Thể thao

Người Đức - Cá tính và sự khác biệt

Thanh Hằng • 29-03-2018 • Lượt xem: 1242
Người Đức - Cá tính và sự khác biệt

Đây là bài viết thú vị và sắc bén của tác giả Nguyễn Thanh Hằng về cá tính và con người cũng như nước Đức dưới góc nhìn cá nhân. Bạn có quan tâm tới quốc gia phát triển này? Đọc như một cách để nhìn xa trông rộng.

Typisch deutsch - was heißt das? Người ta hay nhắc đến tính kỷ luật khi nói về người Đức. Cái ấy khỏi cần bàn! Bởi vì nếu không có kỷ luật thì sao có thể gọi là người Đức được nhỉ. Trẻ con Đức được rèn luyện rất sớm về những gì được phép làm và những gì không được phép làm.

1. ĂN: ES LEBE WURST !!! LEBEN IST HART WIE SCHWARZES BROT

Ấn tượng ban đầu về đồ ăn Đức, nói chung, bổ mà đơn điệu. Người Đức chú ý đến ca-lo-ri và vi-ta-min hơn là ngon miệng. Đây là một vấn đề thuộc phạm trù triết học: người Đức ăn để mà sống còn Việt Nam ta ăn để mà sướng (Hàng đầu tứ khoái chứ không phải đùa). Tuy nhiên sống lâu năm ở Đức ta dần dần có thể chấp nhận 

1.1 Bánh mì đen (Schwarzes Brot):

Tương đương như cơm gạo của ta, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bánh mì của Đức có hàng trăm loại nhưng ấn tượng nhất là bánh mì đen. một loại bánh mì đặc ruột, nặng chình chịch. Muôn hình vạn trạng: có loại dáng tròn như cái gối, có loại bầu dục, nhưng đáng nể nhất là loại được ép từng khoanh như cắt sẵn. Chớ coi thường: chỉ cần hai, ba lát nhồi vào bụng thì bạn sẽ coi thường cái rét của mùa Đông. Chỉ có điều việc tiêu hóa đòi hỏi thời gian: bạn cần phải chuẩn bị tinh thần và răng lợi thật thoải mái như sắp sửa đang thiền thì sự ăn sẽ dễ dàng hơn. Hãy dùng lý trí để nuốt trôi hơn là để tình cảm của mì gói lấn áp.
Hãy ngẫm nghĩ về một vấn đề gì đó có tính khái quát cao khi nhai để tối ưu hoá thời gian. Bảo đảm với bạn việc ăn bánh mì đen không hề khó hơn học tiếng Đức. Nào hãy bắt đầu...

1.2 Dồi / Xúc xích (Wurst):

Con người đa dạng như thế nào thì xúc xích lắm kiểu như thế: Có loại lùn mà mập như Bockwurst, có loại dài thườn thượt như một tiếng thở dài (Frankfurter Wuertschen), có loại cong queo như cái móng ngựa (Salami), có loại thanh cao như Wiener, có loại dễ xơi như Leberwurst, loại nướng, loại luộc, loại xông khói v.v và v.v... Kể lể nhiều như vậy chỉ để nói lên rằng, riêng về xúc xích thôi, người Đức đã biểu hiện được tư duy sáng tạo phong phú của mình.
Es lebe Wurst!!! Các bạn ở Việt Nam có thể tìm ra món đặc sản Đức này ở đường Kỳ Đồng, TP HCM. Đây là sản phẩm của nhà sản xuất lớn nhất thực phẩm Đức ở Hà Nội. Họ đã bỏ mối cho Metro và rất nhiều siêu thị khác. Thiết bị nhập từ Đức.

Lưu ý: bất cứ trong trường hợp nào cũng chớ có khoe với người Đức món đặc sản của Việt Nam ta là dồi chó. Người Đức hơi ngán khoản này.

