ĐỜI SỐNG

Những con số này nói với bạn điều gì?

Yellowly (Tổng hợp) • 10-05-2023 • Lượt xem: 3034
Những con số này nói với bạn điều gì?

Những con số trên nói với bạn điều gì? Con người đang tàn phá trái đất một cách nặng nề, mặc dù những nỗ lực đã được đưa ra nhưng vẫn là chưa đủ. Tốc độ tàn phá nhanh hơn tốc độ phục hồi. Đã đến lúc cần sự chung tay và những nỗ lực bảo vệ môi trường sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết của công dân trên toàn cầu.

10 là số lượng cá thể cá heo Vaquita còn lại trên Trái Đất

Đây là loài động vật biển có vú nhỏ nhất thế giới, môi trường sống duy nhất của nó là ở Vịnh California, Mexico. Quần thể cá heo này đã thiệt hại một cách tàn khốc, mất đi 99% cá thể, chỉ còn khoảng 10 con trên thế giới. Nguyên nhân do phương pháp đánh bắt lưới rê thường được sử dụng để đánh bắt tôm và cá Totoaba - cũng là một loài cá có nguy cơ tuyệt chủng với các đặc tính chữa bệnh được bán với giá rất cao - những loài này sống cùng khu vực với cá Vaquita. Mặc dù chính phủ đã cấm đánh bắt hải sản bằng lưới rê - và cấm đánh bắt cả cá totoaba - nhưng hành động này không hề có tác dụng, cá Vaquitas cũng thường rơi vào lưới và số lượng cá thể của chúng giảm đến mức đáng báo động.

Cá heo Vaquita có số lượng cá thể đáng báo động 

9% là số lượng chất thải nhựa được tái chế trên toàn cầu

Hàng ngày trên khắp thế giới, có vô rác thải do con người thải ra, trong đó có rất nhiều chất thải nhựa. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có một số lượng nhỏ trong đó là được tái chế. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết chỉ có 9% lượng chất thải nhựa được tái chế, 19% khác được đốt, 50% ở các bãi chôn lấp và 22% còn lại được xử lý không đúng quy định. 

Năm 2019, có 6,1 triệu tấn chất thải nhựa rò rỉ vào môi trường nước và 1,7 triệu tấn chảy vào đại dương. Hiện ước tính có khoảng 30 triệu tấn chất thải nhựa ở biển và đại dương, và hơn 109 triệu tấn đã tích tụ trong các con sông. Sự tích tụ của nhựa ở các con sông ngụ ý rằng sự rò rỉ vào đại dương sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới.

Chỉ 9% lượng rác thải nhựa được tái chế

8 là số năm liên tiếp được xác nhận là khoảng thời gian nóng kỷ lục

8 năm qua được cho là kỷ lục nóng nhất trên toàn cầu, được gây ra bởi hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng và nhiệt tích tụ, theo sáu bộ dữ liệu nhiệt độ quốc tế hàng đầu do WMO tổng hợp. 8 năm nóng nhất được ghi nhận xảy ra kể từ năm 2015, theo báo cáo của các nhà khoa học từ Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), và năm 2016 vẫn là năm nóng nhất từ ​​trước đến nay.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Năm 2022 là năm thứ 8  liên tiếp (2015-2022) nhiệt độ toàn cầu hàng năm cao hơn mức thời kỳ tiền công nghiệp ít nhất 1°C.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục ở mức cao làm gia tăng cháy rừng, bão ngày càng mạnh, hạn hán tàn phá, mực nước biển dâng cao,… ảnh hưởng trực tiếp đến con người và muôn loài trên trái đất.

7 triệu là số lượng người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Ước tính cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 9 người tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí vượt quá hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này đang làm giảm tuổi thọ và gây tổn hại cho các nền kinh tế trên khắp hành tinh. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc hiện xếp ô nhiễm không khí ngang hàng với việc hút thuốc hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh. WHO đã ban hành hướng dẫn chất lượng không khí lần cuối vào năm 2005, hướng dẫn này có tác động đáng kể đến các chính sách môi trường trên toàn thế giới. Tuy nhiêu sau nhiều năm nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí vẫn có thể tác động đến sức khỏe thậm chí ở nồng độ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn họ đưa ra trước đó. Do đó, Cơ quan của Liên Hợp Quốc đã củng cố các hướng dẫn về chất lượng không khí cho phù hợp.

