ĐỜI SỐNG

Người tạo ra những điều kỳ diệu bằng nghị lực

Hoa Vũ • 29-09-2022 • Lượt xem: 337
Người tạo ra những điều kỳ diệu bằng nghị lực

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Đài Trang, sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh. Bằng chính nghị lực vượt khó của bản thân, chị đã từng bước khởi nghiệp thành công và được vinh danh, dù những khiếm khuyết trên cơ thể không thể cản trở mục tiêu muốn vươn tới những thành tựu tốt đẹp của chị.

Câu nói “Những khiếm khuyết của bạn sẽ trở thành những phúc lành mang đến cho bạn điều diệu kỳ”, trước đây tôi vốn nghĩ để cho người khuyết tật bớt đi phần nào của sự mặc cảm, tự ti vốn có. Nhưng sau này lớn lên với những điều mình đã trải qua thì tôi mới hiểu câu nói đó là động lực để thúc đẩy, giúp những người kém may mắn tin vào bản thân mình với niềm tin và ý chí mãnh liệt rằng: Họ sẽ làm được những điều mình mơ ước cũng như họ có thể hiện thực hóa được những điều đó.

Trước đây tôi có quen biết một người chị qua một cuộc thi do chính chị tổ chức, chị ấy bị khiếm khuyết về đôi chân của mình, nhưng chưa khi nào mất niềm tin vào cuộc sống này, chị luôn lạc quan, yêu đời. Không những thế, chị còn luôn hướng tới việc trao giá trị của mình cho những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người khiếm khuyết để giúp họ vững tin hơn vào cuộc sống và những điều tốt đẹp. Đó là chị Nguyễn Đài Trang, một nữ doanh nhân với nghị lực phi thường.

Chị Trang luôn cố gắng hết mình trong công việc và được vinh danh tại Tỏa sáng nghị lực Việt - Hình ảnh: NVCC

Khao khát được đến trường và trở thành người có ích

Chị Nguyễn Đài Trang Sinh năm 1981, tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Ra đời như bao đứa trẻ khác, chị khá xinh xắn, nhưng đến 3 tháng tuổi chị bị sốt. Cơn sốt đó đã cướp đi chân trái của chị khiến cuộc sống của chị từ ấy trở nên khó khăn hơn. Nhưng bằng nghị lực và sự kiên trì của mình chị vẫn đi học và học hết cấp 3. Sau đó chị đỗ vào Đại học Công nghệ thông tin rồi tốt nghiệp.

Có lần tôi xem được câu chuyện về chị trên đài truyền hình Hà Tĩnh khi nghe con gái chị kể lại về khao khát được đi học của chị thì bản thân tôi cũng cảm thấy rất xúc động: “Lên 8 tuổi mẹ mới được đi học và khi nhìn những đứa trẻ xung quanh đến trường mỗi ngày thì khao khát ấy lại được trỗi dậy một cách mãnh liệt hơn”.

Quá trình đi tìm tri thức của chị cũng như những khó khăn trong việc đi lại cũng đã trở thành thử thách đối với bản thân chị.

Sau đó chị đã làm rất nhiều nghề khác nhau từ bán sách giáo khoa, nhân viên công ty truyền thông đến nhân viên Phòng Kế hoạch của Chi nhánh Viettel Hà Tĩnh.

Không ngừng cố gắng trước những thử thách của cuộc sống

Chị nói, có nhiều khó khăn cũng không sao cứ bước đi những bước chân đầu tiên rồi những bước đi sau sẽ trở nên dễ hơn, quan trọng nhất vẫn là bước đi đầu tiên. “Cứ đi rồi sẽ đến, cứ gõ cửa sẽ mở. Đối với con người họ có thể có những khiếm khuyết nhưng mà họ vẫn có quyền được khát khao để làm việc và sống cuộc sống như họ mong muốn chứ không phải im lặng để sống một cách tạm bợ”. Chị luôn nói với những ai cần động lực trước cuộc sống như vậy.

Khó khăn lớn nhất của người khuyết tật là họ cần phải vượt qua chính bản thân mình, sau đó tìm ra những điều họ có sở trường.

Năm 2011, với những điều chị đi qua cũng như tích lũy thì chị đã đi vay mượn bạn bè, người thân 200 triệu đồng để kinh doanh quán cà phê, nhưng sau 3 năm kinh doanh bị thua lỗ vì một số lý do. Chị vẫn không nản chí mà tiếp tục tìm đường đi khác, chị về Thành phố Vinh - Nghệ An quê nhà của mình, để xin nấu ăn cho quán lẩu nổi tiếng với mong muốn học hỏi công thức để phục vụ cho việc kinh doanh sau này. Nhìn thấy cô gái khiếm khuyết nhưng lại có nghị lực và kiên nhẫn để học hỏi như vậy, chủ quán đã quyết định truyền lại bí quyết cũng như bán lại “Menu” cho cô. 

Chị Trang kể: “Từ quán cà phê tôi chuyển sang quán lẩu. Không ngờ khách hàng tìm đến mỗi ngày một đông. Sau một năm hoạt động, tôi có một nguồn vốn khá lớn và tiếp tục mở thêm một nhà hàng ăn uống khác”.

