ĐỜI SỐNG

Nghề review sản phẩm có thực sự công tâm?

Anh Thư • 04-09-2022 • Lượt xem: 497
Nghề review sản phẩm có thực sự công tâm?

Có thể nói, nghề review (đánh giá sản phẩm hay dịch vụ) đã và đang trở thành xu hướng của giới trẻ bởi sự tinh gọn trong công việc, chỉ cần một chiếc điện thoại để quay chụp và khả năng ngôn ngữ tốt là đã trở thành một reviewer. Tuy nhiên, khi những đánh giá của reviewer ngày càng lấy được lòng tin của người dùng, đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi đó có còn là những đánh giá công tâm?

Nghề review là gì?

Nghề review là trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và chia sẻ lại theo chính cảm nhận cá nhân của người review theo hướng khách quan. Một số cách kiếm ra tiền của công việc này như đăng tải video review lên các mạng xã hội để chạy quảng cáo, đặt link sản phẩm để nhận tiền hoa hồng nếu người xem nhấp vào mua hàng (hình thức tiếp thị liên kết), hoặc nhận booking từ các nhãn hàng với mức giá tùy thuộc vào độ nổi tiếng của reviewer. Thực tế, khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển rầm rộ, các nhãn hàng, quán ăn,… cũng muốn đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng bằng cách tìm đến các reviewer để tiếp cận đối tượng người xem phù hợp. KOC, KOL hay influencer đều là những reviewer, nhưng có sức ảnh hưởng đến các tệp khách hàng khác nhau. KOC (key opinion consumer) chỉ đơn thuần là một khách hàng đặc biệt với một lượng người theo dõi nhất định trên mạng xã hội, KOL (key opinion leader) là người có chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó và được nhiều người biết đến qua internet, influencer là những người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng, thường là các nghệ sĩ. Theo đó, tùy vào tệp khách hàng mà nhãn hàng muốn hướng tới, họ sẽ kết nối với một KOC, KOL hay influencer để mang sản phẩm đến gần hơn với khách hàng mục tiêu. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các reviewer mất đi sự công tâm của mình?

Thứ nhất, do nhận booking từ nhãn hàng. Một sự thật dễ hiểu là khi nhận chi phí và ký hợp đồng quảng cáo từ một nhãn hàng, mặc dù nêu lên cảm nhận cá nhân, nhưng cũng rất khó cho các reviewer thẳng thắn chia sẻ những điểm chưa tốt của sản phẩm. Vì reviewer đều là những người có sức ảnh hưởng, nên đâu một nhãn hàng nào trả tiền quảng cáo để nhận được những đánh giá thấp về sản phẩm của mình. Chắc chắn những góp ý của reviewer sẽ tác động đến uy tín và doanh thu của sản phẩm. Sẽ không khó để bắt gặp những hình ảnh, những buổi phát trực tiếp từ những cá nhân nổi tiếng trên Facebook, Tictok hay Youtube đang “thần thánh hóa” các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đây thường là những người không có chuyên môn cao, dựa vào độ nổi tiếng của mình để nhận quảng cáo bất chấp, không quan tâm đến sức khỏe của người sử dụng.

Thứ hai, mặc dù cố gắng để khách quan nhất, các bài đánh giá không thể tránh khỏi những chia sẻ chủ quan. Nói cho cùng, các reviewer cũng chỉ đang chia sẻ dựa trên kiến thức và trải nghiệm của bản thân để mang đến cho người dùng cái nhìn toàn diện nhất, đây chỉ nên là những thông tin tham khảo, không nên “tuyệt đối hóa” các sản phẩm vì chúng cũng chỉ đến từ một cá nhân. Cuối cùng, nhiều cá nhân đang dùng sự ảnh hưởng của chính bản thân để định hướng người dùng. Cụ thể, những màn khẩu chiến trong thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội thu hút một lượng lớn người dùng “tham chiến” để bảo vệ cho các reviewer, từ đó, các cá nhân lại càng “ảo tưởng” quyền lực của chính mình mà tha hồ định hướng dư luận. 
Thế nào là một reviewer công tâm?

Một reviewer công tâm là khi họ biết phân tích cả mặt tích cực và tiêu cực của sản phẩm, trực tiếp thử nghiệm sản phẩm thay vì đánh giá qua loa trên thông tin có sẵn, nhận xét khen chê theo hướng góp ý xây dựng thay vì miệt thị gay gắt, có sự công bằng giữa những sản phẩm / dịch vụ nhận booking từ nhãn hàng và những sản phẩm tự trải nghiệm, không thể vì nhận quảng cáo cho nhãn hàng mà khen lấy khen để, trong khi cố tình dùng uy tín để nhấn chìm các thương hiệu đối thủ - hành động mà nhiều reviewer đang làm. Không chỉ là những trải nghiệm có giá trị, một reviewer muốn chiếm được cảm tình của người xem cũng cần xây dựng những nội dung sạch, tránh tạo các tin giật gân hoặc gây hấn với các nhãn hàng, các reviewer khác để tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực. 

Người xem cần làm gì trước những review tiêu cực?

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nghề review, cũng không thể phủ nhận những reviewer có tâm đã giúp việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ đỡ mất thời gian và tránh sai lầm. Xem review trước khi chọn sản phẩm đã trở thành thói quen của rất nhiều người để không bị chào mời từ các quảng cáo phía cửa hàng. Tuy nhiên, thay vì tin tưởng tuyệt đối vào reviewer, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về nhãn hàng, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, chức năng, cấu tạo và các thông số khác khi quyết định “chốt đơn” một sản phẩm nào đó. Cần lựa chọn các reviewer công tâm bằng cách xem đánh giá của cộng đồng dành cho họ, lưu ý đánh giá từ các tài khoản ảo và lập đi lập lại một nội dung, rất có thể đó là chiêu trò nhằm gia tăng về mặt kĩ thuật thông số để được lên xu hướng của nền tảng. Cần tránh các reviewer đi theo hướng hạ thấp uy tín đối thủ, sử dụng từ ngữ khó nghe, trái với thuần phong mỹ tục, vì nói cho cùng, một review sạch là một review văn minh. 

Tóm lại, review cũng chỉ là những đánh giá chủ quan từ một cá nhân nào đó, mặc dù cố gắng khách quan nhất có thể nhưng không thể tránh khỏi việc đưa những cảm nhận và trải nghiệm cá nhân lên sản phẩm/ dịch vụ. Bên cạnh lắng nghe những chia sẻ từ reviewer, người dùng cần tìm hiểu để so sánh các thông số trên sản phẩm, đặc biệt là lựa chọn các cá nhân đánh giá có tâm để làm nguồn tham khảo trước khi ra quyết định mua sản phẩm.