đời thường, xây dựng văn hóa làm việc thân thiện, coi trọng tình bạn công sở.
3. Tận dụng các công cụ giao tiếp ảo: Nền tảng trực tuyến là môi trường tốt nhất - và gần như duy nhất - để các nhóm làm việc từ xa (remote) giao tiếp với nhau. Tận dụng tài nguyên phong phú sinh động từ các nền tảng đó cũng là một cách góp phần cho cuộc nói chuyện trở nên vui vẻ, bằng cách thêm biểu tượng cảm xúc, meme, trò đùa... Slack, Zoom, hoặc Microsoft Teams ngoài việc gọi video thì còn có thể giúp mọi người gắn kết với nhau hơn nhờ những tích hợp của nó.
4. Trò chơi mô phỏng: Trò chơi là cách thú vị giúp thúc đẩy tinh thần đồng đội và sự sáng tạo. ngoài các trò bingo, câu đố, hãy có thêm các môn tư duy phản biện như mô phỏng các vấn đề bất thường trong cuộc sống (chẳng hạn như sống sót sau vụ rớt Mặt Trăng, thám hiểm Bắc Cực...) Các tình huống này giúp khai thác kỹ năng tư duy chiến lược và kỹ năng hoạt động nhóm. Ngoài ra, cạnh tranh lành mạnh có thể giúp bộc lộ các khía cạnh khác trong tính cách của mọi người, thúc đẩy sự sáng tạo. Sau trò chơi, mọi người có thể học được điều gì đó để ứng dụng cho công việc thực tế sau này.
5. Tổ chức một tuần làm việc trực tiếp cùng nhau (nếu được): Thỉnh thoảng dành thời gian cho các cuộc gặp trực tiếp cũng rất cần thiết để duy trì mối quan hệ trong công ty. Có thể họp đầy đủ nhóm, hoặc cuộc họp 1:1, hoặc cần họp liên tục trong giai đoạn chạy nước rút cho dự án. Điều này giúp tạo thêm nhiều kỷ niệm tích cực, củng cố niềm tin đối với cộng sự và công việc.
Team-building dành cho đội nhóm làm việc trực tiếp toàn thời gian.
Bạn vẫn có thể sử dụng các phương án team-building trực tuyến bởi sự tiện lợi của nó, và nên cố gắng thực hiện nhiều hơn các hoạt động gặp gỡ trực tiếp với nhau.
1. Đi ăn trưa cùng nhau: Đầu tư một chút vào khoảng thời gian ngắn ngủi này, bật chế độ thoải mái và tận hưởng không gian bạn bè giữa đồng nghiệp.
2. Trao đổi kiến thức: Các đồng nghiệp luân phiên chia sẻ về các vấn đề họ mới tìm hiểu được, thúc đẩy nhau phát triển kinh nghiệm và chia đều cơ hội học hỏi kỹ năng mới.
3. Lập nhóm chơi thể thao sau giờ làm: Các hoạt động thể chất dù là bộ môn cá nhân hay tập thể thì việc gặp gỡ nhau để cùng tập luyện sẽ gắn kết tinh thần đồng đội hơn nhiều.
4. Cùng tham gia một dự án cộng đồng nào đó: khai thác nhiều hơn về khía cạnh giao tiếp xã hội, sự đồng cảm và nhận thức tốt hơn về việc xây dựng mối quan hệ cộng đồng.
5. Tiệc ngoài trời/picnic cuối tuần: gặp nhau ngoài môi trường công sở mang đến sự thư giãn sảng khoái và kết nối ở mức độ sâu sắc hơn - cùng ăn uống, tĩnh tại, và cởi mở với nhau.
6. Cùng sáng tạo ra một điều gì đó: một kịch bản hài dành cho chương trình hội thảo mới chẳng hạn, những phát kiến sẽ giúp công việc đơn thuần của bạn trở nên cuốn hút hơn, giảm bớt sự căng thẳng thường nhật.
Ảnh: pixabay
Cách để có một chương trình team-building hiệu quả.
Không nhất thiết phải là một chuyến đi xa hoa kéo dài, thậm chí một hoạt động quy mô nhỏ cũng có thể mang lại kết quả tốt ngoài mong đợi. Tất nhiên bạn không được hời hợt, team-building cần được lên kế hoạch cẩn thận, xem xét cam kết và sự quan tâm của các thành viên. Mục tiêu của team-building là xây dựng văn hóa nội bộ tích cực. Hãy suy nghĩ về:
- Cách tiếp cận: cách bạn sử dụng và phân bổ thời gian của nhóm, điều bạn muốn đạt được là gì, bởi sẽ có một số đồng nghiệp thật sự khá e dè trước khái niệm hoạt động nhóm này. Tôn trọng cuộc sống cá nhân và cân đối giữa công việc với cuộc sống, để đảm bảo các đồng nghiệp của bạn được đối xử công bằng và dễ hòa nhập.
- Đánh giá nhu cầu của nhóm: xét tới quy mô nhóm, nguồn quỹ/ngân sách tổ chức, phân bố địa điểm... và tùy vào hình thức làm việc chung của nhóm để có tần suất tổ chức đều đặn, lịch trình và hình thức phù hợp.
- Mọi người cùng lập kế hoạch với nhau: việc mọi thành viên cùng tham gia quá trình lập kế hoạch sẽ giúp điều chỉnh các hoạt động sao cho "vừa vặn" và đồng điệu giữa tính cách và sở thích của mọi người.
- Đặt ra các quy tắc cơ bản: có một bảng nguyên tắc và hướng dẫn rõ ràng sẽ giúp quản lý được kỳ vọng về mục tiêu của team-building, đồng thời có một sự tổ chức tốt. Sử dụng cách giao thức đơn giản như nghỉ giải lao thường xuyên, mọi người đều có cơ hội nêu ý kiến, tạm ngừng đa nhiệm... Điều này giúp mọi người tập trung vào việc sinh hoạt nhóm hơn.
- Và đặc biệt: người quản lý nhóm phải làm gương.
Hy vọng rằng những gợi ý này sẽ truyền cảm hứng cho những ý tưởng mà bạn có thể điều chỉnh theo quy mô, sự thích nghi và hoàn cảnh của nhóm mình. Hãy nhớ rằng, những hoạt động này không cần phải quá xa hoa hay quá cấu trúc. Điều quan trọng là mục tiêu xây dựng nhóm tích cực. Hãy chú ý đến nhu cầu của các thành viên trong nhóm, lôi kéo đồng nghiệp vào quá trình lập kế hoạch và thể hiện sự quan tâm chân thành trong việc tìm hiểu họ. Bằng cách đó, bạn sẽ giúp xây dựng một nền văn hóa nhóm tích cực, toàn diện, giải quyết được sự cô đơn và giúp mọi người cùng nhau thành công.