ĐỜI SỐNG

Nghiên cứu dùng muỗi để ngăn virus lây nhiễm từ động vật

Trung Tú • 07-01-2023 • Lượt xem: 1810
Nghiên cứu dùng muỗi để ngăn virus lây nhiễm từ động vật

Sau một thời gian dài nghiên cứu trên các giống muỗi khác nhau, các nhà khoa học của Trung Quốc đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy muỗi có khả năng truyền vắc xin dùng ngăn chặn virus lây nhiễm từ động vật.

Theo tờ South China Morning, giáo sư Zheng Aihau ở Viện Động vật học và các cộng sự đã thành công trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Công nghệ này có thể dùng muỗi làm vật trung gian để truyền vắc xin miễn dịch, giúp ngăn chặn virus lây lan trên động vật tự nhiên. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện khi sử dụng muỗi để cung cấp vắc xin không những đã giúp bảo vệ, khôi phục sức khỏe cho những loại động vật mắc bệnh do virus gây ra, mà còn giảm thiểu sự lây lan của virus trong quần thể động vật hoang dã.

Nhóm nghiên cứu của ông Zheng Aihau cho biết, những vết đốt của muỗi đã áp dụng công nghệ biến đổi gien sẽ giúp hệ miễn dịch của động vật hoang dã được kích hoạt trong một thời gian dài, qua đó giúp ngăn chặn việc lây lan của nhiều loại virus, trong đó có virus ZIKV.

Theo giáo sư Zheng Aihau, loại virus ZIKV thuộc nhóm Flavivirus được truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Khi nhiễm chúng, cơ thể sẽ có một số các triệu chứng như: nổi mẩn đỏ, sốt, đau nhức cơ và khớp. Nguy hiểm hơn là, virus ZIKV có thể gây di chứng đầu nhỏ và nhiều số di dạng bẩm sinh khác ở trẻ nhỏ do di truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh.

Virus ZIKV được lây truyền từ muỗi

Nhóm của giáo sư Zheng đã sử dụng một loại virus khác của nhóm Flavivirus có tên là CYV để nghiên cứu. Ông Zheng cho biết, sau thời gian tìm hiểu đã phát hiện loại virus này chỉ có khả năng sinh sản nhân đôi khi ký sinh trên muỗi, nhưng ngược lại không thể nhân đôi trên các loài động vật khác, nhất là động vật có xương sống, Do đó, nhóm đã lấy một số protein từ CYV để điều chế vắc-xin đưa vào tế bào của virus ZIKV, nhằm tạo ra một loại virus không lây nhiễm có tên là CYV- ZIKV. Sau đó, cung cấp loại virus này cho muỗi vằn thông qua đường máu để có thể biến chúng thành vật chủ. Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu, họ còn sử dụng muỗi vằn nhiễm CYV- ZIKV trên cơ thể chuột bạch nhằm kích thích phản ứng miễn dịch tự nhiên.

Qua nhiều lần nghiên cứu, nhóm của giáo sư Zheng Aihau đã nhận thấy, sau khi bị 30 con muỗi khác nhau có mang virus CYV- ZIKV đốt, cơ thể của chuột đã phát sinh tốt phản ứng phòng vệ, đồng thời tạo ra một lượng kháng thể có khả năng tồn tại hơn 5 tháng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ở chuột có hệ miễn dịch giúp ngăn chặn virus ZIVK cũng như chu kỳ sinh sản của chúng trong tự nhiên.

Ngoài ra, để đảm bảo khả năng virus CYV – ZIKV không thể lây lan trên các quần thể muỗi hoang dã khác, nhóm đã sử dụng tia X chiếu trực tiếp vào tất cả loại muỗi được sử dụng trong quá trình thí nghiệm, khiến chúng mất đi khả năng sinh sản.