Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước”, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2021 sẽ được tổ chức tại Quảng trường 16.3, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum từ ngày 28 đến 30/5.
Theo đó, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2021 sẽ diễn ra dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kon Tum, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, và trên 1.000 người là nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc đến từ 7 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam và Bình Phước.
Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đây là dịp để trên 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và trình diễn những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như trình diễn, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc ở mỗi địa phương; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc và diễn tấu cồng chiêng, khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của mỗi dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc….
Việc tổ chức Ngày hội nhằm đẩy mạnh đoàn kết giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, địa phương trong khu vực; Giới thiệu những tinh hoa văn hóa nghệ thuật các dân tộc thông qua những đặc trưng về sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của mỗi dân tộc và văn hóa Tây Nguyên với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Từ đó, góp phần phát huy, phát triển và không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch tại các địa phương vùng Tây Nguyên.
Theo báo Văn Hoá