GIẢI TRÍ

Nhạc Hoa trở lại và nỗi niềm nhạc Việt bị 'gậy' bản quyền

DDVN • 28-10-2021 • Lượt xem: 857
Nhạc Hoa trở lại và nỗi niềm nhạc Việt bị 'gậy' bản quyền

Không chỉ được yêu thích trở lại khi nhiều ca sĩ cover (hát lại), cả những bản nhạc Hoa lời Việt được viết lời mới cũng “gây sốt”.

Tạo hiệu ứng mạnh về cảm xúc phải kể đến chuỗi cover nhạc Hoa lời Việt theo phong cách lofi (thể loại nhạc có các yếu tố không hoàn hảo trong quá trình ghi âm/trình diễn, được kết hợp một cách có chủ đích, tạo cảm giác thư giãn) của ca sĩ Vicky Nhung và nhà sản xuất Long Red - Chill with Vicky Nhung. Bên cạnh đó còn có Reply 1990 của Trịnh Thăng Bình gồm những ca khúc nhạc Hoa nổi tiếng của thập niên 1990 với toàn bộ phần lời được anh viết mới; hay dự án Moodshow của Bảo Anh hiện được yêu thích khi không chỉ giới hạn ở việc cover nhạc Hoa lời Việt. Ngay cả trong chuỗi chương trình thực tế Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân của Hòa Minzy - Anh Tú - Hứa Kim Tuyền và các nghệ sĩ khách mời, bản cover nhạc Hoa lời Việt Biệt khúc chờ nhau (khách mời: Văn Mai Hương, Bùi Công Nam) cũng thu hút người xem với hơn 21 triệu view (lượt xem).


Tăng Phúc - Trương Thảo Nhi gây “bão mạng” với Chỉ là không cùng nhau

Song song đó, có không ít giọng hát trẻ chọn nhạc Hoa lời Việt như một cách tiếp cận công chúng hoặc mở rộng hơn biên độ khán giả, như Juky San, Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi, Trần Quang Đăng… Đáng nói chỉ sau 1 ngày chia sẻ, video clip trình diễn bản nhạc Hoa lời Việt Chỉ là không cùng nhau của Tăng Phúc - Trương Thảo Nhi gây “bão mạng”, đạt gần 80 triệu view sau 3 tháng và đến nay đạt hơn 90 triệu view sau gần 7 tháng ra mắt. Bản cover Tay trái chỉ trăng của Hà Nhi cũng “gây sốt” mạng xã hội với nhiều lời khen…

Tìm kiếm sự thay thế

Người chọn hình thức lofi, người hát với bản phối đơn giản cùng lối hát không bi lụy, người chọn màu sắc thính phòng…, chưa bao giờ nhạc Hoa lời Việt lại phổ biến khắp các trang nghe nhạc, mạng xã hội như hiện nay. Khi chọn nhạc Hoa lời Việt, một số ca sĩ cho biết việc làm mới những giai điệu vốn quen thuộc, gắn với ký ức người nghe nhiều thế hệ là bước đệm cho họ đến với khán giả hôm nay.


Bảo Anh gây chú ý khi hát lại các ca khúc nhạc Hoa lời Việt trong Moodshow

Theo Vicky Nhung, bất cứ bài nhạc nào đã từng in dấu trong tuổi thơ của cô đều có thể được đưa vào series Chill cùng Vicky Nhung, song vô tình những bài hát in dấu mạnh mẽ lại là nhạc Hoa lời Việt nên cô chọn chủ đề này. “Quay ngược và sáng tạo từ những điều quen thuộc luôn là một phần của cuộc sống. Không phải chúng ta thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng để kiến tạo cái mới mà đôi khi tìm về một chút kỷ niệm và làm nó tươi mới một cách hợp thời lại là trải nghiệm rất thú vị cho cả người làm nhạc và người nghe”, cô nói.