Ô nhiễm không khí gây ra cái chết cho 7 triệu người mỗi năm

6% là số diện tích đất rừng mưa nhiệt đới còn lại trên Trái Đất

Rừng mưa nhiệt đới từng bao phủ 14% diện tích bề mặt Trái Đất; bây giờ chúng chỉ chiếm 6% và các chuyên gia ước tính rằng những khu rừng nhiệt đới cuối cùng còn lại có thể bị tiêu thụ trong vòng chưa đầy 40 năm.

Rừng mưa nhiệt đới là một khu vực có nhiều cây cao, chủ yếu là cây thường xanh và có lượng mưa lớn. Rừng mưa nhiệt đới là hệ sinh thái sống lâu đời nhất trên Trái Đất, nó đã tồn tại trên Trái Đất hàng trăm triệu năm. Chúng vô cùng đa dạng và phức tạp, là nơi sinh sống của hơn một nửa số loài động thực vật trên thế giới. Có lẽ một trong những khía cạnh quan trọng nhất của rừng mưa nhiệt đới là chúng nằm trong số các quần xã sinh vật đa dạng sinh học nhất trong số tất cả các quần xã sinh vật trên cạn. Rừng mưa nhiệt đới là nhà và nguồn thu nhập cho nhiều cộng đồng bản địa cư trú ở đó. Rừng mưa nhiệt đới sản xuất khoảng 1/4 tổng số thuốc mà con người sử dụng. Thảm thực vật tươi tốt và xanh tươi này được cho là có thể ổn định nhiệt độ toàn cầu của chúng ta do khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời. Những khu rừng nhiệt đới này cũng đóng vai trò là bể chứa carbon và có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2, một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Các hoạt động của con người thải ra ngày càng nhiều CO2, đây là nguyên nhân làm gia tăng hiệu ứng nhà kính và dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Rừng mưa nhiệt đới có thể hấp thụ phần lớn lượng khí carbon dioxide này, sau đó được chuyển thành oxy thông qua quá trình quang hợp, tạo ra khoảng 40% lượng oxy của toàn cầu.

5 là số đại dương trên Trái Đất

Trái đất chúng ta có 5 đại dương, và hơn 70 phần trăm bề mặt Trái Đất của chúng ta được bao phủ bởi các đại dương. Đại dương không chỉ có vai trò quan trọng đối với những cư dân sống gần nó mà còn với sự sống trên toàn địa cầu.

Đại dương chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 50% lượng oxy được tạo ra trên hành tinh. Điều đó nhờ vào thực vật phù du -  là một loài thực vật cực nhỏ sống trong đại dương của chúng ta. Chúng hoạt động giống như thực vật trên cạn, hấp thụ CO2 và sau đó chuyển đổi nó để tạo ra Oxy cung cấp cho sự sống của sinh vật dưới biển cũng như trên cạn, trong đó có con người. Đại dương cũng giúp điều chỉnh các kiểu khí hậu và thời tiết của chúng ta. Đại dương hấp thụ tất cả nhiệt từ bầu khí quyển và vận chuyển nó từ cực này sang cực khác theo các dòng hải lưu. Các đại dương của chúng ta cũng có ảnh hưởng đến mưa và hạn hán. Điều quan trọng không kém đó là đại dương là một hệ sinh thái động thực vật hết sức đa dạng, là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào, duy trì hệ thống thực phẩm của chúng ta. Cũng là nơi kiếm sống, cải thiện kinh tế của người dân lân cận. Việc con người không ngừng thải các hóa chất, rác thải vào đại dương nói riêng và môi trường xung quanh nói chung, khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc phải hấp thụ lượng CO2 dư thừa trong khí quyển làm cho nước ở đại dương có tính axit cao hơn khoảng so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các sinh vật sống ở cái đại dương cũng chiệu ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ, sự cố tràn dầu sẽ khiến động vật biển chết ngạt do dầu thấm vào mang của chúng. Mỗi một sinh vật  thuộc về một chuỗi thức ăn và hệ sinh thái. Tất cả chúng đều có vai trò trong vòng đời và bất kỳ thay đổi nào đối với các hệ sinh thái này đều có thể gây ra tác hại rất lớn, không chỉ đối với các sinh vật dưới nước mà cả con người.

Đại dương đóng vai trò quan trọng và gắn bó mật thiết với con người

4 độ chính là mức nhiệt độ sẽ tăng lên vào năm 2100

Dựa theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu và Phân tích Khí hậu Potsdam về tác động sức khỏe, xã hội và môi trường của biến đổi khí hậu do sự nóng lên toàn cầu 4°C gây ra, các chuyên gia đồng ý rằng việc Trái Đất nóng lên 4°C vào năm 2100 là một khả năng có thật.

