ĐỜI SỐNG

Nên cẩn trọng khi ăn món đặc sản đồng quê này vì lí do sau

Thành Nhân (Tổng hợp) • 11-07-2023 • Lượt xem: 1239
Nên cẩn trọng khi ăn món đặc sản đồng quê này vì lí do sau

Vào mùa gặt lúa hè thu ở miền Tây Nam Bộ, người dân thường tranh thủ đi bắt chuột đồng để sử dụng làm đặc sản. Tuy nhiên, ít người quan tâm đến việc chuột đồng có thể đã bị đánh bả thuốc suốt mùa lúa. Điều này gây ra nguy cơ người ta có thể ăn phải thịt chuột đã bị bả.

Một người dân làm nông nghiệp lâu năm ở miền Tây cho lời khuyên không nên ăn thịt chuột đồng mùa này, anh chỉ tay vào chuột vừa bắt được và cho biết rằng, có thể chuột đã bị đánh bả. Anh cũng cho biết thêm, khắp cánh đồng người ta đều đánh bả chuột để bảo vệ mùa màng.

Nhiều hộ nông dân ở cánh đồng Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, cứ khoảng 2 tuần họ phải đánh thuốc chuột một lần trong suốt quá trình từ khi gieo sạ lúa tới lúc thu hoạch. Mục đích là để giảm việc chuột sẽ cắn phá lúa, tránh bị hư hại. Thường những con chuột bị thuốc sẽ chết sau 3-4 ngày hoặc 7 ngày. Điều này cực kì nguy hiểm nếu ai bắt chuột đồng và dùng chúng để ăn.

Việc người nông dân đi thăm đồng và thấy các khoảng lúa bị cắn nham nhở, tập trung một chỗ... họ sẽ đánh bả chuột sau đó vì để bảo vệ hoa màu không bị tàn phá bởi loại động vật gặm nhấm này.

Bắt chuột đồng ở miền Tây.

"Vì nếu không đánh, chỉ cần 3-4 ngày sau đó chuột cắn thành một vạt rất to. Hiện loại thuốc hay được nhà nông bả chuột là loại ngăn cơ thể chuột đông máu. Chuột ăn trúng thuốc không chết ngay, sau đó về hang ổ rồi tiếp tục lây cho bầy đàn. Ít ngày sau, chuột vẫn còn sức đi cắn tiếp, đến khi thấm thuốc mới chết", người dân cho biết.

Theo kinh nghiệm nông dân miền Tây cho hay, khi đánh bắt chuột về, để biết chúng có trúng thuốc hay không, dựa trên các dấu hiệu như chuột lừ đừ, đi không nổi, thịt thấy nội tạng nổi u và đốm trắng thì tuyệt đối không nên ăn. Nhiều trường hợp khi chuột bị trúng thuốc dù đi lừ đừ chậm chạp nhưng vẫn cắn lúa. Hình ảnh này nếu ai không kỹ sẽ dễ nhầm là chuột sống còn khỏe, bắt về đem bán hoặc chế biến làm thực phẩm.

Thịt chuột hiện nay là món ăn khoái khẩu được ưu tiên ở nhiều quán nhậu. Giá cho món đồng quê này khoảng 100 ngàn đồng cho 1kg đã làm sạch. Thông thường những người làm nghề bẫy chuột này sẽ bẫy theo máy gặt, hay đào ở các hang hoặc bẫy điện... để chuột sập bẫy. Sau đó họ sẽ bán chuột cho các quán nhậu hoặc cho mối.

Ông P, một người săn chuột lâu năm, khi được hỏi về độ an toàn của thịt chuột đồng thì cho biết như sau: Sau hàng đêm, khi săn được chuột, ông sẽ làm thịt ngay vào sáng sớm để mang đi bỏ mối cho chợ hay các quán nhậu. Chính vì vậy, cũng khó mà biết được thịt chuột đó có bị trúng bả hay không. Chỉ có thể nuôi nhốt vài ngày mới biết được kết quả chính xác nhất.

Nhiều người bán thịt chuột đồng cũng cho hay, họ không được biết chuột được bắt và sơ chế như thế nào, chỉ nhận từ người cung cấp và bán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất dễ mua phải thịt chuột dính thuốc.

Theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp cho biết, trên thị trường hiện nay có hai nhóm thuốc diệt chuột phổ biến mà nông dân thường sử dụng. Nhóm thứ nhất là thuốc chứa kẽm, khi chuột ăn phải sẽ chết sau khi uống nước. Nhóm thứ hai là loại chứa chất kháng vitamin K, gây xuất huyết não và rối loạn đông máu, khiến chuột chết.

Hiện nay, nhà nông thường ưa dùng thuốc diệt chuột có chất lưu dẫn tương tự như thuốc diệt mối. Khi chuột ăn thuốc này, chúng không chết ngay mà trở về hang, ổ và lây lan thuốc cho cả đàn chuột.

Nếu vô tình bắt được chuột đã nhiễm thuốc nhưng chưa chết và mang về làm thịt ăn, cơ thể con người cũng có thể bị nhiễm độc. Triệu chứng và mức độ nhiễm độc sẽ phụ thuộc vào lượng thuốc mà con người tiếp xúc và sức đề kháng của cơ thể. Để đảm bảo an toàn cho chính mình, người dân nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc về loại thực phẩm này trước khi mua về và có ý định sử dụng.