Dip cuối tháng 11, Thái Lan có hai lễ hội ánh sáng tuyệt đẹp tổ chức gần như cùng một thời điểm: Lễ hội thả hoa đăng Loy Krathong và Lễ hội thả thiên đăng Yi Peng. Những lễ hội ánh sáng diễn ra trên khắp xứ chùa Vàng, nhưng nổi tiếng nhất là Chiang Mai - cố đô vương triều Lanna, nơi được mệnh danh "đóa hồng phương Bắc".
Cả hai lễ hội Loy Krathong và Yi Peng diễn ra vào cuối tháng 11 và là những lễ hội quan trọng của Vương quốc Thái Lan. Năm nay, Loy Krathong sẽ bắt đầu vào ngày 27/11 và hội Yi Peng sẽ diễn ra từ ngày 26/11 cho đến 28/11. Người Thái Lan tin rằng đây là lúc các dòng sông đầy nước nhất, trăng tròn và sáng nhất trong một năm, là thời điểm hoàn hảo nhất để làm việc công đức và cầu nguyện cho những điều may mắn tốt lành. Lễ hội được tổ chức trên toàn vương quốc, nổi bật nhất tại Bangkok, Phutkhet, Pattaya, Chiang Mai.
Theo tiếng Thái Lan “Loy” nghĩa là “nổi”, “Krathong” là bè, người dân thả những chiếc đèn nổi thắp nến và hoa xuống sông để cầu nguyện. Ngược lại, Yee Peng Lanna lại gây ấn tượng choáng ngợp với hình ảnh hàng ngàn chiếc thiên đăng Khom Loy được thả lên trời cao. Ý nghĩa của hai lễ hội trên lại rất tương đồng, gần như là hòa thành một.
Mục đích của Loy Krathong là để tôn kính Đức Phật, thần sông và tưởng nhớ tổ tiên. Ngọn nến trên mỗi chiếc đèn hoa đăng Krathong tượng trưng cho Đức Phật. Hình ảnh chiếc đèn trôi xuôi theo dòng nước đại diện cho sự buông bỏ những dục vọng độc ác, tham, sân, si, hận cũng như mọi nỗi phiền não và hành động xấu xa, ích kỷ… Bên cạnh đó, thả hoa đăng Krathong còn là cách người dân dâng cúng Thủy thần Pha Mae Khongkha cầu xin nữ thần tha thứ tội đã làm ô nhiễm dòng nước đồng thời cảm tạ thần đã gột rửa mọi rủi ro, tội lỗi của năm trước, ban phước lành cho năm sau. Người ta thường cắt một ít móng tay, tóc hoặc bỏ một đồng xu vào Krathong để xua đi vận rủi và cầu mong phước lành trong tương lai.
Tương tự, việc thả đèn thiên đăng của Yi Peng cũng tượng trưng cho việc loại bỏ tất cả các bệnh tật và bất hạnh trong quá khứ, cầu chúc cho may mắn năm sau. Mọi người cũng thường gắn tiền xu, ghi những điều ước của mình lên đèn và thầm cầu nguyện trước khi thả lên trời. Một số người thậm chí còn gắn thêm pháo bông phụt vào đèn tùy theo sức sáng tạo và ý thích cá nhân. Nếu chiếc đèn hoa đăng có thể bay hút khỏi tầm mắt trước khi lửa tắt, mọi ước nguyện sẽ thành hiện thực và người thả đèn sẽ gặp vận may lớn trong cả năm. Sự hòa quyện giữa hai lễ hội Loy Krathong và Yi Peng biến Chiang Mai thành xứ sở thần tiên khi cả bầu trời lẫn mặt đất đều rực rỡ lung linh với ánh sáng của hàng ngàn chiếc đèn lồng đủ mọi sắc màu, kích thước và hình dáng.
Nếu ở Bangkok, bạn có thể thả hoa đăng Krahthong trên dòng sông Chao Phraya thì tại Chiang Mai điểm thả hoa đăng Krathong và thiên đăng Khom Loy nổi tiếng nhất là sông Pig, khu vực giữa hai cây cầu Nawarat và cầu Thép (Iron bridge). Ven bờ có rất nhiều quầy bán Krathong hay Khom Loy với nhiều mức giá và kích thước khác nhau. Để khám phá trọn vẹn vẻ lộng lẫy của đêm hội Yi Peng, bạn cần phải đến Wat Pan Tao, ngôi chùa gỗ cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 14, được điểm tô bằng hàng trăm chiếc đèn lồng màu sắc và chiếu sáng bằng hàng ngàn ngọn nến nhỏ. Hình ảnh các nhà sư chùa Wat Pan Tao trang trọng thả những chiếc đèn thiên đăng khổng lồ trên trời, hay trầm mặc tọa thiền giữa biển ánh sáng rực rỡ lung linh phản chiếu trên mặt nước đã trở thành hình ảnh đại diện cho vẻ đẹp đầy mê hoặc của Yi Peng.
Các nhà sư đóng vai trò rất quan trọng trong lễ hội Yi Peng, mọi người đến đền thờ để lắng nghe cầu nguyện và thiền định cùng họ, từ đó nhận được sự ban phước và may mắn do Đức Phật ban cho. Điều phiền toái lớn nhất của mùa lễ hội Loy Krathong và Yi Peng là gần như lúc nào bạn cũng bị nhồi nhét, chen lấn trong một đám đông khổng lồ, những đợt kẹt xe kéo dài hàng tiếng đồng hồ đầy mệt mỏi. Thế nhưng, một khi đã ngắm nhìn thiên đường ánh sáng tuyệt đẹp và những nụ cười rạng rỡ không ngừng nở trên môi người đi chơi hội, bạn sẽ thấy mọi sự bất tiện phải chịu đựng đều rất đáng giá.