Cậu bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng đón tôi bên bờ sông Hàn, bảo “Đi ăn trưa nhé!” rồi chở tôi vòng vòng một đoạn, dừng xe nói: Quán này là kiểu… Huế nhưng dân Đà Nẵng thích đến đây, và khách du lịch cũng rất thích ngồi đây.
Một bức tường như một ngọn giả sơn rất ấn tượng hút cái nhìn đầu tiên của bất cứ ai dừng chân trước cửa, tên quán nằm chót vót trên cao. Và chỉ xoay người bước vào, đã chạm ngay nét Huế, với những đặc thù không thể lẫn. Một chiếc cổng kiểu tam quan với kiến trúc gỗ tinh xảo, hàng lan can chữ triện cùng mái hiên lợp ngói hoàng lưu ly - thứ ngói chỉ có trong Đại Nội, Kinh Thành Huế. Đi qua cổng - lên lầu - là gặp một bức bình phong gỗ rất ý nhị, như một nguyên tắc bất dịch của kiến trúc Huế. Thoáng nhìn bên ngoài, quán mang âm hưởng của kiến trúc cung đình.
Bức tường như một ngọn giả sơn đầy ấn tượng cùng sự hoà quyện của kiến trúc và cây xanh.
Lớp mái hiên tầng trệt được lợp ngói hoàng lưu ly, loại ngói chỉ dùng trong Đại Nội – Kinh Thành Huế. Phía trên là lan can kiểu chữ triện.
Cổng vào kiểu tam quan trang trọng với kiến trúc gỗ tinh xảo.
Đi vào bên trong, một không gian khác mở ra, với những cảm nhận khác. Ba nếp nhà, ba kiến trúc hướng vào một khoảng sân trong, cũng là lối đi, tràn ngập ánh sáng. Kiến trúc chính thẳng lối vào là một ngôi nhà rường “chuẩn Huế”. Cậu bạn tôi kể rằng chủ quán là người Huế vào đây lập nghiệp và ngôi nhà rường này được chuyển từ Huế vô, và quán này được dựng nên như một sự hướng vọng về quê hương. Điều thú vị là kiến trúc ngôi nhà rường này đã được mở rộng một nhịp kèo hiên phía trước, để khoảng hiên rộng đến… thênh thang; tạo nên bộ mái có kiểu “trùng thiềm điệp ốc” như nhiều kiến trúc cung đình ở Huế. Phía trước là một khoảng mặt nước rợp bóng cây xanh, có vai trò như một minh đường, và muốn đi vào trong thì phải qua một cây cầu nhỏ. Bên ngoài là hai kiến trúc “tả - hữu” được dựng mô phỏng kiến trúc và cấu trúc nhà rường, nhưng với đường nét đơn giản hơn.
Những khoảng xanh nhỏ bé mà quyến rũ.
“Minh đường” trước kiến trúc chính, và cây cầu nhỏ bắc qua là lối vào.
Một góc ngồi thú vị bên những mảng xanh.
Để mấy người bạn ngồi với nhau, tôi cầm máy ảnh và tẩn mẩn ngắm nhìn ngôi nhà rường với những đường nét trạm trổ tinh xảo, rồi nhìn ra những khoảng xanh nhỏ bé nhưng cũng đầy quyến rũ. Nắng lấp lánh xuyên quan những kẽ lá xuống sân, xuống hồ nước. Không gian thật trầm tĩnh và dịu dàng…
Khoảng sân giữa tràn ngập ánh sáng.
Hai công trình kiến trúc “tả - hữu” được dựng mới mô phỏng kiến trúc nhà rường truyền thống.
Vật liệu thô mộc mà tinh tế.
Nội thất kiến trúc chính – ngôi nhà rường Huế truyền thống.
Góc nhìn phía ngoài ngôi nhà rường, phần hiên được mở rộng bằng một hệ kèo mới, tạo nên hệ mái kiểu “trùng thiềm điệp ốc”
Quán đậm chất Huế, nhưng chúng tôi gọi… mỳ Quảng. Có sao đâu, đất Huế và xứ Quảng – Đà trước giờ vẫn nhiều ân tình duyên nợ. Chẳng phải câu chuyện của người chủ quán là một minh chứng rõ ràng hay sao?! Và còn điều này nữa làm tôi phân vân một chút: “Quán” thì có quy mô và kiến trúc, và cả “nội dung” như một nhà hàng, nhưng cái tên treo trên đỉnh kia thì lại là “Quán”. Mà thôi, cũng không sao, điều quan trọng là nơi ấy đã níu được chân tôi…