Kiểu ngủ phân đoạn nhiều giấc đã từng phổ biến ở những người nổi tiếng, nhưng ngày nay chúng có thể không còn hữu ích như xưa nữa.
Tác giả nổi tiếng Charles Dickens đã từng có thời gian mắc chứng mất ngủ trầm trọng, khiến ông phải lang thang trên những con phố ở London vào lúc nửa đêm, các câu chuyện về “Những chuyến đi dạo ban đêm” của ông được ghi lại và khá nổi tiếng. Và Dickens không phải là người duy nhất phải trải qua những kiểu ngủ rời rạc từng giấc như vậy. Rất lâu trước khi chúng ta có đèn điện, không ít người đã có thói quen ngủ tương tự. Một bài báo năm 2015 trên tạp chí Current Biology chia sẻ rằng ở thời điểm xã hội tiền công nghiệp, con ngưòi ở Tanzania, Namibia và Bolivia cũng có thói quen ngủ từng giấc như này. Một báo cáo của Inverse đã liên kết kiểu ngủ thời trung cổ này với cái mà ngày nay chúng ta gọi là “giấc ngủ đa pha”.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã nghiên cứu xã hội săn bắt hái lượm và săn bắn làm vườn, và phát hiện ra rằng những người này thức hàng giờ sau khi mặt trời lặn. Những nền văn minh này không có điện và nguồn ánh sáng duy nhất của họ sau khi trời tối là lửa trại. Họ ngủ từ 4 đến 5 tiếng, và sau đó thức dậy để làm một số hoạt động như đọc sách, đi bộ hoặc ăn các bữa nhỏ. Tương tự như “những giấc ngủ trưa" của người dân Tây Ban Nha, họ đóng cửa cửa hàng vào buổi trưa để thư giãn, ngủ trưa hoặc uống một tách cà phê.
Ảnh minh hoạ giấc ngủ thời Trung cổ (nguồn: Russia, Moscow, Tretjakov State Gallery)
Hóa ra “giấc ngủ đa pha” hay “giấc ngủ phân đoạn” từ lâu đã là một khái niệm nổi tiếng trong khoa học về giấc ngủ. Ngủ phân đoạn là thói quen ngủ thành nhiều giấc nhỏ (nhiều hơn 2 lần) trong ngày thay vì ngủ một giấc dài như bình thường (còn gọi là giấc ngủ một pha), và trẻ sơ sinh thường ngủ theo kiểu này một cách tự nhiên. Mặc dù giấc ngủ một pha là tiêu chuẩn đối với đại đa số người bình thường, nhiều người chấp nhận giấc ngủ đa pha như một cách để giảm thời gian ngủ tổng thể trong ngày và tối đa hóa được số giờ thức của họ. Ngoài Dickens, một số nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử từng có thói quen này, như Thomas Edison, Nikola Tesla, Napoleon Bonaparte, Salvador Dali, Benjamin Franklin và thậm chí cả Albert Einstein.
Trẻ sơ sinh ngủ phân đoạn một cách tự nhiên (ảnh: internet)
Alen Juginović, bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard, ông nghiên cứu về ảnh hưởng của một giấc ngủ kém chất lượng đến sức khỏe, và giải thích trong một bài báo như sau: “Thói quen ngủ của những nhân vật lịch sử này có vẻ kì quặc, nhưng nó đã mang đến cho chúng ta một lăng kính độc đáo để khám phá nhiều hơn về những trải nghiệm của con người đối với giấc ngủ. Cho dù đó là giấc ngủ đa pha, đi bộ lúc nửa đêm, hay những giấc mơ nghệ thuật… những kiểu ngủ đặc biệt này nhắc nhở chúng ta rằng, trong suốt lịch sử, giấc ngủ vừa là một nghệ thuật vừa là một môn khoa học - một bức tranh nơi sự sáng tạo, cá tính và những thiên tài hội tụ trong thế giới của những giấc mơ”.
Cùng với các thông tin về các thói quen ngủ của người xưa, các nhà nghiên cứu của nghiên cứu năm 2015 này đã đưa ra mối dây liên kết giữa sự mất ngủ trong thời hiện đại với sự ra đời của đèn điện và sự phát triển công nghệ. Họ chia sẻ trong bài báo: “Việc phát minh ra đèn điện, tiếp theo đó là sự phát triển của tivi, internet, và các công nghệ liên quan… cùng với việc sử dụng caffeine càng ngày càng tăng, đã làm rút ngắn đáng kể thời gian ngủ so với mức ‘bình thường’ và làm gián đoạn thời gian tiến hóa của nó”. Họ cũng nói thêm rằng “Việc giảm thời gian ngủ có liên quan đến béo phì, rối loạn tâm trạng và một loạt các bệnh về thể chất và tinh thần khác được cho là đã gia tăng gần đây”.
Một trong những lợi ích lớn nhất của giấc ngủ phân đoạn là nó cho phép con người trực tiếp chìm vào giấc ngủ sâu. Mathias Basner, giáo sư về khoa học giấc ngủ tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào bảng phân tích một giấc ngủ tiêu chuẩn, giấc ngủ của chúng ta thường sâu nhất vào đầu đêm, sau đó nó ngày càng nông hơn”.
Tuy nhiên, kiểu ngủ này có nhược điểm của nó. Basner cho biết việc chuyển đổi giữa quá trình đi ngủ và thức dậy không hề đơn giản như ta nghĩ. Ông nói: “Bộ não cần thời gian để ‘thức dậy' và kích hoạt tất cả các hệ thống. Có thể mất tới một giờ hoặc thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào trạng thái bạn thức dậy để có thể hoàn toàn tỉnh táo”. Quán tính giấc ngủ này có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc, và khiến mọi người không thể sử dụng thời gian ban ngày của mình với hiệu quả tối đa.
Não bộ cũng cần thời gian để ‘thức dậy' (ảnh: internet)
Tuy nhiên, Roger Ekirch, một trong những chuyên gia lớn nhất về giấc ngủ phân đoạn, tin rằng kiểu ngủ này cực kỳ có lợi cho những người thường xuyên bị mất ngủ. Ông giải thích với Tạp chí Harpers rằng giấc ngủ phân đoạn có thể giúp những người mất ngủ “bằng cách giảm bớt sự lo lắng của họ”. Tuy nhiên, đối với những người không bị mất ngủ, ngủ đều đặn từ 7 đến 8 tiếng vẫn là phương pháp tốt nhất và nên duy trì như vậy. Việc thay đổi nó có thể làm xáo trộn nhịp sinh học bình thường của họ.