ĐỜI SỐNG

Nâng cao chỉ số vượt khó (AQ) cho trẻ bằng những hành động đơn giản

Minh Trung • 03-02-2023 • Lượt xem: 1568
Nâng cao chỉ số vượt khó (AQ) cho trẻ bằng những hành động đơn giản

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thành công của một người được quyết định phần nhỏ bởi chỉ số thông minh trí tuệ IQ, một phần tương đối của chỉ số thông minh cảm xúc EQ, nhưng phần lớn đến từ chỉ số vượt khó AQ. 
 

Chỉ số vượt khó AQ là gì? 

AQ là viết tắt của adversity quotient, có thể được hiểu là chỉ số dùng để đánh giá mức độ vượt khó của một cá nhân. 

Theo đó, AQ được hiểu đơn giản là khả năng thích ứng của một người trong một bối cảnh hay sự kiện nào đó. Cùng là nghĩa thông minh, nhưng intelligent hướng tới những người có chỉ số IQ cao, còn smart dùng cho những người có AQ cao. Đó là sự thích nghi và linh hoạt khi giải quyết những trở ngại trong cuộc sống. Đồng thời, những người có chỉ số AQ thường tự tin và can đảm để đối mặt với những khó khăn, sẵn sàng vượt qua những thử thách trong công việc một cách mạnh mẽ. Một tâm thế lạc quan và kiên định là chìa khóa quan trọng của những người sở hữu chỉ số AQ cao. 

Một tin đáng mừng là bất kì chỉ số thông minh nào cũng có thể rèn luyện, trong đó có chỉ số AQ. Tuy nhiên, rèn luyện từ sớm cho trẻ nhỏ sẽ dễ dàng hơn, vì một cá nhân đã có những định hình về tư duy sẽ rất khó để trau dồi những tư duy mới. 

Vì sao phải rèn luyện độ vượt khó cho trẻ? 

Khó khăn là điều tất yếu trong cuộc sống. Để vượt qua những thách thức lớn, ai cũng cần khoảng thời gian để tôi luyện qua những thử thách nhỏ. Và dĩ nhiên, theo lẽ thường của cuộc sống, trẻ con là cơ hội để các bé có thể làm quen dần với những trở ngại nhỏ trong các công việc hằng ngày, học tập, chơi đùa. Do đó, huấn luyện sự vượt khó trong trẻ là cách tốt nhất để trẻ có thể tự bảo vệ chính mình và ngày càng phát triển trong cuộc sống. 

Theo chuyên gia về hành vy và não bộ Emmy Werner, những đặc điểm thường thấy ở những đứa trẻ có chỉ số AQ cao (dù bẩm sinh hay được tôi luyện) đều có những đặc điểm sau: Luôn tích cực và cởi mở để có thể giải quyết những vấn đề, xem xét nhằm giải quyết vấn đề, không dễ dàng từ bỏ khi gặp thất bại, lạc quan và sẵn sàng trong mọi tình huống. 

Từ những lợi ích trên, không có lí do nào để các bậc cha mẹ có thể bỏ qua việc dạy con mình trở nên một người có chỉ số AQ cao đúng không? 

Rèn luyện chỉ số AQ hiệu quả cho trẻ 

Đầu tiên, tạo điều kiện để trẻ thỏa sức sáng tạo. Khi gặp một tình huống khó khăn trong cuộc sống, thứ tạo nên niềm tin để trẻ kiên định nhằm dẫn tới quyết định sẽ giải quyết tình huống đó là những dữ kiện trong quá khứ. Và không gì tốt hơn đó là sự sáng tạo. Những kiến thức hay lí thuyết trong sách vở chỉ giới hạn ở một vùng hiểu biết nào đó, nhưng sự sáng tạo là vô hạn. Cha mẹ có thể đồng hành cùng con qua những trò chơi có tính mày mò, xoay sở, kích thích sự tư duy. Có thể kể đến một số trò chơi như: Vẽ tranh, nặn tượng đất sét, tô màu, giả định nấu nướng, các môn thể thao vận động…

Kích thích khả năng sáng tạo cho trẻ

Thứ hai, cha mẹ có thể rèn luyện chỉ số AQ cho con thông qua việc ra quyết định của trẻ. Để dành những sự tốt nhất cho con, cha mẹ thường quyết định thay chúng rất nhiều thứ trong cuộc sống. Chúng ta đồng tình rằng, trẻ nhỏ là lứa tuổi dễ bị tổn thương và đang trong quá trình phát triển mạnh, do đó mà cha mẹ nào cũng muốn con sẽ nhận được những gì tốt nhất từ quyết định của mình. Tuy nhiên, thói quen này vô tình làm giảm đi sự nhậy bén trong trực giác của trẻ. Để có một niềm tin khi đối diện với thử thách, trẻ cần có những dữ kiện trong quá khứ khiến nó tin rằng, nó đã từng làm được. Và những quyết định tưởng chừng như đơn giản trong quá khứ lại là sức mạnh để trẻ vượt qua thử thách của hiện tại. Đồng thời, việc tự ra quyết định sẽ giúp trẻ duy trì và cải thiện trực giác thông qua những bài học và kinh nghiệm mà trẻ có. Theo nhiều nhà nghiên cứu về não bộ, những gì chúng ta tự học sẽ ghi sâu vào não của chúng ta hơn so với những điều học thụ động thông qua một phương tiện khác. Do đó, cha mẹ có thể để con tự quyết định những vấn đề phù hợp với lứa tuổi, và cha mẹ chỉ cố gắng tham vấn và phân tích với quyết định đó của con. Ví dụ: Ở cấp tiểu học, con có thể chọn muốn mặc đồ gì, chơi môn thể thao nào; ở cấp Trung học cơ sở, con có thể chọn học thêm môn gì, được ăn món gì; ở Trung học phổ thông, con có thể chọn việc có người yêu hay không, sau này sẽ học ngành gì… 

Cuối cùng, khi đã có những dữ kiện để trẻ tin tưởng vào chính mình qua những bài học về sáng tạo và ra quyết định, sự lạc quan là thứ cuối cùng cha mẹ cần trang bị để con trở nên mạnh mẽ nhất. Chúng ta đều biết rằng, không phải lựa chọn vượt qua thử thách là sẽ thành công với tốc độ nhanh chóng, mà đó là một quá trình gian nan. Do đó, sự lạc quan là điều cần thiết để trẻ tiếp tục vững bước. Cha mẹ có thể hạn chế than thở những điều tiêu cực trước mặt con cái, cũng đừng thể hiện quá thường xuyên vẻ mặt u buồn trước mặt con. Sở dĩ chỉ nên hạn chế vì con người trong cuộc sống khó tránh khỏi những lúc cảm xúc bộc phát do một chuyện nào đó, nhưng cái quan trọng nhất là những biểu hiện đó để con biết rằng, cha mẹ cũng có những cảm xúc tiêu cực nhưng đều có thể vượt qua. Nếu những biểu hiện tiêu cực diễn ra quá thường xuyên trước mắt trẻ, vô tình sẽ ghi vào tiềm thức của trẻ những kí ức không hay, trở nên một dữ kiện xấu trong não trẻ. 

Vượt khó là chỉ số vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân, vì chỉ cần AQ cao thì làm gì cũng thuận lợi. Do đó, việc nâng cao AQ cho trẻ là một việc cấp thiết mà mỗi cha mẹ đều cần quan tâm.