ĐỜI SỐNG

Những cách dạy con lỗi thời vẫn được nhiều cha mẹ áp dụng

Thúy Vy • 10-09-2022 • Lượt xem: 294
Những cách dạy con lỗi thời vẫn được nhiều cha mẹ áp dụng

Cuộc sống ngày càng hiện đại khiến những cách dạy con tưởng chừng như là chuẩn mực lại trở nên lỗi thời. Các phương pháp, quan điểm nuôi dạy con từ thời “ông bà anh” trong thời buổi hiện nay không những làm giảm cơ hội phát triển toàn diện mà còn vô tình gây tác hại xấu cho tương lai của con trẻ.

Loại bỏ mọi trở ngại giúp con

Với suy nghĩ "con cứ việc học, cứ việc chơi, còn lại để cha mẹ lo", ở giai đoạn tập đi những bước chân đầu đời, cha mẹ thường sợ con vấp phải những chướng ngại vật như ghế, bàn, đồ chơi… và ngã nên giúp con tránh chúng. Những tưởng đó là một hành động bình thường, thế nhưng nó lại gây ra tác hại hết sức nghiêm trọng. Sự bao bọc này của cha mẹ sẽ hình thành bên trong đứa trẻ tâm lý phụ thuộc, ỷ lại, không dám đương đầu với thử thách.

Tương tự thế trong việc học hành. Cha mẹ thường bảo ban con cái chỉ cần tập trung vào học thật tốt, còn lại cha mẹ sẽ cố gắng làm hết mọi thứ cho con. Đến khi con lên đại học, cha mẹ cũng cổ súy cho việc làm thêm của con, cho rằng mất thời gian và không cần thiết. Điều này khiến đứa trẻ coi việc học hành của mình là quan trọng nhất, không quan tâm người cha người mẹ đang phải khổ cực thế nào, sinh ra tâm lý ỷ lại.

Chính sự “hỗ trợ” vô điều kiện này đã vô tình làm nên sự ích kỷ bên trong trẻ, hình thành thói quen muốn gì được nấy. Cứ thế, đứa trẻ sẽ mãi mãi chỉ là một đứa bé to xác. Đến tuổi trưởng thành, trẻ sẽ trở nên thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình, vòi vĩnh, thiếu các kỹ năng xã hội, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân và sẵn sàng chống đối lại khi điều mình muốn không được như ý.

Vì lẽ đó, ngay từ nhỏ, các phụ huynh nên dạy cho trẻ cách tự mình vượt qua các chướng ngại vật, biết quý trọng sức lao động, hiểu được giá trị của vật chất, tiền bạc và có sự tôn trọng cha mẹ, người thân. Ngoài ra, nên cho phép con được va chạm, làm thêm từ sớm, để con không chỉ tiếp thu những kiến thức thực tiễn cụ thể mà còn luyện tập kỹ năng giao tiếp, tư duy phê phán, phản biển và tăng tính tự lập. Chỉ nên đưa ra những lời khuyên góp ý để trẻ tự có cái nhìn đúng đắn về các vấn đề xung quanh. Từ đó hình thành tính tự lập, cố gắng, kiên trì cũng như phát triển các kỹ năng mềm. Hỗ trợ tốt cho tương lai của trẻ.

Nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan

Suy nghĩ của hầu hết các bậc phụ huynh là một đứa trẻ biết vâng lời, “bảo sao làm vậy” chính là chuẩn mực của một đứa trẻ ngoan ngoãn và thông minh. Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Laura Markham - tác giả cuốn sách Cha mẹ bình yên, con hạnh phúc - những đứa trẻ ngoan ngoãn, răm rắp nghe lời bố mẹ, khi lớn lên sẽ rất dễ biến thành "những người lớn vâng lời". Điều này có nghĩa, những đứa trẻ quá ngoan, quá vâng lời, khi trưởng thành sẽ là những người không có chính kiến, thiếu tính tự lập, thiếu quyết đoán và không dám đấu tranh cho quyền lợi cá nhân, hoặc tệ hơn là dễ trở thành những "kẻ khờ" bị người khác thao túng.

