Khi phải sống trong một xã hội ám ảnh với hiệu suất và chạy đua thành tích, một bộ phận đông đảo người trưởng thành hiện nay đang phải trải qua căng thẳng mỗi ngày. Cảm giác kiệt sức không chỉ ngăn cản chúng ta làm được nhiều việc hơn, mà nó còn có thể khiến chúng ta hoài nghi, mất phương hướng và uể oải trong cuộc sống. Mặc dù nghe có vẻ hơi khác thường, nhưng loại kiệt sức quá mức này không nhất thiết phải được khắc phục bằng cách ngủ hoặc nằm dài không làm gì cả. Khi nghĩ theo hướng khoa học, việc bắt đầu một điều gì đó mới mẻ - một thuật ngữ hoàn toàn khác với nghỉ ngơi - lại chính là nền tảng để chống lại tình trạng kiệt sức này.
Nghỉ ngơi thường là trạng thái thụ động (ngủ, thư giãn, v.v.). Trong khi thử sức với những điều mới là trạng thái cảm thấy được đổi mới, phục hồi và sẵn sàng để bắt đầu lại. Nó cho phép não của chúng ta nghỉ ngơi khi chúng ta chữa lành và định hình lại các khía cạnh cảm xúc.
Phần lớn chúng ta được dạy hãy nghỉ ngơi để đối phó với tình trạng kiệt sức, nhưng nghỉ ngơi thực sự không khiến bạn cảm thấy được "sạc pin". Hãy thử nghĩ về lần cuối cùng bạn cảm thấy mình thực sự sống. Lúc đó bạn có đang thư giãn trên ghế dài (trong khi lướt điện thoại) không? Hay là bạn đang tận hưởng một trải nghiệm mới, chẳng hạn như vẻ đẹp hay sự kỳ diệu của thứ gì đó?
Có phải bạn cảm thấy mình thực sự sống là khi đang tận hưởng một trải nghiệm mới? (Ảnh: Internet)
Nếu câu trả lời của bạn gần với vế sau hơn, thì bạn đã cảm nhận được sức mạnh của thứ gọi là "trải nghiệm tự thân". Theo tài liệu khoa học, loại trải nghiệm này là những khoảnh khắc hoặc hành vi khi chúng ta làm điều gì đó chính vì lợi ích mà nó mang lại cho chúng ta, chứ không phải vì bị tác động bởi ngoại cảnh. Nó xảy ra khi chúng ta có động lực nội tại và được thúc đẩy bởi sự tò mò vốn có của bản thân. Và quan trọng hơn cả là trải nghiệm này bắt nguồn từ sự tận hưởng và kéo theo đó là "sự đổi mới".
Trong khi sự nghỉ ngơi giúp chúng ta chậm lại và tự điều chỉnh, thì việc thử làm điều gì đó mới và trải nghiệm tự thân giúp chúng ta cảm thấy được phục hồi và cởi mở với những khía cạnh mới của thế giới. Chúng là nền tảng của cảm giác thỏa mãn, có mục đích và kết nối với một thứ gì đó còn lớn hơn cả bản thân chúng ta.
Những trải nghiệm mới mẻ giúp chúng ta cảm thấy thỏa mãn, có mục đích và được kết nối. (Ảnh: Internet)
Hãy bắt đầu bằng việc phân chia rõ ràng việc nghỉ ngơi và việc thử những thứ mới lạ, để chúng ta có thể đưa ra quyết định khi nào nên sử dụng phương pháp nào là hiệu quả nhất cho sức khỏe tinh thần của bản thân và từ từ cải thiện chúng. Sau đây là vài cách mà bạn có thể thử để chủ động kết hợp những điều mới mẻ vào cuộc sống hàng ngày của mình:
1. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt
Không giống như những gì chúng ta thường được dạy, sự sáng tạo và những trải nghiệm thú vị không cần diễn ra trong một khoảng thời gian dài để có thể đem lại điểm nhấn. Theo quan điểm khoa học, chúng ta nên tham gia vào các hoạt động ngắn hơn và thường xuyên hơn so với các hoạt động lâu dài. Ví dụ, thay vì dành cả buổi chiều để vẽ, hãy thử để một cuốn sổ tay trên bàn làm việc để vẽ nguệch ngoạc khi giải lao giữa các cuộc họp.
Hãy thử để một cuốn sổ tay trên bàn làm việc để vẽ nguệch ngoạc khi giải lao (Ảnh: Internet)
2. Định nghĩa lại sự tận hưởng bên trong bạn
Sự tận hưởng khác với niềm vui thông thường. Chất dẫn truyền dopamine mang lại cho chúng ta những khoảnh khắc vui vẻ nhanh chóng, như khi lướt mạng xã hội hoặc cắn một miếng sô cô la vào bữa trưa. Việc tạo ra một không gian phù hợp để tận hưởng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn - nhưng rất đáng để thử.
Nhà khoa học xã hội tại Harvard, Tiến sĩ Arthur Brooks, mô tả sự khác biệt trên tờ Atlantic như sau: "Sự vui vẻ tìm đến bạn; nhưng sự tận hưởng lại là thứ bạn tự tạo ra thông qua nỗ lực của chính mình. Sự vui vẻ gây nghiện và mang phần con; còn sự tận hưởng đến từ sự lựa chọn của bạn và mang phần người".
3. Hãy tập trung vào nguồn cảm hứng khi bạn cần động lực tiến về phía trước
Cảm hứng xảy ra khi chúng ta đắm mình hoàn toàn vào khoảnh khắc hiện tại. Và gần đây, nó đã trở thành tâm điểm của nhiều nghiên cứu để vượt qua ranh giới và khám phá sâu hơn về sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nguồn cảm hứng sáng tạo thúc đẩy một cái nhìn mới về thế giới và chính là trung tâm của sự đổi mới.
Để cảm thấy thoải mái hơn, chúng ta nên nhớ rằng việc thử làm một điều mới lạ không phải là nhiệm vụ trong danh sách việc cần làm của bản thân, mà đó là chúng ta đang theo đuổi sự tò mò vốn có và khát vọng được tận hưởng. Chỉ có như vậy thì thế giới quan của chúng ta có thể ngày một rộng lớn hơn.