ĐỜI SỐNG

Ngành ngân hàng: Một năm 'thừa tiền', bức tranh lợi nhuận dần hé lộ

DDVN • 07-01-2024 • Lượt xem: 2863
Ngành ngân hàng: Một năm 'thừa tiền', bức tranh lợi nhuận dần hé lộ

2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tiền bị "ế", nợ xấu tăng cao.

Sacombank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so năm 2022, đạt 9.500 tỉ đồng. Tổng tài sản ước đạt gần 664.000 tỉ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỉ đồng, cho vay ước đạt hơn 487.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Các tỷ lệ an toàn hoạt động và chỉ số tài chính được cân bằng giữa mục tiêu an toàn và hiệu quả: Tỷ lệ CAR ước đạt 9,45%, tỷ lệ LDR ước đạt 83%, tỷ lệ NIM ước đạt 3,88%, các chỉ số ROA, ROE lần lượt ước đạt 1,21% và 18,03%, tăng 0,3 và 4,2%.

Ngày 6.1, ba ngân hàng trong nhóm Big4 là Vietcombank, VietinBank và BIDV đều tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai mục tiêu năm 2024.

Trong đó, Vietcombank tiết lộ lợi nhuận trước thuế của tăng 10,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023. Trong đó, thu nhập từ lãi của Vietcombank tăng 0,4% so với cùng kỳ, còn thu nhập ngoài lãi giảm 4,6%. Thu nợ ngoại bảng trong năm đạt 2.088 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2023 ước đạt gần 41.200 tỉ đồng.

Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì khoảng cách lớn với các nhà băng trong nhóm Big 4 là BIDV, VietinBank và Agribank.

Ngân hàng này cũng cho biết tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,42%, còn nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 0,97%.

BIDV xếp ở vị trí thứ nhì với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%.

Vào cuối năm 2023, tổng tài sản của BIDV đạt 2,26 tỉ đồng, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022.

Dư nợ tín dụng ở mức 1,75 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,66%. Kết quả này cao hơn trung bình của toàn nền kinh tế (13,5%) cũng như dẫn đầu trong nhóm Big4. BIDV cũng tiết lộ tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 192%.

Trong khi đó, VietinBank nhiều khả năng về chót bảng trong nhóm Big4 khi xét về lợi nhuận. Tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) VietinBank Trần Minh Bình cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023.

Vào tháng 10, HĐQT ngân hàng công bố kế hoạch năm 2023 với con số lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 22.500 tỉ đồng, tăng 10,5% so với năm trước (20.352 tỉ đồng) và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.

Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và đứng thứ 2 trong Big4. Huy động vốn của VietinBank tăng thêm 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%.

Cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,15%, giảm 0,09 điểm % so với cuối năm 2024. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng ở mức 160%.

Trước đó, Agribank cũng ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỉ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước. Con số này thấp hơn mục tiêu mà ngân hàng đã đề ra vào cuối tháng 5.2023 là 26.200 tỉ đồng.

Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỉ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 7,4%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát dưới 2%.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Phó tổng giám đốc PVcomBank Nguyễn Việt Hà cho biết, năm 2023, doanh thu ngân hàng này ước đạt 129% kế hoạch giao, lợi nhuận trước thuế ước đạt 100% kế hoạch giao nộp ngân sách nhà nước ước đạt 225% kế hoạch được giao, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.

Theo kế hoạch năm 2023, PVcombank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.024,5 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỉ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559,4 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 109 tỉ đồng.

VIB cũng dự báo lãi cả năm 2023 đạt 8.640 tỉ đồng, tăng hơn 2% so với 2022. Dự báo lợi nhuận cho thấy ngân hàng không đạt được mục tiêu mà đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận này phù hợp với ước tính của lãnh đạo ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6.614 tỉ đồng.

Trước đó, tại kỳ công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, ngân hàng OCB cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận với tăng 47,8%; còn Kienlongbank tăng 24,6%...

Tuy nhiên, dựa vào kết quả kinh doanh các quý trước, nhiều dự báo cho rằng, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm tốc, thậm chí còn khó cán đích lợi nhuận cả năm đặt ra và tính đến cuối quý 3/2023, nhiều ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước như: ABBank giảm 59,6%; Eximbank giảm 46,5%; VietABank giảm 25,7%...

Theo thống kê của các công ty chứng khoán, trong số 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, có 8 ngân hàng chưa hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm và phần lớn hoàn tất 50 - 60% kế hoạch. Tuy nhiên, đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng đều chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Đây là điều thường diễn ra trong bối cảnh tín dụng khó khăn, một phần do đặt nhiều kỳ vọng trong quý còn lại của năm.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong quý 4/2023 nhờ tiền gửi chi phí thấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu khi tính đến ngày 13.12.2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt gần 10%, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể không cải thiện ngay lập tức. Trong quý 3/2023, phần lớn ngân hàng niêm yết có NIM giảm so với cùng kỳ, trong khi đây là chỉ số phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến hết tháng 10.2023, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% cùng kỳ năm trước nhưng đã có sự cải thiện từ cuối tháng 8 đến nay. Tăng trưởng tín dụng yếu trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu do nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục và khẩu vị rủi ro cho vay của các ngân hàng này thấp.

Giới chuyên gia cho rằng nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ thấy thu nhập từ lãi và ngoài lãi đều giảm. Thu nhập từ lãi giảm do tín dụng tăng trưởng thấp. Thu nhập ngoài lãi như từ phát hành trái phiếu, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng vốn chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngân hàng nhưng năm nay, cả hai kênh này đều bị tắc và không có doanh thu. Thậm chí, có ngân hàng sụt giảm doanh thu từ trái phiếu và bán bảo hiểm tới 80 - 90%, ảnh hưởng tới bức tranh lợi nhuận.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30.11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so cùng kỳ các năm và cách khá xa so với mục tiêu tăng 14 - 15% của cả năm. Dù toàn ngành đã nỗ lực tìm mọi giải pháp khơi thông, song bài toán tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá gian nan khi ngân hàng thì "thừa tiền", nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế yếu.

Theo Tuyết Nhung/1thegioi.vn