GIẢI TRÍ

Nghệ sĩ quảng cáo ‘xem tử vi đúng hết hồn’ có thể bị phạt đến 80 triệu

DDVN • 01-10-2022 • Lượt xem: 251
Nghệ sĩ quảng cáo ‘xem tử vi đúng hết hồn’ có thể bị phạt đến 80 triệu

Việc một số nghệ sĩ đăng bài quảng cáo 'xem tử vi' nhưng thực tế dẫn dắt người dùng vào những trang bán vật phẩm phong thủy có thể bị xử phạt đến 80 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với sản phẩm.


Nhiều tài khoản gắn tick xanh của các nghệ sĩ nổi tiếng đăng bài quảng cáo ‘xem tử vi’

Gần đây, một số sao Việt như: diễn viên H.G, diễn viên C.T, diễn viên T.V… gây xôn xao mạng xã hội khi đăng bài quảng cáo xem bói tử vi. Các bài đăng của họ đều có nội dung tương tự: “Em mới được chỉ chỗ xem tử vi mà hết hồn, sao có thể nói đúng đến thế chứ. Xem không mất phí nhưng mà nói chuẩn quá. Ai cần em chỉ chỗ cho”.

Tuy nhiên, khi người xem tìm đến các trang này thì người quản trị trang sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó, họ sẽ được “thầy” tiết lộ đang gặp vấn đề về công danh, sự nghiệp hay “tam tai”. Từ đây, người xem sẽ được gợi ý thỉnh các vật phẩm phong thủy như: túi lệnh tam tai, tượng Phật, tì hưu, mã não, ấn rồng, vòng tay… giúp cải vận, hỗ trợ đường công danh, sự nghiệp, tình cảm, được chào mời với giá từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng.

Xóa bài vẫn có thể xử lý vi phạm

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn - Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết việc đăng bài “chấm tử vi”, “xem tử vi” nhưng thực chất là để quảng cáo, bán đồ phong thủy không rõ nguồn gốc, chất lượng, là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 10 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Với việc Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thì căn cứ Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP theo đó sẽ phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng, sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm.

Trong trường hợp người vi phạm đã xóa bài viết thì vẫn có thể bị xử phạt. Luật sư Trần Viết Hà chia sẻ: “Theo nguyên tắc xử phạt hành chính được quy định tại Điều 3 luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu ngay tại thời điểm các nghệ sĩ đăng bài nếu có cơ sở xác định việc vi phạm của hành vi đăng bài thì phải xử lý kịp thời. Do vậy, nếu đã bài bị xóa và không có bằng chứng thì rất khó để xử phạt”.

Luật sư Trần Viết Hà nói thêm: “Nếu hành vi đăng bài quảng cáo sai sự thật và các sản phẩm được bán đến tay người tiêu dùng và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi đó, nếu người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu xử lý thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh. Nếu xác định được chính việc các nghệ sĩ đã đăng bài quảng cáo các sản phẩm đó thì vẫn có cơ sở xử phạt. Trường hợp khác, nếu tại thời điểm đăng bài, cá nhân hay tổ chức khác đã tiến hành lập vi bằng hành vi đăng bài quảng cáo sai sự thật thì ngay cả khi xóa bài thì vẫn hoàn toàn có cơ sở để xử lý vi phạm”.


Các tài khoản của tick xanh của một số nghệ sĩ: C.T, N.H.G, N.T.V, N.N.T... quảng cáo nơi xem tử vi đúng đến "hết hồn". Sau khi bị phản ánh, nhiều người lẳng lặng gỡ bài đăng

Khó xác định hành vi ''tuyên truyền mê tín dị đoan''

Luật sư Trần Viết Hà cũng cho rằng hành vi đăng bài “xem tử vi” để dẫn dắt người khác mua vật phẩm phong thủy kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc khó xếp vào hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Anh chia sẻ: “Để xác định tử vi có phải mê tín hay không thì hiện tại không thể kết luận được bởi nó phụ thuộc cách nhìn nhận của mỗi con người. Với cá nhân tôi, nếu xét theo những điều kiện cần thì khoa tử vi có thể được coi là một khoa học theo một mặt nào đó. Khoa tử vi có hệ thống lý luận riêng với những thuật toán riêng và cách tiếp cận nghiên cứu nhân học độc đáo. Ngoài ra, khoa tử vi cũng có tính lập luận và logic học rõ ràng từ đó đưa ra được những trải nghiệm và chứng minh từ thực tế đời sống”.

“Thế nhưng nói như vậy không có nghĩa tử vi không mang tính mê tín dị đoan bởi tính khó xác định ranh giới giữa mê tín và không mê tín. Cho nên rất nhiều những người dùng tử vi như một bình phong để từ đó cung cấp các thông tin mang tính mê tín, dị đoan. Khi đó, họ sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan”, ông chia sẻ thêm.


Dân mạng bức xúc, phản ứng khi nghệ sĩ không có trách nhiệm trong việc nhận quảng cáo

Về phía thạc sĩ - luật sư Võ Công Hạnh, Công ty luật Công Khánh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế), ông phân tích: “Hiện nay, hành vi xem tử vi chưa được pháp luật điều chỉnh, tuy nhiên việc xem tử vi trong trường hợp trên nếu là hình thức bói toán không có căn cứ khoa học thì thuộc một trong những hình thức của mê tín, dị đoan. Trong trường hợp các cơ quan chức năng xác định có hành vi giới thiệu xem tử vi, sau đó dẫn đường link dưới bài viết chỉ nơi xem tử vi để người khác quảng cáo, bán đồ phong thủy là hành vi mê tín, dị đoan, thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật”.

Luật sư Hạnh nêu rõ: “Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt như sau: “1. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Mặc dù, trong trường hợp này các nghệ sĩ đã có động thái xóa bài nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi mình đã gây ra”.

Luật sư Võ Công Hạnh phân tích thêm: “Ngoài ra, việc các nghệ sĩ thực hiện hành vi trên còn vi phạm Điều 8 Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông, không gian mạng. Đó là sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin không chính xác, thiếu tin cậy, gây thiệt hại cho xã hội; bình luận, nhận xét không đúng mực, đưa thông tin chưa được kiểm chứng) theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý văn hóa thể thao trong việc áp dụng chế tài tương thích với hành vi vi phạm của giới hoạt động nghệ thuật”.

“Theo tôi, cần phải xử lý nghiêm các hành vi trên để tránh "con sâu làm rầu nồi canh" văn hóa - nghệ thuật và ngăn chặn các hành vi trục lợi từ các cá nhân, tổ chức nói trên”, luật sư Võ Công Hạnh nói.

Theo Thanh Chi - Kiến Bách/Thanhnien.vn