ĐỜI SỐNG

Nhiều người vỡ mộng vì làm vườn trên ban công chung cư

Nguyễn Hậu • 14-10-2023 • Lượt xem: 1543
Nhiều người vỡ mộng vì làm vườn trên ban công chung cư

Nhiều người sống ở chung cư không tiếc tiền bạc và thời gian để tạo một khu vườn nhỏ trên ban công, thực tế họ đã "vỡ mộng" vì cây cứ chết dần.

Giữa không gian đô thị ngột ngạt với các khối nhà bê tông cốt thép thì các khoảng không gian xanh ngày càng hiếm hoi nhất là nhà ống và căn hộ chung cư. Vì vậy nhiều người khi chuyển đến chung cư ở đã lên ý tưởng tạo một góc vườn nhỏ xinh trên ban công để thỏa mãn đam mê trồng trọt và có một góc thư giãn ngắm khung cảnh từ trên cao.

Giấc mơ làm vườn của người thành phố

Chị Khánh Huyền, Mễ Trì, Hà Nội ngay khi vừa dọn về căn hộ mới mua đã lập tức sắm sửa chậu, đất, cây cảnh, bàn ghế, đèn trang trí các loại để thiết kế khu vườn nhỏ ngoài ban công. Chị Huyền đã mạnh tay chi cả chục triệu đồng và bỏ thời gian để mày mò cách đóng kệ treo tường, làm giàn leo, cách trồng cây và sắp xếp các chậu cây để có chỗ ngồi uống trà chiều tại nhà. Tuy nhiên chỉ sau một tháng các cây trồng cứ lần lượt héo úa và chết dần dù được chị chăm sóc rất chu đáo cẩn thận. Chị Huyền đã 5 lần thay các loại cây mới, thậm chí lắp hẳn hệ thống tưới nước tự động và ủ phân hữu cơ từ thức ăn thừa nhưng vẫn không thành công. Chị Huyền chia sẻ: chị mất nhiều công sức thời gian chăm sóc nhưng cây vẫn chậm lớn, héo úa, chết dần, bụi đất dính đầy lối đi chị đành chấp nhận từ bỏ giấc mơ làm vườn.

Hồ cá trên ban công nếu không có thời gian chăm sóc sẽ gây mùi hôi tanh.

Anh Tú, Q.7, TP.HCM đã chi hàng chục triệu đồng thuê nhà thầu thiết kế tiểu cảnh, hồ cá, vườn cây nhưng hoàn thành chưa được bao lâu thì anh đã liên tục gặp rắc rối. Đầu tiên anh bị hàng xóm tầng dưới phàn nàn về việc lá cây rơi xuống gây mất vệ sinh ngoài ra hồ cá thường bốc mùi hôi tanh gây khó chịu khiến anh phải đóng cửa liên tục. Anh Tú đành phải thuê người dọn dẹp và để trống ban công.

Anh Tô Duy, Hà Nội chia sẻ: "Nhà tôi mua mấy chậu cây về trồng được vài tháng chết héo, lại mua chậu mới... riết chán rồi thôi không trồng gì nữa".

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều người trồng cây thất bại

Ông Huỳnh Xuân Hải, kiến trúc sư công ty cổ phần thiết kế - xây dựng và đào tạo Kiến Thiết Việt cho biết: "Ban công thực chất là lối thoát hiểm khi gặp phải sự cố đồng thời là không gian dùng để kết nối giữa bên trong và bên ngoài căn hộ. Nhiều chủ căn hộ lại muốn tận dụng diện tích tối đa để trồng cây phủ kín mặt sàn và tường thậm chí còn làm cả hồ cá, trồng sen, làm tiểu cảnh... gây mất thẩm mỹ, mất an toàn, thiếu không gian cho cây sinh trưởng và phát triển". Ông cho rằng khu vực này chỉ nên trồng các cây trong chậu nhỏ có chất liệu mềm để nếu rơi xuống sẽ tránh gây nguy hiểm cho người bên dưới. Ngoài ra bàn ghế cũng dùng loại kích thước nhỏ gọn để hạn chế làm chỗ leo trèo cho trẻ con, tránh cho trẻ mải chơi trượt ngã khỏi ban công.

 

Nên trồng những chậu cây nhỏ, số lượng vừa phải trên ban công.

Chị Thu Hà, nhà sáng lập một đơn vị thiết kế cảnh quan tại Hà Nội cho biết:  Có 90% gia chủ gặp khó khăn trong việc trồng và chăm sóc vườn cây trên ban công trong đó lỗi sai lớn nhất là nhầm tưởng rằng chỉ cần mua cây về cho vào chậu là cây sẽ sống tốt. Trên thực tế làm vườn đòi hỏi có kiến thức và quy trình cụ thể sau: Khảo sát hướng nắng, chọn cây phù hợp, áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau cho từng loại cây khác nhau. Cụ thể, nếu căn hộ có ban công hướng Tây nhiều nắng thì nên chọn các loại cây ưa nắng như hoa giấy, dừa cạn... Nếu căn hộ có ban công hướng Đông Nam mát mẻ thì nên chọn cây thuộc dòng lá không cần nhiều nắng như: ngũ gia bì, trầu bà, thường xuân, hạnh phúc, dương xỉ...

Hoa giấy là lựa chọn tuyệt vời cho căn hộ hướng Tây.

Ngoài ra việc xử lý đất cũng rất quan trọng, chuyên gia Thu Hà cho rằng không nên dùng đất thịt mà cần trộn với những vật liệu sạch đã qua xử lý nhằm tăng thoáng xốp giữ ẩm cho đất, rễ cây và hạn chế sâu bệnh. Thêm vào đó cần tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh trưởng của từng cây để đưa ra cách chăm sóc bón phân, tưới nước sao cho phù hợp. Ví dụ với cây ưa nắng thì cần tưới nhiều nước, với cây ưa cạn cần tưới đủ ẩm, với cây ưa ẩm thì cần tưới đủ se toàn bộ đất.