ĐỜI SỐNG

Nhà thiên văn học: UFO được thấy ở Trung Quốc có thể là tên lửa của SpaceX

DDVN • 17-01-2024 • Lượt xem: 2170
Nhà thiên văn học: UFO được thấy ở Trung Quốc có thể là tên lửa của SpaceX

Người dân thủ đô Bắc Kinh và các khu vực khác của Trung Quốc cho biết đã nhìn thấy UFO (vật thể bay không xác định) vào tối Chủ nhật (14.1.2024). Một nhà thiên văn học cho rằng đó có thể là tên lửa phóng các vệ tinh Starlink mới nhất từ SpaceX.

Cảnh tượng bất thường này gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc. Đến trưa thứ Hai (15.1), đây là chủ đề được tìm kiếm nhiều thứ 5 trên mạng xã hội Weibo, với hơn 900.000 chủ đề về nó.

Các bài đăng bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội sau khi nhiều người nhìn thấy và chụp ảnh một UFO trên bầu trời sau 18 giờ tối Chủ nhật. Một người dân Bắc Kinh mô tả nó là “vật thể chuyển động giống như đám mây”.

Một người khác mô tả chi tiết hơn, cho biết thời tiết ở Bắc Kinh “rất quang đãng, không có mây và sau đó tôi nhìn thấy một vật thể phát sáng lờ mờ nhưng ánh sáng không nhấp nháy”.

Người này viết rằng vật thể phát sáng “có ba nguồn sáng và hình dạng giống như một tam giác cân”, đồng thời cho biết thêm rằng cuối cùng nó “tan biến như sương mù và biến mất không dấu vết”.

Người dân một số nơi ở Trung Quốc cũng nói về UFO, gồm cả thành phố Thiên Tân gần Bắc Kinh, cũng như tỉnh Sơn Tây miền trung và Sơn Đông ở phía đông.

Các bài đăng bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội sau khi “quả cầu ánh sáng mù sương” xuất hiện trên bầu trời sau 6 giờ chiều 14.1 ở Trung Quốc - Ảnh: Weibo

Họ mô tả vật thể này là “một quả cầu ánh sáng mù sương” bay nhanh từ tây sang đông và không phát ra âm thanh. Nhiều người lưu ý rằng nó không có đèn nhấp nháy nên khó có khả năng đây là chiếc máy bay.

Wang Zhuoxiao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Thiên văn tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), tin rằng đó có thể là tên lửa được sử dụng để khởi động sứ mệnh Starlink (chòm sao vệ tinh internet do hãng SpaceX của Elon Musk vận hành).

Một tên lửa Falcon 9 đã đưa 22 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở bang California (Mỹ) lúc 3 giờ 59 sáng giờ địa phương hôm Chủ nhật (khoảng 16 giờ 59 chiều Chủ nhật ở Bắc Kinh).

Wang Zhuoxiao cho biết quỹ đạo của tên lửa nghiêng 53 độ về phía nam và nó sẽ bay qua miền bắc Trung Quốc ở thời điểm được nửa chặng đường. Điều đó sẽ làm cho người dân có thể nhìn thấy tên lửa ở Bắc Kinh và các thành phố khác lúc hoàng hôn hoặc trước khi Mặt trời mọc.

Ông nói rằng sau khi các vệ tinh Starlink được đưa vào quỹ đạo, tên lửa sẽ thải hết nhiên liệu dư thừa. Theo Wang Zhuoxiao, quá trình đó có thể phân tán ánh sáng, nghĩa là có khả năng tạo thành một đám mây xung quanh tên lửa.

Ông cho biết tên lửa cũng sẽ nhào lộn để loại bỏ nhiên liệu dư thừa, điều này giải thích tại sao “đám mây tên lửa” lại có hình dạng khác nhau.

Theo trang SCMP, nhà thiên văn học ở Cung thiên văn Bắc Kinh (phát biểu với điều kiện giấu tên) cũng nói đây có thể là một tên lửa được phóng từ Mỹ.

Người dân ở miền bắc Trung Quốc báo cáo về một vật thể tương tự trên bầu trời vào đêm 13.9.2022, mô tả nó là hai chùm ánh sáng dần biến mất sau khoảng một phút. Đó hóa ra là một đám mây tên lửa hình thành sau khi phóng tàu vũ trụ.

'SpaceX là thách thức chưa từng có với tham vọng thống trị vũ trụ của Trung Quốc'

Theo tờ China Space News thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, tham vọng trở thành cường quốc thống trị vũ trụ vào năm 2045 của Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có, đặc biệt là từ SpaceX.