1.3 Chân giò luộc & Rau cải chua (Eisbein & Sauerkraut):

Còn có thể nói gì trước một đĩa chân giò luộc khổng lồ kèm theo một đống rau cải chua được gọi là món ăn dân gian tổng hợp cổ truyền tiêu biểu của Đức? Alles Schweinerei? Không, hãy có niềm tin rằng: Schwein von heute sind Schinken von morgen (Con heo ngày hôm nay là giăm bông cho ngày mai).

Chúc các bạn ngon miệng. Đừng sợ, dũng cảm tiến lên, sẽ có lợi cho tương lai đấy. Bạn nào sau này có con mà phải ăn theo phần dư của chân gìo ninh nhừ do vợ nấu thì sẽ thấy đây chỉ là một buổi diễn tập thông thường.

1.4 Thịt băm ăn sống (Hacker Peter / Tartar):

Đây không phải là tên Peter của một chàng đồ tể bán thịt nào đó mà là một loại thịt heo được băm nhỏ (Thịt bò băm nhỏ gọi là Tartar), trộn với tiêu, hành và ăn sống với bánh mì.
Nghe thì rùng rợn nhưng thật ra cũng không khó lắm khi ăn. Chỉ cần có óc tưởng tượng bạn là người tiền sử thì sự việc sẽ nhẹ nhàng ngay thôi ! Hay đơn giản hơn, hãy tập trung ý chí để tạm ngưng hoạt động của các dây thần kinh sau gáy. Vả lại việc này cũng chẳng khó hơn một người Đức xơi mắm nêm hoặc mắm tôm là bao. Coi chừng: ăn nhiều sẽ ghiền đấy.

1.5 Cá Thần:

Thật ra đây không phải là loại cá nào trong thần thoại cả. Đơn giản chỉ là loại cá mòi (Hering) sống cắt thành lát mỏng, xiên vào que và ngâm với dung dịch lờ mờ (dấm thì phải) chứa trong lọ thủy tinh.
Anh em du học sinh lúc đó không biết là loại cá gì vì chẳng đứa nào dám ăn, chỉ đứng từ xa chiêm ngưỡng nên tạm đặt tên là cá Thần để tỏ lòng tôn kính. Hình như sau này bản thân tôi có ăn một lần nhưng vì quá sợ nên không còn nhớ lại cảm giác ra sao mà tả lại cho các bạn...

2. UỐNG:
2.1 BIER, BACH UND BEETHOVEN:

Hơi lạ phải không? Không phải 3 chữ này chỉ có cái chung là chữ B đứng đầu đâu. Đấy là thứ hạng đấy, bạn thắc mắc là BIA mà có thể hơn BACH và BEETHOVEN - những nhà soạn nhạc hàng đầu của nước Đức và thế giới – hay sao? Thật vậy BACH và BEETHOVEN dẫu là thiên tài thì cũng sinh ra đời sau BIA, hơn nữa đã là thiên tài thì số lượng không nhiều, còn BIA thì ở Đức nhiều như quân Nguyên.

Có một dân nhậu chuyên nghiệp tuyên bố khi rất tỉnh táo, đối với dân uống bia như hắn ta thì nước Đức là thiên đường. Vâng, gần đúng như vậy. Nhắc đến nước Đức, người ta nghĩ ngay đến thứ nước uống tiêu biểu là bia, được gọi một cách văn chương là bánh mì lỏng.
Còn có lễ hội nào ấn tượng hơn Lễ Hội Tháng Mười (Oktoberfest) ở vùng Bayern (Miền Nam Đức) nơi mà người ta chỉ có uống và uống. Những ly bia – đúng ra là vại bia - bé nhất (chỉ là 1 lít thôi) cho đến 5 lít chưa kịp hết lạnh thì đã được xử lý gọn ghẽ trong thời gian rất ngắn.

