ĐỜI SỐNG

Nao nức lòng người mùa sơn tra bản Nậm Nghiệp

Khanh Khanh • 24-03-2023 • Lượt xem: 803
Nao nức lòng người mùa sơn tra bản Nậm Nghiệp

Tây Bắc những ngày cuối xuân, sơn tra nở trắng cả rừng trở thành vẻ đẹp đặc trưng ở các bản làng vùng cao. Không chỉ mang sắc trắng tinh khôi tuyệt diệu, loài hoa này còn có hương thơm thanh nhẹ ngọt ngào khiến không ít người xao xuyến. Dưới gốc sơn tra, hình ảnh các thiếu nữ xinh đẹp người Mông ngồi thêu váy hoa, chàng thanh niên thổi khèn trở thành đề tài hết sức quen thuộc của các thi sĩ. 

Tại bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), hiện tại người dân và du khách đang đón những đợt ra hoa của loài cây sơn tra (hay còn được gọi là cây táo mèo) trắng muốt tạo nên khung cảnh đẹp mê đắm. Hoa sơn tra thường nở thành chùm, cánh hoa trắng ngà, nhuỵ vàng, thân gỗ to đến mức một vòng tay người ôm cũng không xuể. Mùi hương hoa ngọt nhẹ, thanh mát pha lẫn trong gió tạo nên sự dễ chịu và xua tan mọi mệt mỏi. Trái của cây sơn tra cũng vô cùng thú vị khi ở mỗi nơi, mỗi vùng sẽ có vị khác nhau đôi chút. Chẳng hạn như sơn tra ở Sìn Hồ được nhớ đến vị chát đậm, còn sơn tra ở Dào San thì nhẹ hơn và khá giòn. Bà con người Mông trên bản thường thu hoạch quả vào khoảng tháng 9, 10. Sau khi sơ chế thì đến công đoạn ngâm rượu, mật ong, đường… rồi mang đi bán. 

Mỗi độ cuối xuân, rơi vào khoảng thời gian trải dài từ tháng 2 cho đến tháng 4 là lúc sơn tra dần bung hoa trắng rừng. Nhưng thời điểm được cho là đẹp nhất để chiêm ngưỡng loài hoa này lại vào tháng 3. Trước đây, sơn tra là loại cây mọc tự nhiên trong rừng sâu và nhiều nhất ở Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Sau này, khi người dân nhận ra những giá trị kinh tế mà sơn tra mang lại thì bắt đầu đem về trồng ở khắp các đồi nương, bản làng. Điển hình như ở bản Nậm Nghiệp có diện tích trồng sơn tra hiện tại đang lên đến con số gần 13.000ha với phần lớn diện tích là cây cổ thụ có tuổi đời từ 300 - 500 năm.

Những năm trở lại đây, xu hướng du lịch vùng cao bắt đầu có khởi sắc đáng kể. Vì vậy, mùa hoa sơn tra còn mang cả tiềm năng về du lịch, thu hút những du khách thích trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp, đời sống miền sơn cước. Tuy nhiên, vì mùa hoa sơn tra ở bản Nậm Nghiệp vẫn còn khá mới nên các dịch vụ du lịch chưa được phát triển nhiều, đường đi lên bản khá quanh co, nhiều đá sỏi… Nếu muốn ở lại qua đêm, du khách cần tự trang bị lều và các vật dụng cần thiết, thức ăn, nước uống. Hoặc cũng có thể liên hệ với nhà dân để nghỉ đêm kèm phí. Bên cạnh đó, nhiệt độ ở Nậm Nghiệp thường trở lạnh về đêm và sáng sớm, nên chuẩn bị quần áo ấm, túi nhiệt là vô cùng cần thiết. 

Thế nhưng chính vì đặc điểm còn khá hoang sơ nên du khách có thể thoải mái ngồi dưới bóng mát của những gốc cây sơn tra to lớn, hít thở khí trời xen lẫn hương thơm của loài hoa này, ngắm nhìn từng góc bản làng bình yên. Hay săn mây khi mặt trời chưa ló dạng, chờ bình minh sáng sớm, đón hoàng hôn mỗi chiều trên bản cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến đây. Mặt khác, du khách còn có thể thưởng thức rượu ngâm sơn tra cùng các món ăn đậm chất vùng cao do chính tay bà con H'Mông chế biến. 

Các thế hệ người con vùng Sin Suối Hồ thường truyền tai nhau: “Một đời sơn tra là một đời người Mông, sinh ra trên sỏi đá cằn cỗi rồi ra hoa, kết quả trong nắng gió, dù có bão giông, khắc nghiệt vẫn bung sắc trắng muốt và kiêu hãnh giữa đại ngàn”.