ĐỜI SỐNG

Nắng nóng cực độ khiến nhiều nơi trên thế giới khổ sở

Lan Hương • 25-05-2023 • Lượt xem: 836
Nắng nóng cực độ khiến nhiều nơi trên thế giới khổ sở

Đợt nắng nóng cực độ đang diễn ra khắp châu Á và nhiều nơi trên thế giới khiến các cư dân rơi vào cuộc sống vô cùng khắc nghiệt. Nắng nóng khiến nhiều người phải nhập viện, đường sá hư hỏng, cháy rừng và nhiều trường học phải đóng cửa.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), đợt nắng nóng cực độ trải rộng khắp châu Á và thế giới hiện nay mới chỉ là khúc dạo đầu của đợt nắng nóng kỷ lục. Một nghiên cứu mới trên trang Nature Sustainability cho biết những nước có nhiều người phải đối mặt với nguy cơ nắng nóng nguy hiểm nhất chính là Ấn Độ (600 triệu người), Nigeria (300 triệu người), Pakistan và Philippines (mỗi nước với 80 triệu người).

Do nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm khiến nhiệt độ một số nơi tại Thái Lan ghi nhận lên đến 50 độ C. Trong khi đó nhiệt độ ở Philippines đạt đến mức nguy hiểm trong khoảng 42 – 51 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người không thể thực hiện được những công việc thường ngày, người dân được kêu gọi hạn chế ra đường để đề phòng tránh các dấu hiệu sốc nhiệt và mệt mỏi do nắng nóng.

Châu Á đang trải qua đợt nắng nóng đạt mức kỷ lục trong lịch sử.

Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, do gió mùa Tây Nam di chuyển chậm hơn bình thường nên nhiệt độ gay gắt tại đây có thể kéo dài thêm vài ngày nữa. Đã có lúc nhiệt độ được ghi nhận tại Ấn Độ tăng đến mức 45 độ C khiến người dân không thể chịu được.

Ở bang Uttar Pradesh tại miền Bắc Ấn Độ, khi nhiệt độ tăng quá mức 45 độ C, một số khu vực đã bị mất điện đến hơn 12 giờ đồng hồ bất chấp việc chính phủ Ấn Độ yêu cầu về việc các nhà máy điện hoạt động hết công suất. Việc bị cắt điện đồng nghĩa với không có điều hòa không khí, không quạt gió, thậm chí là không có nước, người dân ở khu vực này càng trở nên khốn khổ. Cái nóng như thiêu đốt làm các cư dân không dám mạo hiểm đi ra ngoài, nhiều người cảm thấy như bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình.

Nắng nóng tại Ấn Độ trên thực tế đã trở nên khắc nghiệt hơn hẳn trong một thập kỷ qua. Vào tháng tư vừa rồi trong một sự kiện công cộng ở Mumbai, đã có 13 người thiệt mạng vì nắng nóng quá gay gắt. Các trường học ở bang Tây Bengal, phía Đông Ấn Độ cũng đã phải đóng cửa trong một tuần.

Nhiệt độ tăng cao mức nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người.

Các cơ quan khí tượng đánh giá qua nhiều tiêu chí đã chỉ ra rằng, châu Á vừa trải qua tháng 4 và tháng 5 với cơn nắng nóng nhất trong lịch sử ghi nhận từ trước tới nay. Các nhà khoa học thì cảnh báo năm 2023 có thể là dấu mốc thêm một năm nhiệt độ thời tiết đạt mức nguy hiểm ở châu Á, các đợt nắng nóng kỷ lục được dự báo có thể tăng gấp 30 lần so với trước đây.

Theo AP, sức khỏe của con người giảm sút bởi nhiều lý do trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Khí hậu nóng lên khiến một số cây lương thực giảm chất lượng, nhiệt độ tăng dẫn đến mất việc làm ở một số ngành nghề, điều này khiến cho một bộ phận người dân giảm đi thu nhập, khiến họ không đủ điều kiện về chăm sóc y tế cũng như không đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Nhiệt độ tăng cao đến mức nguy hiểm khiến cơ thể con người không còn cách nào tự làm mát, khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đặc biệt là các đối tượng người già, trẻ nhỏ, những người mắc bệnh nền.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 2,7 độ C đến năm 2100, khi đó tính mạng khoảng 1/5 dân số thế giới sẽ bị đe dọa. Nhóm nghiên cứu cho biết, những người tiếp xúc với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt chủ yếu sinh sống ở các nước nghèo, với lượng phát thải carbon trên đầu người nhỏ nhất.

Việc cam kết giảm khí thải carbon của các chính phủ và các công ty góp phần ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C, điều này khiến cho hàng trăm triệu người không phải đối mặt với nạn thời tiết nắng nóng thảm họa.