Theo thống kê của Hội Nhà Sản Xuất Bia Đức (DEUTSCHES BRAUERBUND e.V.) năm 1999 thì dân Đức đứng hàng đầu thế giới về lượng tiêu thụ bia hàng năm là 127.5 lít tính trên đầu người (Sao lạ nhỉ, tính trên miệng hoặc bụng người mới đúng chứ?). Thật ra cũng chằng cần thống kê, đi đến đâu từ thành phố lớn cho đến làng nhỏ, chỗ nào cũng có nhà nấu bia, mà bia nào cũng khá. Bia đủ loại, đậm, nhạt, đen, trắng, vàng, ngọt, đắng...

Nước Đức có hơn 1.000 nhà sản xuất bia với 5.000 loại bia (Thật đơn giản khi tổng kết thiên đường bia bằng những con số!). Cũng theo thống kê, lượng tiêu thụ bia tăng dần từ Bắc xuống Nam, cho đến vùng Bayern là nơi tiêu thụ bia nhiều nhất. Ở đây bia không chỉ được xem là nước uống mà còn được xếp loại là thực phẩm dinh dưỡng cơ bản(Grundnahrungsmittel). Nước Đức rất tự hào về bia cũng như ta hãnh diện về nước mắm.

Điều luật về độ tinh khiết của bia (Reinheitsgebot), nước Đức đã có từ hơn 500 năm nay và đến giờ vẫn còn giá trị. Ngoài ra chỉ có một vài vùng ở Nam Đức và Tiệp là có thể trồng được cây Hublon (Hốt bố) làm men bia tốt nhất thế giới. Nhưng những vị thánh ở thiên đường đó không chỉ biết nhậu, họ còn làm việc rất cần cù để sản sinh ra công nghệ bia đứng đầu thế giới với những thiết bị bền sánh ngang nồi đồng cối đá.

Các bạn sắp đi du học ơi, có khi nào các bạn nghĩ đến việc học về ngành bia không nhỉ? Dân nhậu chân chính của ta đang chờ đợi và ủng hộ các bạn đấy!!! Xin giới thiệu trường WEIHEN STEPHAN ở Freising (Bang Bayern) là lò đào tạo thợ cả (Braumeister) chuyên nghiệp đi khắp nơi trên thế giới làm việc, trong đó có cả Việt Nam.

2.2 RƯỢU VANG:

Thật ra Đức không phải chỉ có bia, họ còn có rượu vang cũng rất nổi tiếng nữa. Loại vang đỏ của họ thì không nổi tiếng bằng vang trắng. Nhưng dù bạn yêu thích loại gì đi nữa thì nhớ mấy điều sau đây:
- Con đường trữ tình (Romantische Strasse) ở miền Trung Đức là đoạn đường tuyệt đẹp mà bạn nào đến nước Đức phải nên đi qua. Đây cũng là nơi tập trung các hầm rượu vang nổi tiếng với những ngọn đồi trồng nho nhuộm nắng chiều thơ mộng.
- Bia auf Wein, lass das sein. Wein auf Bier, rate ich Dir có nghĩa là chớ uống bia sau khi uống rượu vang, sẽ xỉn ra trò đấy. Đấy là quy luật truyền khẩu của dân nhậu.
- Ăn thịt bò thì uống vang đỏ, ăn cá thì uống vang trắng.
- Vang đỏ uống với nhiệt độ bình thường, vang trắng phải uớp lạnh. Hẳn nhiên ở Việt Nam các bạn cũng thấy có người uống vang đỏ trong ly nhựa rồi còn bỏ thêm vài cục đá cho sang(?) nhưng chớ bắt chước nếu không muốn làm người Đức chú ý đến mình. Rượu nào ly nấy.

