GIẢI TRÍ

Nhạc Việt: 'Của mình' bỗng dưng thành… 'của người'

DDVN • 26-10-2021 • Lượt xem: 310
Nhạc Việt: 'Của mình' bỗng dưng thành… 'của người'

Một số nghệ sĩ đã rất bất ngờ, tức giận khi phát hiện sản phẩm của mình bị một đơn vị khác kiểm soát, khiến khổ chủ không thể sử dụng. Chuyện lạ lùng đó hiện vẫn đang diễn ra đầy rẫy.

Chủ sản phẩm bỗng trở thành kẻ cắp

Mới đây, nhạc sĩ Giáng Son bức xúc khi nhận thông báo từ YouTube rằng sản phẩm Giấc mơ trưa (do chị sáng tác, sản xuất) có đoạn âm thanh trùng khớp với một sản phẩm cùng tên do Công ty BH Media là chủ sở hữu bản quyền, đại diện cho Hồ Gươm Audio. Điều đó có nghĩa là YouTube đánh giá sản phẩm của chị có thể sao chép của đơn vị khác. Sau đó, Hồ Gươm Audio đã liên lạc với BH Media để gỡ bỏ thông báo này từ YouTube với sản phẩm của nhạc sĩ Giáng Son. Hồ Gươm Audio giữ vai trò gì để chi phối như thế? 


Album Ôi đàn cò của nghệ sĩ Dương Thùy Anh

BH Media hiện đang khai thác bản quyền một bản hòa tấu mang tên Giấc mơ trưa nằm trong album Ôi đàn cò của nghệ sĩ Dương Thùy Anh, do Hồ Gươm Audio phát hành năm 2007. Tạm gác chuyện trùng khớp đoạn âm thanh được nhắc đến bên trên, câu chuyện lại mở ra một vấn đề khác về bản quyền.

Nghệ sĩ Dương Thùy Anh cho biết album trên do chị bỏ kinh phí sản xuất hoàn toàn, còn Hồ Gươm Audio chỉ là đơn vị phát hành, chia phần trăm trên doanh thu. Chị không ủy quyền cho bất kỳ cá nhân, đơn vị nào để khai thác sản phẩm này trên các nền tảng phi vật lý. “Vì sao BH Media lại có quyền khai thác, kiểm soát bản quyền với tài sản của tôi trên YouTube?”, chị bức xúc.

Ca sĩ Mỹ Lệ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị cho biết đã bị BH Media gắn cờ vi phạm bản quyền trên YouTube một số sản phẩm nằm trong hai album Về với em (2001) và Mỹ nhân ngư (2004), đều do Hãng phim Trẻ phát hành, trong khi chị là chủ sở hữu hai album này. Việc không được sử dụng ca khúc do mình đầu tư, sở hữu, vì quyền kiểm soát sản phẩm thuộc về một đơn vị chưa từng biết tên, chưa từng hợp tác, khiến nữ ca sĩ vô cùng bức xúc.

Dương Thùy Anh và Mỹ Lệ cho biết họ phát hiện hai album này còn được bán trên các nền tảng nghe nhạc số, trang thương mại điện tử như: Amazon, Spotify... Họ không hề biết việc này, cũng như không được thụ hưởng bất kỳ quyền lợi nào.


Album Về với em của ca sĩ Mỹ Lệ

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng bức xúc vì bị một công ty giành bản quyền ca khúc Tình yêu mang theo do anh sáng tác, với lý do nhạc sĩ đã bán độc quyền cho bên thứ ba; sau đó giao cho công ty này kiểm soát bản quyền. Trong khi anh cho biết chỉ bán độc quyền hai năm, và đã kết thúc thời hạn độc quyền từ năm 2007.

Nhà báo - biên tập viên âm nhạc Minh Đức cho biết rất nhiều nghệ sĩ đang gặp phải tình trạng tương tự. Các album được khai thác phần lớn nằm trong giai đoạn thị trường nhạc số chưa phát triển tại Việt Nam (đầu những năm 2000 trở về trước). Đó là thời điểm YouTube hay các nền tảng số khác vẫn còn rất xa lạ với thị trường nhạc Việt, dẫn đến tư duy bảo hộ sản phẩm của mình trên môi trường này gần như không tồn tại đối với các chủ sở hữu. Từ đó, các hợp đồng hợp tác cũng lỏng lẻo và nhiều kẽ hở. 

Không chỉ các sản phẩm ra đời cách đây nhiều năm, ngay ở thời điểm mà hợp đồng, luật định đã chặt chẽ hơn, thì vẫn diễn ra tình trạng tương tự.

Erik từng hợp tác với Tăng Nhật Tuệ trong Đừng xin lỗi nữa (nhạc Hàn, lời Việt). Hợp đồng quy định rõ Tăng Nhật Tuệ phải đảm bảo toàn bộ bản quyền phần lời Việt của các ca khúc cho phía Erik, không chuyển nhượng hoặc cho phép bất cứ bên nào khác. Nhưng sản phẩm khi đăng tải trên kênh YouTube của Erik vẫn nhận “gậy” vi phạm bản quyền từ một bên thứ ba, với tư cách đơn vị khai thác lợi nhuận Đừng xin lỗi nữa. 

Có thể giải quyết trên tinh thần hợp tác thiện chí

Trước sự việc được phản ánh thời gian qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Phan Mộng Thúy (Giám đốc Phương Nam Phim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam). 

Bà Phan Mộng Thúy chia sẻ: “Trước tiên, hai bên cần xem lại nội dung hợp đồng, xác định bản chất thực sự của vấn đề. Những năm 2000, thị trường nhạc số, kinh doanh nhạc số là những khái niệm còn quá xa lạ. Vì thế, có thể hợp đồng vẫn chưa nhắc đến những nội dung này. 