Tất nhiên “kính trên nhường dưới” luôn là một đức tính tốt đẹp và cần phải có trong mỗi con người. Nhưng điều này không có nghĩa cha mẹ nên giáo dục con trẻ phải vâng lời mình một cách tuyệt đối. Bởi lẽ, mỗi người đều có một suy nghĩ và chính kiến của riêng mình, sự bắt ép con trẻ phải tuyệt đối nghe lời vô tình cha mẹ đang nặn đúc con trở thành một hình nhân theo ý muốn của mình chứ không cho con cái được phép sống cuộc sống mà chúng muốn.

Hệ quả của việc này sẽ khiến cho đứa trẻ trở nên thụ động, hèn nhát, không dám đưa ra quan điểm, chính kiến của mình, không thể tự mình quyết định, thậm chí còn trở thành nạn nhân để những người xung quanh điều khiển, sai khiến. Sẽ thật đáng sợ khi những đứa trẻ trở nên lãnh cảm với mọi thứ quanh mình, không dám lên tiếng, ngay cả những điều khiến chúng bức xúc.

Đó là lí do vì sao các bậc cha mẹ thay vì bắt con phải răm rắp vâng lời thì nên chọn cách dạy con cách nói không khi cần và sẵn sàng bày tỏ, đưa ra suy nghĩ, quan điểm cá nhân, dám dũng cảm lên tiếng, chia sẻ, truyền cảm hứng và sống với những gì mình suy nghĩ.

Điểm số và thành tích là vô cùng quan trọng

Áp lực học tập từ cha mẹ chính là một trong những bi kịch lớn nhất mà rất nhiều trẻ em phải đối diện. Điểm số trong mắt nhiều bậc phụ huynh chính là thước đo độ thông minh của con. Đó là một suy nghĩ vô cùng sai lầm và gây nên nhiều hệ lụy không hay lên tinh thần và tương lai của đứa trẻ.

Theo tiến sĩ Stephanie O'Leary – nhà tâm lý học lâm sàng - mỗi đứa trẻ đều có một thế mạnh khác nhau, không đơn thuần chỉ thể hiện trên điểm số. Bên cạnh những con điểm, kỹ năng giải quyết vấn đề, tình huống, kinh nghiệm sống, hay những năng khiếu nổi trội của trẻ cũng rất đáng được phụ huynh dành sự quan tâm. Trên thực tế, rất nhiều sinh viên có thành tích học tập xuất sắc vẫn thất nghiệp hoặc chỉ kiếm được một công việc tạm bợ sau khi ra trường vì thiếu kỹ năng mềm, hoặc không đủ năng lực làm việc.

Nếu cha mẹ chỉ chú trọng vào điểm số, thành tích, muốn con vào “trường chuyên lớp chọn”, phải vào được đại học mà không quan tâm đến sở thích và năng khiếu của con. Đến khi ra trường, đứa trẻ bị mất định hướng và không biết mình muốn trở thành ai, chỉ biết chọn theo theo sự áp đặt của cha mẹ. Một lựa chọn không xuất phát từ ước mơ, nhu cầu và khả năng của bản thân mà từ sự sắp đặt của người khác có thể sẽ khiến đứa trẻ hối tiếc về sau.

Để tránh sự việc không nên xảy ra, cha mẹ thay vì tạo áp lực về điểm số và thành tích, nên cho con có cơ hội tự do lựa chọn cái phù hợp với khả năng của mình. Giúp con hiểu rằng điểm số kém trong một môn nào đó hay một ngày nào đó hoàn toàn không ảnh hưởng tới tình cảm mà cha mẹ dành cho con và cũng không ảnh hưởng tới việc thành công của con sau này.