3. NGÔN NGỮ: DEUTSCHE SPRACHE IS SCHWERE SPRACHE:

NHỮNG CÂU NÓI ĐẦU MÔI CHÓT LƯỠI (Danke, bitte, ja, nein, aber, ah so usw...)
Ấn tượng đầu tiên về tiếng Đức là nghe như tiếng chửi thề. Ở Việt Nam ta gọi là xổ tiếng Đức. Nhưng thật ra tiếng Đức nổi tiếng khó hay đúng hơn là cấu trúc chặt chẽ & phức tạp, đơn giản là vì nó mới và thông thường người nước ngoài bỏ quá ít thì giờ cho tiếng Đức trong thời gian đầu. Hãy đặt mình vào vị trí của người Đức học tiếng Việt xem, không hề dễ hơn!

- Chọn trường:
Nên chọn trường giỏi. Theo kinh nghiệm của tôi và bạn bè cùng lứa (Khoảng năm 1970-1975) thì Viện GOETHE là tốt nhất, dù là học phí đắt hơn nhưng so hiệu qủa và kết qủa thì hơn hẳn (Tiền nào, của nấy). Hơn nữa các thầy cô giáo ở Viện Goethe đều có khả năng sư phạm cao và tinh thông rất nhiều ngôn ngữ nên việc giảng dậy có kết qủa rất tốt. Với 2 khoá cơ bản (Grundstufe 1 và 2) trong vòng 4 tháng là các bạn có thể nói huyên thuyên như một đứa trẻ lên 3, đủ để đi chợ, xin chỗ thực tập v.v...

- Chọn địa điểm:
Viện GOETHE lại ở những làng vắng vẻ, rất thuận tiện cho việc tập trung học ngôn ngữ. Nhất là các nơi này phong cảnh lại đẹp, có thêm dịp tìm hiểu về nước Đức và con người (vì ở chung với gia đình Đức). Không còn gì tồi hơn là học tiếng Đức ở các tỉnh lớn, tiếp xúc nhiều với người đồng hương do đó tiếng Việt thì khá mà lại không sử dụng được để thi vào trường.

- Chọn vùng:
Tiếng Đức có nhiều thổ ngữ (Dialek) khác nhau (Bayerisch, Schwaebisch, Saechsisch v.v...) nhưng vùng nói tiếng Đức chuẩn (Hochdeutsch) nhất là bang Niedersachsen mà thủ phủ là Hannover. Sẽ có khó khăn cho người ngoại quốc nếu phài tiếp xúc với thổ ngữ ngay từ ban đầu nhưng bạn đừng lo, ở trường ngoại ngữ sẽ chỉ có tiếng Đức chuẩn được dạy mà thôi.

- Chọn thời gian học:
Hãy bỏ thời gian nhiều hơn (Ít nhất 1 năm) để đầu tư vào việc học tiếng Đức, sẽ có lợi lâu dài cho cả quá trình học tập. Không nên để áp lực chi phối, vội thi vào trường ngay, cho dù có đậu vào trường thì sau đó lại phải bơi trong tiếng Đức.

4. TIẾT KIỆM HAY HÀ TIỆN: SPAREN MACHT SPASS !!!! ZAHLEN ODER NICHT ZAHLEN, DAS IST DIE KUNST

Ta hay cười người Đức hà tiện, thật ra đó là sự khác biệt trong quan điểm chi tiêu. Họ hợp lý hơn chúng ta, cho dù thích hay không thích. Đó là tính cách của 2 nền văn hoá khác nhau hay trái ngược hẳn nhau.
Khi người Đức rủ ta làm một việc gì đó, thí dụ như đi ăn hay xem xi nê chẳng hạn, có nghĩa là mạnh ai người nấy trả, còn khi nào họ mời thì lúc ấy họ sẽ trả tiền cho cả hai. Vì tính tổ chức và tính tự lập cao nên họ chi tiêu dè sẻn và hợp lý hơn. Hãy bỏ thói quen dùng tiền không biết đến ngày mai, nó phù hợp với phim ảnh hơn là cuộc sống.
Tiết kiệm không hề xấu, nhất là còn trong giai đoạn đi học, chưa kiếm ra tiền nhiều. Hãy lấy tiết kiệm làm niềm vui (Sparen macht Spass).