Có lẽ, vì thú vị nên trào lưu này trở lại mạnh mẽ cũng không đáng ngạc nhiên, như nhiều ca sĩ cover nhạc Hoa nhìn nhận. “Nhiều người bảo là một bước lùi nhưng tôi thấy đó là một bước nhìn lại, lấy đà, tìm được những cái hay để sẵn sàng với những làn sóng mới”, Vicky Nhung bày tỏ.

Từ góc nhìn rộng hơn, nhạc sĩ Hoài An cho rằng: “Âm nhạc có nhiều giá trị, trào lưu… và khi một hay nhiều trào lưu đã/đang bão hòa, người ta sẽ tìm sự thay thế. Khi chưa đi ra được con đường mới hoàn toàn, thì một lối đi cũ (mà không hẳn cũ) cũng sẽ bảo đảm được một sự đón nhận nhất định”. Theo anh, cũng có thể ca sĩ yêu thích thì hát lại thôi, thời gian là thước đo chính xác của sản phẩm.


Chuỗi cover nhạc Hoa lời Việt của Vicky Nhung gợi nhiều cảm xúc cho người nghe

Bị “đánh gậy” sập kênh, ngại hát nhạc Việt ?

Gần đây nhiều nhạc sĩ, ca sĩ liên tục bị cảnh báo vi phạm lẫn bị “đánh gậy” bản quyền khi tải (up) bài hát lên kênh YouTube của mình dù theo họ, đó là tác phẩm tự sáng tác, thu âm, quay hình hoặc từ album đã phát hành hợp pháp. Để tránh bị khiếu nại bản quyền, có nhạc sĩ - như Nguyễn Vĩnh Tiến, đã phải chọn những gì mình tự sản xuất. Vậy mà “ngay đến khi bỏ toàn bộ tiền mời ban nhạc, ca sĩ và làm liveshow thì vẫn bị khiếu nại bản quyền của một số công ty, rất mệt!”, anh chia sẻ.

Cũng có người khi bị cảnh báo bản quyền trên chính ca khúc mình sở hữu đã liên hệ với đơn vị cảnh báo để chứng minh mình chính chủ, như nhạc sĩ Minh Châu, Hoài An… “Khi tôi nói với đại diện công ty cảnh báo mình vi phạm, rằng đây là sản phẩm tôi nắm toàn bộ bản quyền thì bên họ xin lỗi, rút lại báo cáo bản quyền rồi… thôi. Nhưng thực tế, rất nhiều đơn vị cảnh báo bản quyền vô tội vạ, nhất là quyền liên quan”, nhạc sĩ Hoài An bức xúc. Vì vấn đề bản quyền trên không gian mạng khá hỗn loạn như thế nên không ít ca sĩ ngại cover nhạc Việt.

Đáng tiếc hơn, như trường hợp ca sĩ Phương Vy vì bị “đánh gậy” liên tục mà lại rơi vào ngày cuối tuần nên cô không kịp trao đổi giải quyết, cuối cùng đành mất kênh YouTube. “Tôi up bài mình phát hành trong album thì bị “đánh gậy”, trong khi kênh khác up cũng bài đó thì không bị gì; giờ muốn coi bài mình hát phải qua kênh của họ. Thật vô lý!”, Phương Vy phản ánh. Theo cô, vấn đề bản quyền cần phải được tôn trọng, đảm bảo và nghệ sĩ luôn sẵn lòng thực hiện, nhưng hiện nhiều đơn vị khai thác không rõ ràng và “đánh gậy” thẳng tay gây khó khăn cho nghệ sĩ. “Thật sự tôi thấy rất loay hoay… Nên sau khi bị mất kênh, tôi ngại hát nhạc Việt, và cũng nghĩ rằng có khi nên tự viết lời Việt rồi xin phép tác giả gốc để khỏi phiền”, cô nói.

Theo Nguyên Vân/Thanhnien.vn