ĐỜI SỐNG

Người dùng có nên tin và mua sản phẩm quảng cáo về sức khỏe trên mạng?

Anh Tuấn • 28-09-2023 • Lượt xem: 852
Người dùng có nên tin và mua sản phẩm quảng cáo về sức khỏe trên mạng?

Thời gian gần đây nhiều đoạn quảng cáo về các thực phẩm chức năng có công dụng như “thần dược” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Điều đáng chú ý là quảng cáo này có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng, khiến cho không ít người tiêu dùng tin vào. Không những “tiền mất” mà còn “tật mang”.

“Thuốc tiên” xuất hiện tràn ngập

Trong nhiều loại sản phẩm, thuốc men và thực phẩm chức năng luôn được người tiêu dùng quan tâm về mặt chất lượng, bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Với thói quen ngại mất thời gian để đến bệnh viện cũng như lắng nghe tư vấn từ những bác sỹ có chuyên môn, một địa điểm khác được người tiêu dùng thường xuyên lựa chọn đó là thông qua quảng cáo trên TV, Youtube hoặc các nền tảng mạng xã hội.

Điều này càng được bảo chứng khi đối tượng được những đối tượng này hướng đến là người cao tuổi hoặc ở độ tuổi trung niên, ít được tiếp xúc với các thông tin đa chiều, từ đó dễ bề lừa đảo. Chính vì điều đó mà các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng chủ yếu ở mảng truyền hình, liveshow thường được “chọn mặt gửi vàng” như gương mặt đại diện để quảng bá những tác dụng thần kỳ với người hâm mộ.

Đặc điểm của chúng là đưa ra những phương pháp chữa bệnh đơn giản, dễ dàng và có hiệu quả lập tức. Chẳng hạn có một loại thuốc có thể đào thải mỡ thừa qua đường bài tiết, đốt cháy mỡ nội sinh chỉ trong một thời gian ngắn, hay một loại sữa có thể ngăn cản biến chứng tiểu đường và cao huyết áp… Tất cả chúng đều được quảng cáo là được FDA (cơ quan quản lý thực phẩm Hoa Kỳ) hay các Viện Hàn Lâm nước ngoài chứng nhận, và không ảnh hưởng đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Với sự thổi phồng công dụng, coi đó như một liều thuốc chữa được bách bệnh cũng như đánh vào tâm lý dễ dàng đạt được hiệu quả, những quảng cáo này thu hút được một lượng lớn người xem. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng thường đưa ra những từ ngữ đao to búa lớn, mang nhiều ẩn ý để né tránh quy định pháp luật, và khiến cho người sử dụng mù mờ. Chẳng hạn mọt hãng sữa nọ đã quảng cáo rằng mình sử dụng công nghệ nano canxi chuyển giao từ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Thế nhưng đó có thật là công nghệ mới hay không cũng không ai biết, và cơ quan nói trên cũng cho rằng không có hoạt động hợp tác nào với thương hiệu nói trên.

Trong đó một trong những yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng dễ dàng sụp bẫy đó là có sự xuất hiện của người nổi tiếng. Chị Mai Hoa (Quận 7, TP. HCM) cho biết do đi làm xa, không ở gần cha mẹ ở Bến Tre, nên ông bà đã tin theo các quảng cáo trên Youtube và mua về loại sữa được quảng cáo là có tác dụng phòng chống tiểu đường va cao huyết áp. Chị chia sẻ vì ông bà nhìn thấy Q.L. – một nam MC nổi tiếng đứng ra quảng cáo, nên rất tin tưởng và đã mua về. Cuối cùng thì không thấy có tác dụng gì được cải thiện, trong khi tiền thì đã mất theo những sản phẩm, thực phẩm chức năng.

Bảo chứng bằng hình ảnh của nghệ sĩ

Có thể nói nghệ sĩ càng lớn thì sự đáng tin cũng đã tăng lên, dẫn đến rất nhiều sự kiện đáng tiếc trong thời gian qua, khiến nhiều MC, diễn viên… đã phải gửi lời xin lỗi đến khán giả vì đã tin tưởng vào hình ảnh của mình. Điển hình mới đây, nữ MC và diễn viên C.T. có lượt người hâm mộ lớn từ các bộ phim cũng như chương trình hẹn hò đã phải lên tiếng xin lỗi vì một thời gian dài danh tiếng của mình đã bị ảnh hưởng, khiến cho công việc của cô gần như bị đình trệ.

Trước đó MC Q.L. cũng đã lên tiếng thừa nhận sai sót, chỉ vì tin vào chữ “viện hàn lâm” mà chưa nghiên cứu một cách cầu toàn. Ông cũng nói rằng mình tin hai chữ “hỗ trợ” không ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, nếu là “chữa trị” thì ông đã cẩn trọng hơn. Nhưng có thể thấy dù có là gì chăng nữa, thì với sự ủng hộ của đông đảo khán giả, việc quảng cáo sản phẩm chưa được kiểm chứng về mặt công năng cũng là một điều rất khó chấp nhận. Đây chỉ là 2 trong số nhiều người có sức ảnh hưởng lên tiếng xin lỗi và có phản hồi sau phản ứng của dư luận.

Không dừng ở đó, sau khi lên tiếng xin lỗi vì phần quảng cáo của mình, thế nhưng hình ảnh của nam MC Q.L. không những mất đi mà còn xuất hiện nhiều hơn trong các quảng cáo đã được cắt ghép, hiệu chỉnh đối với rất nhiều sản phẩm khác nhau, mà ngay cả ông cũng không hề biết hay có ký kết các loại hợp đồng sử dụng hình ảnh. Không dừng ở người nổi tiếng, các MC dẫn chương trình thời sự của bản tin truyền hình quốc gia cũng được cắt ghép theo xu hướng này, vì họ thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình, giúp tăng thêm sự ảnh hưởng với người tiêu dùng.

Đây có thể nói là một hành vi không chỉ lừa dối người tiêu dùng, quảng cáo sai sự thật mà còn sử dụng hình ảnh của người khác chưa qua xin phép. Thiết nghĩ để giải quyết một cách triệt để những tình huống trên, thì sự quan tâm, nhắc nhở bộ phận người tiêu dùng lớn tuổi dễ bị ảnh hưởng là rất quan trọng. Chị Mai Hoa cho biết, sau khi giải thích rõ ràng nguồn cơn cũng như phương pháp lừa đảo của các đối tượng nói trên, cha mẹ chị đã cảnh giác hơn trong việc mua hàng qua mạng xã hội.

Không chỉ trong việc truyền miệng, mà các cơ quan chức năng cũng cần có những chế tài thật mạnh để giải quyết vấn đề này. Một trong số đó là việc kết nối với các cơ quan chủ quản của những nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam, để tăng cường hơn nữa bộ lọc thông tin cũng như xử lý sai phạm với những quảng cáo không đúng sự thật, từ đó tăng cường yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Có thể nói rằng đây là vấn đề tồn tại rất lâu và vẫn còn nhiều ảnh hưởng tính cho đến nay. Để giải quyết dứt điểm, không chỉ người tiêu dùng cần phải cẩn thận với việc mua hàng trực tuyến, mà nghệ sĩ và các gương mặt đại diện cũng phải có sự hiểu biết về sản phẩm mà mình đại diện. Kết hợp cùng đó là các bộ - ban – ngành như Bộ Y Tế, Bộ Thông Tin – Truyền Thông, Bộ Công Thương, Bộ Công An… có sự kết nối chặt chẽ, xử lý nhanh chóng thông tin không đúng sự thật, từ đó đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.