5. SẠCH SẼ: SAUBERKEIT HALTEN

Điều đập mạnh vào mắt khi vào nhà người Đức là sự sạch sẽ & ngăn nắp. Nhất là nhà bếp và toilet. Đừng ngạc nhiên khi lại thăm nhà người Đức, họ lại ưu tiên giới thiệu toilet thay vì phòng ngủ.
Toilet của Đức thuộc loại sạch sẽ có hạng (Đồ sứ vệ sinh của Villeroy & Boch / Đức đứng hàng đầu thế giới). Do đó khi sống chung với ngừơi Đức (Cư xá, nhà tập thể) thì bạn phải rất cẩn thận giữ gìn sạch sẽ.

6. TRẬT TỰ VÀ KỶ LUẬT: ORDNUNG MUSS SEIN

Người ta hay nhắc đến tính kỷ luật khi nói về người Đức. Cái ấy khỏi cần bàn! Bởi vì nếu không có kỷ luật thì sao có thể gọi là người Đức được nhỉ.
Trẻ con Đức được rèn luyện rất sớm về những gì được phép làm và những gì không được phép làm. Không chạy xe qúa tốc độ quy định, không uống rượu quá liều lượng cho phép khi lái xe, không đi qua đường khi đèn đỏ và đương nhiên không đái đường.

7. ĐÚNG GIỜ & CHÍNH XÁC: PUENKTLICHKEIT GEHT UEBER ALLES ?

Hãy cố gắng đúng giờ. Có thể nói đúng giờ được xem như là một phẩm hạnh được người Đức đánh giá cao. Tính đúng giờ được xem như một thuộc tính đương nhiên của con người cũng như sinh ra là phải có mắt mũi tay chân vậy.
Bạn sẽ bị coi thường nếu đến trễ hay thực hiện công việc không đúng hạn. Hình như người Đức sinh ra là đã đúng giờ. Khoảng thời gian thập kỷ 70-80 xe lửa đến đúng từng phút một. Bây giờ những người lớn tuổi thường hay phàn nàn là xe lừa hay bị trễ giờ (Thật ra là chỉ 2-3 phút thôi!!!)

8. LÀM VIỆC HAY ĐI CẦY: ARBEIT MACHT SPASS (STRESS) ?

Nước Đức là nơi lý tưởng để làm việc: Thời tiết lạnh, ít ra mồ hôi, kỷ luật làm việc thì khỏi nói, bạn có lười thì đồng nghiệp sẽ nhắc nhở.
Làm việc: đó là điều tất nhiên như thở hít khí trời, ai cũng phải thở, có nghĩa là ai cũng phải làm việc. Có lẽ điều này là một trong những phẩm hạnh Đức mà người Việt Nam ta cần học hỏi

- Làm việc đúng giờ và có trách nhiệm
- Năng suất lao động cao (Không ngồi chơi xơi nước, tán dóc hoặc nhậu nhẹt)
- Vắng mặt phải khai báo, nghỉ ốm thì phải có giấy bác sĩ
- Làm việc chăm chỉ để gây tiếng tốt cho chính mình và cho người đồng hương.

9. NGHỈ HÈ VÀ THỜI TIẾT: WETTER UND URLAUB (FKK na und?)

- Nước Đức là một trong những nước có ngày nghỉ phép nhiều nhất (Ít nhất 30 ngày làm việc / năm)
- Người Đức đi du lịch nhiều vào loại hàng đầu thế giới
- Người Đức thích tắm cởi truồng (FKK)

