ĐỜI SỐNG

Ngày càng nhiều nhân lực trình độ cao chạy xe ôm công nghệ

Thúy Vy • 13-11-2022 • Lượt xem: 798
Ngày càng nhiều nhân lực trình độ cao chạy xe ôm công nghệ

Theo một báo cáo được công bố gần đây,  khoảng 36,6% shipper có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó, nhóm tài xế công nghệ và nhóm người giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36%. Những con số trên khiến nhiều người "ngỡ ngàng".

Đây là con số đáng kinh ngạc được đưa ra trong một báo cáo vừa được Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố. 

36,6% người giao hàng có trình độ học vấn cao 

Thông qua khảo sát 270 người chỉ ra rằng phần lớn tài xế công nghệ và tài xế giao hàng là nam giới (97,3%), trong khi người giúp việc gia đình là nữ áp đảo với gần 98%. Đa số họ ở độ tuổi thanh niên và tiền trung niên (22 đến 44 tuổi). 

Bên cạnh đó, việc đơn vị cung cấp dịch vụ lái xe công nghệ chiết khấu cao, chưa ký hợp đồng lao động gây nhiều bất lợi cho nhiều tài xế khi đối mặt với nguy cơ bị tai nạn, lạm dụng, trộm cắp,... Nhiều người cho biết, mặc dù gặp nhiều rủi ro nhưng họ vẫn chọn làm công việc này là vì không bị giới hạn về thu nhập.

Ưu điểm của nghề chạy xe ôm công nghệ là người lao động hoàn toàn chủ động trong thời gian làm việc. Những tưởng công việc này sẽ chỉ dành cho những người đã ở độ tuổi trung tuổi, những người nghỉ hưu đi làm thêm hoặc những người làm công việc ổn định, lương thấp có thể “lai rai”, cải thiện thu nhập, nhưng điều đáng nói là thời gian gần đây, nghề xe ôm đặc biệt thu hút sinh viên còn đang đi học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp.

Xu hướng tất yếu, tăng lên từng ngày

Theo bà Lê Thu Huyền - nghiên cứu viên Viện Khoa học Lao động và Xã hội, xu hướng lựa chọn những công việc gig (tạm dịch là làm nghề tự do) như tài xế công nghệ, youtuber, blogger,... ngày càng tăng do giờ giấc linh hoạt, thu nhập không giới hạn. Bà Huyền cũng cho rằng, với thời gian làm việc trên 8 giờ/ngày, thậm chí có người làm 12 giờ/ngày thì khả năng tái tạo sức lao động sẽ bị giảm xuống.

Hơn nữa, gần 80% người lao động không có hợp đồng làm việc trong khi chỉ 2% có hợp đồng lao động, điều này đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động và chính sách an sinh xã hội. Theo bà Huyền, những người như tài xế hay shipper cần được pháp luật bảo vệ về tiền lương, thu nhập, quyền tham gia an sinh xã hội, quyền được nghỉ ngơi,...

Để làm được điều này, ngoài việc tìm kiếm các chính sách phù hợp, các cơ quan ban ngành chuyên môn phải nâng cao trách nhiệm đảm bảo chế độ và phúc lợi của các nhà cung cấp nền tảng kỹ thuật số đối với người lao động.

Trình độ cao vẫn làm shipper có lãng phí chất xám?

Câu chuyện của những thạc sĩ, cử nhân chạy xe ôm khiến nhiều người thất vọng. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, đó là sự lãng phí thời gian và tuổi trẻ  thời nay.

Trên thực tế hiện nay, có đến hàng chục nghìn thạc sĩ, cử nhân sau khi ra trường không tìm được việc làm, trong khi hàng chục nghìn người học nghề lại có việc làm ổn định, lương khá. Nhưng ở nhiều địa phương, người dân vẫn có tâm lý phải học đại học mới là tốt, không quan tâm đến việc ra trường có tìm được việc làm hay không.

Tâm lý này dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài suốt hàng chục năm nay. Chưa kể nhiều người đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa đạt đến trình độ “thầy”, không đảm nhận được vai trò của người lao động tri thức. 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, việc cử nhân, thạc sĩ sau khi ra trường đi làm xe ôm rất lãng phí tiền bạc và thời gian. Đồng thời, nó cũng làm thui chột tài năng của nhiều nhân tài đất nước.

Tuổi trẻ là tuổi học hỏi, sáng tạo và cống hiến cho xã hội nhưng hiện nay có biết bao người đang lãng phí tuổi trẻ của chính mình để làm những công việc mà chỉ cần học hết cấp 1, cấp 2 cũng có thể làm được. Chỉ cần một năm không vận dụng kiến ​​thức sẽ tạo ra lỗ hổng lớn, sau này nếu muốn đi làm sẽ khó hòa nhập và nhà tuyển dụng không muốn nhận vào làm.