ĐỜI SỐNG

Ngược dòng lịch sử để vén bức màn bí ẩn về nguồn gốc của nước hoa

Sky • 06-05-2019 • Lượt xem: 5421
Ngược dòng lịch sử để vén bức màn bí ẩn về nguồn gốc của nước hoa

Từ khi ra đời cho đến nay, nguồn gốc của nước hoa vẫn là bức màn bí ẩn. Lịch sử được kể lại rằng chỉ đến khi con người tìm ra cách giữ lại mùi thơm của hoa cỏ trong dung dịch, ý thức hệ về chuyện làm đẹp mới bắt đầu thực sự hình thành một cách chỉn chu.

Thuở ban đầu, nước hoa chỉ tồn tại dưới dạng chất đốt hoặc thuốc mỡ, kế tiếp là hỗn hợp sệt của các loại thảo mộc và chuyển dần sang chất lỏng theo thời gian, để phục vụ cho mục đích làm đẹp của giới quý tộc.

Là “ông tổ” trong việc sáng chế nước hoa, người Ai Cập rất chuộng dùng nó trong các hoạt động tôn giáo, nghi lễ và cả việc làm đẹp. Họ tôn thờ vị thần nước hoa luôn choàng một chiếc khăn phảng phất mùi hoa huệ mà về sau, đây cũng là thành phần chính trong mọi lọ nước thơm của nền văn minh nơi đây. Vua chúa hay những người có địa vị sẽ sử dụng những mùi hương được tinh lọc từ các loài cây quý hiếm như một cách để khẳng định vị thế trong xã hội.

Nếu thời nay công nghệ chế tác nước hoa chọn cồn để làm lớp nền, thì thời cổ đại chỉ sử dụng tinh dầu từ thiên nhiên. Nhiều loại gỗ, lá thơm để bào chế nước hoa được người Ai Cập nhập từ Punt (một khu vực của châu Phi).

Nước hoa chỉ được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc của Ba Tư thời cổ đại. Trong nhiều thế kỷ, người Ba Tư thống lĩnh thị trường nước hoa và người ta cho rằng quy trình chưng cất rượu cũng được bắt nguồn từ xứ sở này.

Avicenna - nhà hóa học, triết gia người Ba Tư - không ngừng thí nghiệm để tạo ra nhiều mùi thơm mới bằng phương pháp chưng cất. Ông đã thành công khi tạo ra lọ mùi hương mới mà không dựa trên tinh dầu. Từ đó, người ta dần sử dụng cồn để làm nguyên liệu nền, tương tự như loại chúng ta đang dùng hiện nay.

Nếu người Ba Tư quan niệm nước hoa là biểu tượng của sức mạnh chính trị thì dưới góc nhìn của Hy Lạp và La Mã, chúng như một tác phẩm nghệ thuật đầy lôi cuốn mà ai cũng có thể chạm được chứ không riêng gì tầng lớp quý tộc.

Tapputi là nhà hóa học đầu tiên trên thế giới, cũng là thợ điều chế nước hoa tại thành Babylon ở vùng Lưỡng Hà. Bà thường xuyên chưng cất hoa, dầu, cây mây với các dung môi khác và tiến hành trộn lọc chúng nhiều lần để tạo thành nước hoa.

Nhờ vào những ghi chép tỉ mỉ, các thủ thuật và giai đoạn chưng cất nhanh chóng được lan truyền ra khu vực ven sông Ấn. Phương pháp sử dụng dung môi của bà cũng trở thành nền tảng cho ngành công nghiệp nước hoa hiện đại.

Chai nước hoa “tân tiến” đầu tiên áp dụng công nghệ hóa lỏng và sử dụng cồn làm nền có tên Hungary do chính công dân của nước này làm ra theo yêu cầu của hoàng hậu vào thế kỷ 14.

Những người theo đạo Hồi cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu, những người có học theo đuổi ngành công nghiệp nước hoa để tìm ra công nghệ chưng cất hiệu quả hơn.

Nền văn hóa Hồi giáo đã giúp Tây Âu khai thác 2 khía cạnh mới của mùi hương: sử dụng phương pháp chưng cất hơi nước và tìm ra nguồn nguyên liệu đa dạng hơn. Dưới sự dẫn dắt của vua Henry và hoàng hậu Elizabeth I, nước hoa được khẳng định tầm quan trọng của mình hơn bao giờ hết tại châu Âu. Tất cả những nơi nữ hoàng đi qua đều phải thơm và sạch.

Tới thế kỷ thứ 19, nước hoa cũng được xem như một loại hình nghệ thuật. Trải qua nhiều tiến bộ, thế giới nước hoa được mở rộng về quy trình sản xuất và hương liệu, tạo ra một tiền đề vững chắc cho ngành công nghiệp nước hoa về sau.

Những nhà thám hiểm từ Pháp đã mang đến Mỹ mùi hương hoàn toàn mới lạ của Cologne mang tên Florida, bao gồm dầu đinh hương, đậu muồng và cây sả chanh. Hiện nay, chai nước hoa nay vẫn được sản xuất.

Người Mỹ cũng đi tiên phong trong phong trào nước hoa phi giới tính (unisex) đang lan rộng ra toàn cầu.