10. GIAO THIỆP, XỬ THẾ

Chào hỏi:
Người Đức rất hay chào hỏi: Chào sáng, chào trưa, chào tối, chào đêm, chào gặp mặt, chào chia tay. Xem ra chuyện chào hỏi là rất quan trọng. Kèm theo đó là cái bắt tay và tự giới thiệu tên mình nếu gặp lần đầu. Không đáp ứng lời chào hoặc bắt tay hoặc giới thiệu được xem như là một cử chỉ khiếm nhã. Đôi khi vì thói quen, nhiều người Việt Nam tưởng rằng một cái gật đầu nhẹ là đủ. Tuy nhiên sau khi chào hỏi, cũng không nên có những câu hỏi tò mò quá, tối kỵ là không bao giờ hỏi lương: Đấy là điều bí mật mà chỉ có vợ/chồng, xếp và sở thuế biết.

Ăn mặc:
Thông thường người Đức ăn mặc giản dị, chỉ khi nào xem nhạc kịch, múa ballet hoặc nghe hoà nhạc hoặc khi “có việc” họ mới lên đồ. Việc ăn mặc tùy theo hoàn cảnh, chỉ có một điều phải thật sự lưu tâm là bộ quần áo ngủ. Như tên gọi của nó, vì là quần áo ngủ nên chỉ dùng trong phòng ngủ, tuyệt đối không sử dụng ở ngoài. Rất nhiều người vì không hiểu thói quen này lại còn mặc vào để đi ra ngoài. Bạn sẽ được xem như người sao Hoả, có lẽ cởi truồng thì cũng chỉ bị chiêm ngưỡng đến thế.


Nói năng:
Tuyệt đối không ồn ào nơi công cộng, khu tập thể, đơn giản là không nên nói to, gọi nhau ơi ới, hoặc cười đùa vì người Đức rất kỵ điều này. Ở chung khu tập thể lưu ý tránh làm ồn, nghe nhạc với âm lượng cao (Thí dụ như sau 20g thì không được tạo ra tiếng động quá bao nhiêu decibel đấy, điều này có quy định cụ thể hẳn hoi)
Điện thoại:
Không nên điện thoại sau 22g nếu không nói trước. Cũng không nên gọi vào buổi sáng thứ 7 và chủ nhật vì người Đức hay dậy trễ vào cuối tuần. Bạn đồng nghiệp, thậm chí là xếp cũng không gọi về nhà bạn nếu không có chuyện thật sự cần thíêt. Người Đức rất coi trọng đời sồng riêng tư. Việc bạn làm đầu tiên khi nhấc điện thoại lên là xưng tên. Chuyên nhỏ ư? Không đâu, thói quen nhỏ này thôi mà người viết bài này phải đến 5 năm sau khi ở Đức mới quen.

Tác phong khi ăn uống:
Làm thế nào thì làm, khi ăn bạn không được mở mồm. Ăn xong rồi mới nói. Đây là một kỹ năng phải tập dợt nhuần nhuyễn nếu không muốn bị xem là thô lỗ. Và cũng vì bạn không phải là ngươi Ả Rập nên một cái ợ ngon lành sau bữa ăn ngon cũng nên tránh.

Thăm viếng:
Ở Việt Nam, khi bạn muốn thăm ai, bạn có thể đến thẳng mà không cần báo trước. Nhưng ở Đức thì phải báo trước đấy. Người Đức rất cẩn thận trong việc tiếp đãi, bất kể thân sơ, nhưng khi đã mời bạn đến nhà rồi thì họ tiếp đãi rất chu đáo.

Cử chỉ thân mật:
Bạn có thể có những cử chỉ thân mật vuốt ve những người thân ở nơi công cộng, sẽ không ai phản ứng gì. Tuy nhiên nếu là người đồng phái thì lại là điều khác. Người Đức qua Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy 2 người đàn ông có thể ôm eo, quàng vai hoặc nắm tay dắt nhau đi dạo. Do đó bạn phải cẩn thận khi diễn tả tình cảm thân mật trước đám đông, kẻo gây hiểu lầm.