GIẢI TRÍ

Nhớ anh, Nhà báo Hoàng Hoài Sơn

Lữ Đắc Long • 20-06-2019 • Lượt xem: 1192
Nhớ anh, Nhà báo Hoàng Hoài Sơn

Cứ mỗi năm đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (hay vẫn được gọi là ngày nhà báo) là lại nhớ đến anh, nhà báo Hoàng Hoài Sơn. 6 năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ về một nhà báo có vẻ ngoài “xù xì” đen nhẻm, cao to nhưng bên trong ẩn chứa cả kho tàng kiến thức...

Nhớ cái ngày nhà báo Nguyễn Nguyên thông báo anh mất, giọng tôi như nghẹn lại. Không bất ngờ nhưng người như gục hẳn, một người anh thân mến, một nhà báo đa tài... Dường như ai trò chuyện cùng anh cũng đều có một cảm giác được học hỏi, bởi kiến thức của anh quá ư phong phú. Anh chưa từng làm thầy của ai, các nhà báo trẻ đều ít nhiều học được ở anh một vài điều hữu ích, không chỉ ở nghề mà còn học ở đời. Cách nói chuyện của anh thẳng thắn và cởi mở, gần như gặp anh một lần là có thể nhớ suốt đời.

Sau hung tin anh bị ung thư phổi, 5 nhánh phải cắt đi một, rồi hai cục hạch nhỏ li ti gì đó cứ nằm yên một chỗ, không chịu tan biến cũng không chịu nhỏ đi (ác thay), anh phải vất vả với những cuộc hóa trị trường kỳ. Nếu là người khác có lẽ đã gục từ lâu, vậy mà anh vẫn để cái đầu trọc, đi uống café như để an ủi ngược lại anh em. Anh vẫn thi thoảng lên tòa soạn trực bài và vẫn âm thầm trực chiến với căn bệnh bằng nhiều phương pháp.

Ngày đi Singapore về, hơn ai hết anh là người hiểu rõ bệnh tình của mình, vậy mà anh vẫn kiên trì vạch kế hoạch chống chọi với sự thật phũ phàng. Dường như bao kiến thức tổng hợp anh có được, đều tập trung cho dự án cuối đời, ra mắt ấn phẩm K+ sức khỏe, một tạp chí tưởng chừng như “lạc quẻ” so với tính thời sự của những đồng nghiệp. Chỉ những ai hiểu về anh mới thấm được cái đau của một người từng đứng đầu những thông tin “đầu sóng ngọn gió” như anh giờ phải chịu ngồi nhà… trị bệnh. Quyển tạp chí số 1 ra đời, tôi ngấu nghiến từng chữ với bao thông tin thiết thực và hữu ích dành cho những người đang bị bệnh, hoặc đang nuôi người bệnh. Cầm quyển tạp chí trên tay, tôi “xin” anh được cộng tác, nhằm ủng hộ tinh thần anh trên mặt trận… chống căn bệnh nan y.

Bài viết NSND Lý Huỳnh 30 năm sống với căn bệnh tiểu đường đã trở thành bài cuối cùng tôi được cộng tác với người anh, người thầy đáng kính nhất. Cần trên tay ấn phẩm K+ sức khỏe lần 2 ngay trước quan tài của anh lòng tôi như thắt quặn, anh đã nằm đây và sẽ ra đi mãi mãi không về. Không còn những buổi café sáng, không còn những buổi chuyện trò anh em… Một cô nhà báo trẻ cứ khóc thảm trên bờ vai tôi vì hối hận khi không kịp có mặt để nhìn anh lần cuối. Theo cô, 10 năm vào nghề báo, cô chưa thấy ai nhiệt tình và tốt bụng như anh Sơn, được anh chỉ tận tình, không tính toán và luôn theo dõi từng bước đi của đàn em.

Hoàng Hoài Sơn là một trong 3 người thầy có dấu ấn đậm nhất trong nghề báo của tôi, dù có lúc tôi gọi vui anh là “ông thầy ghẻ”, bởi tôi chưa chính thức làm lính anh bao giờ. Là bề trên nhưng sẵn sàng lùi xuống, để em út tự phát huy. Và trong hàng ngàn cuộc nói chuyện, chưa bao giờ tôi thấy anh “khoe mẽ” như người khác. Anh từ trần ngày 16/9/2013, hưởng dương 54 tuổi.

Hoàng Hoài Sơn sinh năm 1960 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp đại học Nhân văn tại Nga, thạc sĩ Sử học, từng công tác tại báo Thể thao & Văn hóa, báo Thanh Niên và tạp chí Nghề báo. Anh là tác giả của “Những chuyện kỳ bí nhất thế giới” (NXB Thanh Niên 2010), “Cuộc sống và bí quyết kinh doanh của những người giàu nhất thế giới” (NXB Thanh Niên 2011),  tuyển chọn công trình: Hoàng Châu Ký - Những công trình nghiên cứu đặc sắc nhất về  nghệ thuật tuồng, có thơ đăng trên báo Văn Nghệ, cùng một số báo khác.

Thường, độc giả của Hoàng Hoài Sơn ở Thanh Niên vẫn rất thích đọc các bài viết về vũ khí - chiến tranh, với kho tàng dữ liệu khổng lồ ít nhiều liên quan đến Nga. Trên thực tế, sở trường của Hoàng Hoài Sơn là những bài báo ở mảng văn nghệ, phim ảnh, sách, văn học, khảo cổ.

Nhà báo Trần Hải đã có những lời cuối cùng anh: “Anh Sơn đã chiến đấu đến cùng, nhưng không thể chiến thắng, bởi trời đã lỡ gọi tên anh rồi. Trước lúc lâm chung, Hoàng Hoài Sơn có một ước vọng: Sẽ có ai đó thay mình tiếp quản, tổ chức bài vở cho ấn phẩm K+ Sức khỏe, cuốn cẩm nang mà anh cho rằng rất hữu ích cho những ai đồng bệnh, cùng hoàn cảnh như anh niềm lạc quan tươi trẻ, yêu đời, vượt lên cả nỗi đau bệnh tật…”.