Với nghị lực và quá trình nỗ lực của mình, chị đã để lại những dấu ấn trên hành trình của mình đã đi qua.

Hiện tại chị đang kinh doanh chuỗi nhà hàng và chuyển nhượng lại. Trong đó phải kể đến nhà hàng Nhà Tôi, là một địa điểm nhiều người ghé đến nhất cũng là địa chỉ uy tín nhất trên đường Lê Duẩn (TP.Hà Tĩnh), tạo ra việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập 5 - 16 triệu đồng/người/tháng. Chị Trang cũng hay sử dụng các sản phẩm do người khuyết tật làm ra để phục vụ cho việc kinh doanh của mình.

“Sau mỗi lần xây dựng được một thương hiệu thành công, tôi lại chuyển nhượng thương hiệu và mở cái lớn hơn. Song song với nhà hàng, tôi tiếp tục mở thêm quán lẩu chi nhánh 2 và quán cà phê. Hiện tôi đang có thêm những “đứa con tinh thần” khác là shop Nami và Công ty bất động sản Trangland”, chị Trang chia sẻ trên Diễn đàn doanh nghiệp.

Và nụ cười thân ái của chị Đài Trang là cảm hứng để nhiều người khuyết tật tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn

Chắp cánh cánh và viết tiếp ước mơ cho người khuyết tật

Không chỉ giữ vai trò là một nữ doanh nhân thành đạt, chị còn đóng vai trò là người vợ, người mẹ... Tuy là có khiếm khuyết như vậy nhưng chưa có khi nào chị dựa dẫm vào người khác mà còn trở thành điểm tựa cho mọi người xung quanh. Chị vẫn cứ cần mẫn, miệt mài làm từ thiện và gõ cửa, kết nối với các tổ chức từ thiện để làm ấm những cuộc đời khốn khó, đi đến đâu chị cũng đem đến đó thật nhiều ân cần, yêu thương, sự tử tế trong những năm tháng qua.

Giờ đây chị đang là chủ nhiệm CLB Phụ nữ tự lực của tỉnh Hà Tĩnh. Chị Trang lần đầu tiên đã đưa được những người có cùng hoàn cảnh lên sân khấu ở cuộc thi “Vẻ đẹp hoa xương rồng” mà ở đó họ đã nói lên những khao khát, ước mơ cùng với những khó khăn và những ý tưởng khởi nghiệp của mình. Và để có cuộc thi như thế thì chị Trang đã trải qua rất nhiều ngày tháng để đi vận động thí sinh tham gia và các nhà tài trợ.

Cuộc thi “Vẻ đẹp hoa xương rồng” đã để lại những hình ảnh tốt đẹp trong xã hội cũng như tâm hồn những người khuyết tật. Sau khi cuộc thi kết thúc, chị đã lên kế hoạch, ý tưởng về một cửa hàng thực phẩm sạch trong âm thầm nhằm giúp đỡ, tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có được một sinh kế ổn định. Và “Nàng dâu Order” được ra đời sau bao lâu ấp ủ đó, có địa chỉ tại 155A, đường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh đã được khai trương trong sự ủng hộ của nhiều người.

Vinh danh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”

Năm 2020 bằng tài năng và nghị lực của và sự cống hiến của mình, vừa qua chị là một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được Trung Ương Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam vinh danh tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Đây là chương trình nhằm mục tiêu tôn vinh, tìm kiếm những tấm gương thanh niên khuyết tật có ý chí vươn lên, chiến thắng số phận và có những đóng góp tiêu biểu cho cộng đồng và xã hội.

Như chị đã nói thì ngoài việc kinh doanh nhà hàng thì chị còn có “hai đứa con tinh thần”trong lĩnh vực nhà đất và làm đẹp thực phẩm chức năng và mỹ phẩm lần lượt ra đời trong năm 2022: bất động sản Trang Land - Khơi nguồn từ đất; chuỗi cửa hàng Nami store chuyên về mỹ phẩm Hàn Quốc.

Chị Trang nói, chị không có nhiều thời gian như mọi người nên luôn sống như chỉ có một ngày để sống. Người chị ấy rất ít khi để mình rơi vào tình cảnh rảnh rỗi.

Chị nói rằng, mình muốn làm ra và có thật nhiều tiền để luôn giữ vị trí chủ động trong cuộc sống. Dù là ở lĩnh vực nào đi nữa cũng sẽ trở nên dễ dàng. Chị đã trao đi tình yêu thương và sự giúp đỡ của mình một cách thầm lặng bằng những cách khác nhau với mục đích  hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên các kênh truyền thông của tỉnh, hay qua những bài báo. Ngoài ra chị còn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện như đến thăm làng trẻ SOS Hà Tĩnh, Trung tâm khuyết tật Hà Tĩnh... để gửi gắm yêu thương bằng những phần quà thiết thực nhất.

Không chỉ vậy, chị cho biết mình đã đăng ký hiến tạng sau khi mất với mục đích có thể giúp cho những người có cơ hội được hiến tạng sẽ có thể sống một cuộc đời mới. Điều này làm tôi nhớ đến câu nói “Khi một sự sống kết thúc không có nghĩa là không còn gì. Mà đồng nghĩa với việc họ đã để lại giá trị gì cho cuộc sống”.