ĐỜI SỐNG

Người Nhật phát hiện kho đất hiếm phá vỡ thế độc tôn của 'ông lớn' Trung Quốc

Trung Mến • 12-04-2018 • Lượt xem: 692
Người Nhật phát hiện kho đất hiếm phá vỡ thế độc tôn của 'ông lớn' Trung Quốc

Trung Quốc từng nắm thế độc quyền ảo đối với nguồn cung đất hiếm toàn thế giới. Ở nhiều thời điểm, điều này đã gây ra nhiều căng thẳng địa chính trị.

Hôm 10/4 các nhà nghiên cứu Nhật công bố họ phát hiện ra dự trữ đất hiếm có khối lượng tương đương với vài trăm năm tiêu thụ của toàn cầu gần đảo Minami-Torishima. Dưới đây là 5 điều bạn nên biết về kim loại này:

Đất hiếm được sử dụng trong điện thoại thông minh và xe ô tô điện

Có 17 loại đất hiếm khác nhau. Những kim loại này được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm khác nhau, từ điện thoại thông minh cho đến xe chạy điện hoặc tuabin gió. Các nhà nghiên cứu Nhật ví chúng như là "vitamin công nghiệp" bởi vai trò vô cùng quan trọng của chúng trong ngành công nghệ cao.

Trung Quốc thống trị sản xuất đất hiếm toàn cầu

Trung Quốc từng nắm thế độc quyền ảo đối với nguồn cung đất hiếm toàn thế giới. Ở nhiều thời điểm, điều này đã gây ra nhiều căng thẳng địa chính trị: Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào cuối thập niên 2000 đã khiến thế giới phản ứng; chính phủ nhiều nước như Nhật, Mỹ và EU phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cuối cùng, WTO đã ra phán quyết chống Trung Quốc, Trung Quốc đã loại bỏ hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2015.

Giờ đây, dù Trung Quốc không còn độc quyền như trước đây do chính phủ nước này hạn chế bớt việc xuất khẩu và nhiều nước khác cũng tham gia vào sản xuất đất hiếm như Australia, nhưng Trung Quốc vẫn giữ vị thế “tay chơi” lớn trên thị trường. Chính phủ Nhật và nhiều nước công nghiệp khác vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nguồn đất hiếm thay thế.

Giá đất hiếm tăng trong những tháng gần đây

Những tháng gần đây, giá đất hiếm sử dụng trong các thiết bị chạy điện và lai xăng điện tăng, nguyên nhân chính là do nhu cầu phát triển hạ tầng cao ở Trung Quốc cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn. Giá neodymium, loại đất hiếm được sử dụng trong nam châm, lên mức 72USD/kg trong tháng 3/2018, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhật phát hiện ra kho đất hiếm khổng lồ, nhưng khai thác không dễ

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra dự trữ đất hiếm khối lượng 16 triệu tấn dưới đáy biển gần Minami-Torishima, khá xa về hướng Đông Nam với những đảo chính của Nhật. Dự trữ đất hiếm có chứa hàng trăm năm dự trữ dysprosium và yttrium – những thành tố quan trọng khi sản xuất xe ô tô điện lai xăng và máy laser.

Chuyên viên nghiên cứu đại học Waseda, ông Yutaro Takaya, và giáo sư tại đại học Tokyo, ông Yasuhiro Kato dẫn đầu nhóm nghiên cứu này. Theo lý giải của ông Kato, đất hiếm thường được tìm thấy kèm với nhiều yếu tố phóng xạ kiểu như uranium, đây cũng chính là lý do tại sao việc khai thác đất hiếm bên ngoài Trung Quốc rất khó khăn. Và đất hiếm tìm thấy ở Minami-Torishima sạch, điều đó đồng nghĩa với việc khai thác chúng sẽ không gây ra những quan ngại về môi trường.

Tuy nhiên, dự trữ đất hiếm này nằm ở vị trí quá sâu. Dự trữ mới nằm ở độ sâu lên đến 5.600 mét và công nghệ hiện tại chưa đủ khả năng khai thác đến độ sâu này. Các nhà khoa học sẽ phải tính rất nhiều đến việc làm cách nào để khai thác chúng. 

Chuyên viên nghiên cứu tại Market Risk Advisory, ông Naohiro Niimura, chỉ ra: “Nghiên cứu mới của Nhật sẽ không thể ảnh hưởng gì đến thị trường đất hiếm”. Khu vực Minami – Torishima đã thu hút sự chú ý trong gần 10 năm qua, tính từ khi cuộc khủng hoảng đất hiếm xảy ra do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu ra thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công nghệ nào khai thác đất hiếm từ khu vực nước quá sâu.

Ở hiện tại, các công ty đang cố gắng giảm phụ thuộc vào đất hiếm.