Có những trường hợp do hợp đồng được ký kết quá lâu, các bên không nhớ rõ nội dung, nên cần xác định lại chính xác. Trải qua một thời gian dài đổi cơ quan chủ quản, lãnh đạo, nên có thể xảy ra những sai sót nhất định. Sự nhầm lẫn, không nhớ rõ đều có xác suất xảy ra giữa hai bên. Hai bên có thể giải quyết trên tinh thần hợp tác, thiện chí, nếu không, có thể nhờ pháp luật can thiệp.

Theo xu hướng hiện tại, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng nổ như hiện nay, thì doanh thu từ môi trường số đang tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, không phải bản ghi nào cũng đều có doanh thu cao. Trong mọi trường hợp, các bên liên quan nên cùng ngồi lại trên tinh thần tôn trọng luật sở hữu trí tuệ, tôn trọng lẫn nhau và thiện chí để giải quyết hợp tình, hợp lý, tránh những tranh chấp ồn ào, đáng tiếc”.

Những đối thoại vô nghĩa

Về ca khúc Giấc mơ trưa nằm trong album của nghệ sĩ Dương Thùy Anh, câu hỏi được đặt ra là vì sao Hồ Gươm Audio - đơn vị chỉ giữ quyền phát hành album Ôi đàn cò dưới hình thức sản phẩm vật lý, không hề giữ quyền sở hữu - lại tự ý ủy quyền cho BH Media khai thác album này trên môi trường số? Chúng tôi đã hai lần đặt vấn đề với Hồ Gươm Audio về câu hỏi này, đều không nhận được câu trả lời. 

“Khổ chủ” ca sĩ Mỹ Lệ cũng phải tự đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc khiến chị bức xúc bấy lâu nay, nhưng không kết quả. Chị nhiều lần liên hệ Hãng phim Trẻ, yêu cầu đơn vị này xử lý. Nhưng gần hai năm qua, chị vẫn chưa nhận được sự phản hồi tích cực nào, cũng như không thể sử dụng sản phẩm thuộc sở hữu của mình theo ý mình muốn.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra hai tình huống. Nếu đơn vị phát hành cũng là đơn vị đầu tư, thì họ có quyền quyết định với sản phẩm này. Trước đây, các hãng đĩa thường bỏ kinh phí, sau đó mời ca sĩ hát và trả thù lao. Trong trường hợp này, đơn vị phát hành cũng chính là chủ sở hữu sản phẩm. Tuy nhiên, trường hợp nghệ sĩ đầu tư hoàn toàn - như Dương Thùy Anh với Ôi đàn cò và Mỹ Lệ với Mỹ nhân ngư, Về với em - thì nghệ sĩ mới là chủ sở hữu của sản phẩm này. Nếu đơn vị phát hành khai thác, thương mại hóa sản phẩm này mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đó là hành vi vi phạm pháp luật. 


Album Mỹ nhân ngư của ca sĩ Mỹ Lệ

“Việc này căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành để xử lý. Ca sĩ, nghệ sĩ nên yêu cầu đơn vị vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, đính chính thông tin, bồi thường thiệt hại”, luật sư Nguyễn Quốc Cường chia sẻ. 

Ông cũng cho biết, nghệ sĩ có quyền kiện cả đơn vị phát hành và đơn vị phối hợp khai thác bản quyền, vì đều xâm hại đến lợi ích hợp pháp của họ. Trong trường hợp bên hợp tác không biết hoặc bị lừa dối, có thể kiện ngược lại đơn vị phát hành để đòi bồi thường những thiệt hại đã gây ra do vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp nghệ sĩ không ký kết hoặc đánh mất hợp đồng, vì giao dịch diễn ra đã quá lâu, nghệ sĩ chỉ cần chứng minh được bản thu âm, sản phẩm hoàn chỉnh thuộc sở hữu của họ, là đủ căn cứ để giải quyết. 

“Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, chắc chắn tôi sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý, nhằm tránh những hành vi bất chính này tiếp tục diễn ra”, ca sĩ Mỹ Lệ chia sẻ. Chị xác định việc kiện tụng sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nhưng vẫn sẽ làm đến nơi, đến chốn. “Người ta thường thấy nghệ sĩ ngại kiện tụng, nhưng đã đến lúc việc đối thoại, nói suông không còn ý nghĩa”, chị nói.

Thị trường âm nhạc Việt hiện đã vận hành rất khác so với cách đây mười năm. Cánh cửa hội nhập thế giới đã mở rộng, các nền tảng mới cũng ra đời nhiều hơn và đa định dạng, đa tính chất hơn. Điều đó đồng nghĩa với vấn đề bản quyền phải chặt chẽ, được tôn trọng tuyệt đối. Dù trên thực tế, luật định về bản quyền đối với giới sản xuất âm nhạc tại Việt Nam hiện vẫn cứ như bài học vỡ lòng, quá mới mẻ và khó bắt kịp 

Ca sĩ Ánh Tuyết: Không được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ sản phẩm của mình

Nữ ca sĩ cho biết trong sự nghiệp, bà từng hợp tác với một số đơn vị để phát hành album, cũng có album tự sản xuất. Hiện tại, nhiều ca khúc trong các album được sử dụng trên YouTube, các trang nghe nhạc số, khai thác nhạc chuông, nhạc chờ. Tuy nhiên, bà không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ sản phẩm của mình, hiện cũng không nắm rõ đơn vị nào đang khai thác. “Tôi cũng từng có ý kiến, tìm hiểu, nhưng thấy không có kết quả nào khả quan. Sự việc lại rắc rối, kéo dài nên tôi quyết định không bận tâm nữa”, bà chia sẻ. 

Theo Trung Sơn/Phunuonline.com.vn