ĐỜI SỐNG

Một thời nghề dệt Sài Gòn, đâu phải thanh niên ngày nay ai cũng biết

Phương Hồng • 18-05-2022 • Lượt xem: 1703
Một thời nghề dệt Sài Gòn, đâu phải thanh niên ngày nay ai cũng biết

Nghề dệt đã gắn bó và trở thành một mảnh ghép ký ức, kỷ niệm tuổi thơ tôi. Nghề dệt thật sự gian khổ và nguy hiểm do tính chất an toàn lao động trong quá trình làm không cao. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất rất lớn, nhất là tiêu thụ điện mà giá cả vải bán ra thị trường thì lại thấp.

Vài nét về nghề dệt tại Sài Gòn

Khi nhắc đến nghề dệt vải ở Sài Gòn thì thường mọi người sẽ nghĩ đến làng dệt vải ngã tư Bảy Hiền. Vào những năm 70-80 trước đây, làng dệt vải Bảy Hiền đã gắn với gần 2000 hộ dân làm nghề và mỗi năm cho ra hàng trăm tấn vải, cung cấp cho toàn miền Nam lúc bấy giờ. Và làng nghề dệt vải Bảy Hiền cũng ra đời từ đó. Tuy nhiên, vào thời điểm đó trên đất Sài Gòn vẫn tồn tại nhiều khu dệt vải. Ngoài khu dệt vải nổi tiếng như ở ngã tư Bảy Hiền, thì còn có khu dệt tập thể sau Nhà thờ Hạnh Thông Tây - Quận Gò Vấp; khu tập thể ở nhà thờ Lạc Quang thuộc xã Tân Thới Nhất (nay là Phường Tân Thới Nhất, Quận 12).

Ký ức trong tôi về khu dệt tập thể

Khu dệt tập thể Nhà thờ Lạc Quang, vào thời đó có vài chục hộ gia đình chủ yếu là người dân miền Trung di cư lập nghiệp và họ tiếp tục mưu sinh bằng nghề dệt mang từ quê hương vào. Lúc đấy, nhà dì hai tôi cũng ở trong khu này và đã theo nghề dệt cùng với hộ gia đình này. Mỗi năm vào dịp nghỉ hè, tôi thường hay đến nhà dì Hai chơi nên có thời gian tiếp xúc, quan sát và hiểu được nổi cực khổ mà những người làm công việc này. Máy dệt có khung gỗ được làm bằng gỗ diễn (nay để có được loại gỗ này rất là hiếm) trông nó rất cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích và mỗi lần hoạt động là ai cũng “đau tai, nhức óc”. 

Những ai bất chợt đi ngang qua khu dệt này thì cảm tưởng là đang đi trên đường xa lộ, tiếng xe chạy rầm rầm, ồn ào, nhộn nhịp. Những ai nghe không quen thì sẽ cảm thấy rất khó chịu, rất ồn ào, đau tai, nhức óc… Và cũng có một số gia đình ở xung quanh đó không chịu nổi tiếng ồn do máy dệt phát ra đã di chuyển nơi khác sinh sống. Trong thời gian, tôi đến nhà dì Hai thì thỉnh thoảng đứng bên cạnh khung máy dệt cùng với dì, lâu lâu tôi phụ dì suốt chỉ với nối sợi, có lần cũng thấy những sự nguy hiểm từ thoi bay va vào đầu.

Điều làm tôi thú vị nhất chính là mỗi lần những người trong gia đình muốn giao tiếp, nói chuyện với nhau thì phải hô thật to, hét vào tai nhau mới nghe được. Mỗi lần mà muốn nói gì với dì tôi là mỗi lần tôi phải hét thật to vào tai dì, hét xong là đau cả họng. Lúc đó tôi nghĩ thât may nhà mình không làm nghề này. Nếu làm nghề ngày có ngày cả nhà ai cũng phải đi khám tai, khám họng mất…

Vào thời điểm đó, không biết có ai giống tôi hay không? Trong thời gian tôi ở nhà dì, đối với tôi tiếng máy dệt chạy rầm rập một cách rất nhịp nhàng… Tôi tưởng tượng như mình đang trong các buổi hòa nhạc du dương. Những tiếng máy dệt chạy đó mà mọi người cho rằng ồn ào gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thì nó đã nhiều lần đưa tôi vào giấc ngủ trưa dưới ánh nắng oi bức của mùa hè.

Máy dệt khung gỗ từng là niềm tự hào của những người thợ dệt, của từng nhà. Lúc tôi còn nhỏ thì nghề dệt đã gắn bó và trở thành một mảnh ghép ký ức, kỷ niệm tuổi thơ ùa về trong tâm trí tôi. Nghề dệt thật sự gian khổ và nguy hiểm. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất rất lớn, nhất là tiêu thụ điện mà giá cả vải bán ra thì lại không cao.

Máy dệt khung gỗ giờ đây đang đứng trước nguy cơ mai một trước sự cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc và Hàn Quốc. Vào những năm 2000, vải từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam; trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Vải Trung Quốc có nhiều mẫu mã đẹp, giá cả lại rẻ nên hàng vải của ta không cạnh tranh nổi. Làng dệt vải Bảy Hiền nói chung, khu dệt tập thể Nhà thờ Lạc Quang - Phường Tân Thới Nhất nói riêng ngày càng đi vào ngõ cụt. Phần lớn hộ gia đình chuyển sang ngành nghề khác để kiếm sống.

Giới trẻ hiện nay không biết được ở Sài Gòn đã từng có những thương hiệu vải nổi tiếng một thời như Phúc Trang, Trương Tôn, Huỳnh Giai… đã đi vào dĩ vãng. Những con đường, những khu tập thể nơi đóng đô của cơ sở dệt như Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng, khu nhà thờ Lạc Quang, phường Tân Thới Nhât, tập thể sau nhà thờ Hạnh Thông Tây, Quận Gò Vấp. Giờ đây đã không còn nghe những tiếng rầm rập của máy khung dệt chạy. Chỉ còn vài hộ dân vương vấn với nghề này mà thôi, mặc dù máy móc đã lỗi thời, sản phẩm làm ra năng suất thấp, buôn bán thì không chạy được như trước.