ĐỜI SỐNG

Nghề nuôi cá 'chạy' trên đảo Thổ Chu

May May • 07-10-2023 • Lượt xem: 1422
Nghề nuôi cá 'chạy' trên đảo Thổ Chu

Quần đảo Thổ Chu, thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm Thành phố Phú Quốc hơn 100km. Nơi đây được ví như “viên ngọc thô” của Phú Quốc bởi vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ. Người dân sinh sống và lao động chủ yếu bằng nghề đi biển và nuôi cá “chạy”. 

Phần lớn dân cư trên đảo Thổ Chu là lực lượng hải quân và biên phòng lập gia đình, định cư tại đây, còn lại là dân nhập cư tập trung tại khu vực ven bờ bãi Ngự. Sở dĩ, người dân nơi đây gắn với nghề nuôi cá “chạy” bởi vì họ phải di chuyển theo mùa. Từ khoảng tháng 5 đến tháng 9 là thời điểm gió mùa Tây Nam, người dân Thổ Chu thường sống co cụm ở bãi Dong. Sau đó, vào mùa gió Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau họ về bãi Ngự. 

Bởi lẽ, gió Bắc mạnh, khi thổi trực tiếp từ phía biển vào tạo lên sóng lớn sẽ ảnh hưởng đến việc sinh sống và nuôi trồng hải sản của cư dân gặp nhiều thiệt hại, dẫn đến những tình trạng như chìm ghe tàu hay những lồng nuôi cá bè cùng nhà tạm trên biển cũng xô lệch, hư hại. Vì thế, ngư dân vào khoảng tháng 5 thường có những cuộc di cư chạy sang khu bãi Dong nằm khuất trong một vịnh nhỏ, phía bên kia của đảo để sinh sống và lao động, đảm bảo cuộc sống của mình. Mặc dù, bãi Dong chỉ cách khu vực trước đó khoảng 7km nhưng việc di chuyển nhà và cá ít nhiều sẽ khiến người dân gặp tốn nhiều thời gian và công sức. Trong trường hợp cá còn nhỏ dưới 1 kg thì không sao nhưng càng lớn thì việc di chuyển càng khó khăn, có thể khiến cá bị ngộp (chết) hoặc yếu đi, dẫn đến nhiều tổn hại về kinh tế của ngư dân. 

Trước đây, bãi Dong còn khá hoang sơ, chưa được xây dựng đường xá kiên cố hay cung cấp điện. Những năm gần đây, tuyến đường bộ nối từ bãi Dong sang bãi Ngự đã được bê tông hóa kiên cố, giúp người dân di chuyển một cách dễ dàng. Đặc biệt, khu vực này đã được xây dựng một cầu cảng để ghe tàu neo đậu. Dù cầu cảng nhỏ hơn khu bãi Ngự nhưng có thể giúp nhiều ngư dân, người nuôi cá lồng bè bớt nỗi lo chạy gió bởi họ có thể nuôi cá, neo đậu ở khu bãi Dong này cả năm mà không cần chuyển về bãi Ngự.

Chị Trần Thị Trang (43 tuổi), từ Thành phố Rạch Giá chuyển sang đảo Thổ Chu làm ăn, gắn bó với nghề nuôi cá bớp trong lồng bè hơn 5 năm, đã chia sẻ về những bất tiện khi di chuyển theo mùa ở đảo: “Ở bên bãi Dong thì xa trung tâm, mỗi lần đi chợ mua đồ ăn, xăng dầu cũng khó khăn lắm. Mấy năm trước đường từ bãi này sang bãi kia còn cực lắm, chạy ghe không à. Giờ thì đỡ hơn rồi, đi xe gắn máy cũng tiện chỉ mất chừng 30 phút”. Mặc dù hiện nay, cơ sở vật chất, đường xá nơi đây dần được cải thiện nhưng việc di chuyển như vậy sẽ ảnh hưởng đến khâu nuôi cá. Bởi lẽ, mỗi lần kéo bè và nhà sang một địa điểm khác sẽ ảnh hưởng tới cá thả nuôi.

Khi được hỏi về công việc đánh bắt cá và giá thành cá bóp, chị Trang cũng có chia sẻ thêm: “Cá bớp mà chừng 12 tháng thì trọng lượng trên 10 kg, bán giá cũng khoảng 250.000 đồng/kg. Đây là lúc cá ngon nhất, chủ yếu mấy nhà hàng lớn ở Phú Quốc mới đặt mua loại cá này thôi. Cá bớp phàm ăn và ăn nhiều lắm. Hàng ngày công việc chính của hai vợ chồng là thả lưới bắt cá tạp làm thức ăn cho cá bớp. Khi nào không đủ thì phải mua thêm. Đợt vừa rồi nhà tôi thu hoạch hơn 60 con cá cũng lời 30 triệu đồng".

Đặc sản nổi tiếng của Thổ Chu là cá bớp bởi môi trường nuôi trong lành, thức ăn là nguồn cá biển khiến chất lượng cá bớp nuôi không khác gì cá đánh bắt tự nhiên. Khi đến thăm làng chài của đảo Thổ Chu, du khách sẽ được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của ngư dân nơi đây. Xem cách họ chuẩn bị thuyền cho chuyến đánh bờ xa ngày, xem cách họ buông xuồng kéo lưới. Khi quan sát công việc và lối sống của họ, chúng ta sẽ càng yêu thêm sự bình yên và con người nơi đây, cũng như trân quý những vất vả tốn nhiều công sức của họ để có được những món hải sản tươi ngon.