China Space News chuyên đăng tin tức liên quan đến lĩnh vực không gian và vũ trụ của Trung Quốc. Tờ báo thường cung cấp các bài viết, bình luận, thông tin về sự kiện, chương trình nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vũ trụ của Trung Quốc.

Theo bài bình luận gần đây trên China Space News, các nhân viên hàng không vũ trụ Trung Quốc phải duy trì “ý thức sâu sắc về tình hình khẩn cấp” khi SpaceX đi đầu trong việc cách mạng hóa và định hình lại ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu. Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), công ty không gian chủ chốt của Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, “rõ ràng đang tụt hậu so với” SpaceX về một số mặt, bao gồm triết lý phát triển, mô hình nghiên cứu và sản xuất, các công nghệ tên lửa cốt lõi, hiệu suất kinh tế.

“CASC lớn nhưng không đủ mạnh hoặc nổi bật. Khi khoảng cách công nghệ với SpaceX ngày càng mở rộng, mọi nhân viên hàng không vũ trụ nên nhận thức tỉnh táo về tình huống này, vượt qua sự tự mãn, kiêu ngạo mù quáng và làm việc chăm chỉ hơn”, trích nội dung bài viết.

SpaceX được Elon Musk thành lập vào năm 2002 với mục tiêu cắt giảm chi phí phóng tên lửa và giúp chuyến bay vào vũ trụ trở nên hợp lý hơn. Sản phẩm của hãng có lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon. SpaceX cũng đang phát triển Starship, hệ thống phóng tàu vũ trụ siêu nặng, có thể tái sử dụng hoàn toàn và chòm sao vệ tinh internet Starlink.

Lấy cảm hứng từ SpaceX, CASC cùng các công ty hàng không vũ trụ khác ở Trung Quốc đã và đang nghiên cứu các phiên bản Starship và Starlink của riêng họ là tên lửa siêu nặng Trường Chinh 9 và mạng Guo Wang, để cạnh tranh với công ty Mỹ.

SpaceX đã thực hiện 26 sứ mệnh phóng tên lửa vào năm 2020, 31 vụ trong 2021 và 61 lần vào 2022.

Trong năm 2023, SpaceX gần đạt được mục tiêu 100 vụ phóng tên lửa trong năm 2023 do Giám đốc điều hành Elon Musk đặt ra, chưa tính hai lần thử nghiệm phóng Starship thất bại. Starship là tên lửa lớn nhất và mạnh nhất từng được SpaceX chế tạo.

Elon Musk cho biết ông đang nhắm mục tiêu 12 lần phóng tên lửa mỗi tháng, tương đương 144 lần vào năm 2024.

Khi SpaceX tăng tần suất phóng tên lửa, các hãng khác trên thế giới cũng làm theo. Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell, đã có ít nhất 200 vụ phóng tên lửa trên toàn thế giới trong năm 2023, nhiều hơn so với 174 vụ vào năm 2022 và 132 vụ trong 2021.

Bill Gerstenhaber, Phó chủ tịch của SpaceX, phát biểu tại một phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 10.2023 rằng công ty đã và đang làm việc “siêng năng” để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực không gian trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

“Trên toàn cầu, Falcon là hệ thống phương tiện duy nhất có thể theo kịp nhịp độ phóng cao tương tự ở Trung Quốc. Từ góc độ khối lượng đến quỹ đạo, chỉ riêng Falcon đã vượt trội hơn Trung Quốc 3 lần”, ông nói.

Theo Bill Gerstenhaber, nếu không có sự đổi mới nhanh chóng của SpaceX, Trung Quốc đã có thể vượt trội Mỹ.

Ông nói: “Nếu loại trừ SpaceX, Trung Quốc đã có số lượng vụ phóng gần gấp ba lần so với phần còn lại của ngành công nghiệp Mỹ cộng lại trong nửa đầu năm 2023 và mang khối lượng lên quỹ đạo gần gấp 8 lần so với tất cả nhà điều hành vụ phóng khác của Mỹ”.

Bài bình luận từ China Space News nhắc lại mốc thời gian cho các ưu tiên tiếp theo của chính quyền, bao gồm việc đưa các phi hành gia Trung Quốc đầu tiên lên Mặt trăng và trở lại với mẫu đá từ sao Hỏa, cả hai đều dự kiến không muộn hơn năm 2030.

“Đến năm 2045, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới và sử dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vũ trụ để thúc đẩy sự phát triển tổng thể của mình. Mục tiêu là nuôi dưỡng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại và đóng góp vào sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại”, theo bài viết.

Theo Sơn Vân/1thegioi.vn