ĐỜI SỐNG

Nét độc đáo của Nhà thờ Đức Bà Paris sau hơn 850 năm

Kim Ngân • 16-04-2019 • Lượt xem: 2423
Nét độc đáo của Nhà thờ Đức Bà Paris sau hơn 850 năm

Được xây dựng theo kiến trúc Gothic từ thế kỷ 12, hoàn tất vào thế kỷ 13, nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Pháp, thu hút 13 triệu lượt khách tham quan mỗi năm và là công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu.

Tin, bài liên quan:

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy, chìm trong biển lửa

Cháy lớn nhà thờ Đức Bà Paris, sao Việt sốc nặng

Không khí Giáng sinh rực rỡ tại Nhà thờ Đức Bà Paris

Tọa lạc tại đảo Cité trên sông Seine, nhà thờ Đức Bà Paris được cho là nơi phát tích của thủ đô Paris từ một làng chài nhỏ bé hơn nghìn năm trước. Nhà thờ dài 128m, rộng 48m, cao 96m, có thể chứa được 6.500 người. Dù không phải là nhà thờ lớn nhất nhưng nhà thờ Đức Bà Paris có tầm ảnh hưởng và sức thu hút nhất nước Pháp và cả thế giới.

Là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Gothic, Nhà thờ Đức Bà Paris có các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên. Bên ngoài có các tháp nhọn, bên trong là mái trần cao vút với các tấm kính và 3 cửa sổ hoa hồng bằng kính màu khổng lồ. Mỗi khung cửa sổ là những hình ảnh Kinh thánh khác nhau. Đây được xem là những cửa sổ bằng tranh kính nổi tiếng, hoàn hảo nhất. Ánh sáng chiếu qua cửa kính, khi vào nhà thờ sẽ biến đổi thành các màu sắc khác nhau khiến không gian trong nhà thờ huyền ảo. Nhà thờ Đức Bà Paris có 5 tháp chuông, trong đó chuông phía nam là nổi bật nhất.

Nhà thờ bắt đầu được xây dựng từ năm 1160, dựa trên ý tưởng của Đức giám mục Paris là Maurice de Sully. Năm 1163, Giáo hoàng Alexander III đặt viên đá móng khởi công nhà thờ. Bàn thờ cao được làm lễ thánh vào năm 1189. Mặt tiền phía tây và gian giữa của nhà thờ được hoàn thành vào năm 1250. Mái hiên, nhà nguyện và các công trình khác được xây dựng trong hơn 100 năm sau đó.

Khoảng năm 1643 - 1715, thời vua Louis XVI, nhà thờ Đức Bà Paris được trùng tu. Các cửa kính màu được thay bằng kính trắng. Một cây cột trụ bị phá để mở đường cho xe ngựa vào nhà thờ.

Đến thời kỳ Cách mạng Pháp (cuối thế kỷ 18), nhà thờ bị phá hoại nặng nề hơn. Vô số tượng bị phá hủy, cung điện của các giám mục bị thiêu cháy. Vua Napoleon I - người tự phong là hoàng đế nước Pháp năm 1804 đã giao trọng trách khôi phục, trùng tu nhà thờ cho kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc. Cuộc trùng tu này đến cuối thế kỷ 19 mới hoàn tất. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung thêm ngọn tháp trung tâm của nhà thờ. Quá trình trùng tu này nổi tiếng hơn sau thành công của cuốn tiểu thuyết “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo năm 1831.

Trùm phát xít Hitler từng muốn phá hủy nhà thờ nhưng không thành công. Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… độc đáo và trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của Thiên Chúa giáo cũng như nền văn minh phương Tây.

Năm 2013, nhà thờ Đức Bà Paris kỷ niệm 850 năm tồn tại bằng một loạt các buổi trình diễn nghệ thuật quy mô.

Lúc 18h50 ngày 15/4 (23h50 giờ Hà Nội), ngọn lửa dữ dội bùng lên ở Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, tạo ra cột khói lớn, khiến tháp nhọn và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập. Hơn 400 lính cứu hỏa được huy động để dập lửa và đám cháy chỉ được khống chế lúc 0h ngày 16/4.

Trang web của nhà thờ thông báo mái vòm nổi tiếng với các ô kính màu tuyệt đẹp, cùng nhiều máng xối bằng đá được chạm khắc tinh xảo bị thiêu rụi. May mắn là vương miện bằng vàng và áo choàng của vua Saint Louis từ thế kỷ thứ 13 đã được cứu khỏi trận hỏa hoạn. 16 bức tượng đồng nổi tiếng trong nhà thờ được di chuyển để phục vụ công tác trùng tu nên cũng không bị ảnh hưởng. Trước đó, Nhà thờ Đức Bà Paris đang trong giai đoạn cải tạo phần phía sau, nơi có các khung vòm và tháp nhọn. Lực lượng cứu hỏa nhận định nguyên nhân vụ cháy có thể liên quan đến công việc trùng tu này.