4°C  nghe có vẻ không nhiều - xét cho cùng, nó ít hơn sự thay đổi nhiệt độ điển hình giữa ngày và đêm. Tuy nhiên, sự nóng lên trung bình của toàn bộ địa cầu ở mức 4oC sẽ khiến hành tinh này trải qua thời kỳ khủng hoảng so với bất kỳ thứ gì mà con người từng trải qua.

Báo cáo cho biết những hậu quả được dự đoán của việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên 4°C thực sự rất tàn khốc. Một số ước tính chỉ ra rằng nhiệt độ tăng thêm 4°C sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước hiện có ở nhiều khu vực, đặc biệt là phía bắc và phía đông châu Phi, Trung Đông và Nam Á, trong khi các quốc gia khác ở Châu Phi sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trên quy mô toàn quốc do gia tăng dân số. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự mất mát đa dạng sinh học trên quy mô lớn có thể xảy ra khi nhiệt độ tăng thêm 4°C. Biến đổi khí hậu và nồng độ CO2 cao sẽ đẩy các hệ sinh thái của Trái Đất vào trạng thái mà con người chưa từng trải qua. Các hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn, chẳng hạn như mất rừng do hạn hán và cháy rừng, và tác động của những điều này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do những thay đổi trong sử dụng đất và mở rộng nông nghiệp; tăng tính dễ bị tổn thương đối với sức nóng và hạn hán sẽ có khả năng dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong và tuyệt chủng loài.

 3 cây xanh có thể cắt giảm tới 50% nhu cầu điều hòa không khí vào mùa hè

Cây xanh làm mát không khí xung quanh bằng cách chặn ánh sáng mặt trời và làm mát do thoát hơi nước. Cây cối, với tán của chúng (phần bao gồm cành và lá), ngăn nhiệt truyền tới mặt đất, đường xá và các tòa nhà - những nơi có khả năng hấp thụ nhiệt rất tốt và phản xạ rất ít nhiệt. Một số loài cây có tán rộng, lá rộng, nhiều lá thì hiệu quả càng cao. Ví dụ, cây sồi chặn tới 97% ánh sáng chiếu vào chúng. Cùng với việc cung cấp bóng râm, việc làm mát thêm xảy ra khi nước bốc hơi khỏi bề mặt lá. Ba cây xanh được đặt một cách hợp lý xung quanh một ngôi nhà có thể cắt giảm tới 50% nhu cầu điều hòa không khí vào mùa hè. Người ta đã phát hiện ra rằng những khu vực có nhiều cây che phủ thường mát hơn 9 độ so với khu vực thành thị.

 2 thế kỷ là khoảng thời gian để một ống hút nhựa phân hủy

Có thể sau khi bị vứt vào thùng rác, rác thải có vẻ như sẽ biết mất khỏi cuộc đời bạn, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại ở đó có thể là hàng nhiều thế kỷ. Hầu hết nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ để tạo độ bền, điều đó cũng có nghĩa là phần lớn nhựa sẽ không bị phân hủy sinh học như các sản phẩm tự nhiên. Rất khó để loại bỏ nó hoàn toàn ngay lập tức đó vì nó tồn tại trên hành tinh này trong một thời gian rất dài. Ống hút nhựa hầu như không bao giờ được đưa vào thùng tái chế vì kích thước quá nhỏ của chúng. Chúng ra sử dụng ống hút mỗi ngày thậm chí khi không thật sự cần nó. Bạn có tin được một ống hút nhựa bé bằng ngón tay út có thể mất đến 200 năm để phân hủy?

Ống hút nhựa mất 200 năm để phân hủy

1 Trái Đất mà chúng ta có thể sống

Những con số trên nói với bạn điều gì? Con người đang tàn phá trái đất một cách nặng nề, mặt dù những nỗ lực đã được đưa ra nhưng vẫn là chưa đủ. Tốc độ tàn phá nhanh hơn tốc độ phục hồi. Chúng ta vẫn còn 10 chú cá heo Vaquita, vẫn còn cơ hội để bảo vệ và giúp chúng sinh sản ra các thế hệ mới. Chúng ta vẫn còn 6% diện tích rừng mưa nhiệt đới và còn có thể nỗ lực để bảo tồi và phủ xanh thêm diện tích đất rừng. Và rất còn nhiều nữa những gì con người đã tàn phá nhưng đâu đó ta thấy vẫn còn có cơ hội để chúng ta cứu vãn. Tuy nhiên trái đất thì chỉ có 1 mà thôi, cho đến khi có thể tìm ra được một hành tinh với các điều kiện giống hệt trên trái đất, chúng ta thực sự chỉ có 1 lựa chọn duy nhất.

Trái Đất là ngôi nhà chung duy nhất của nhân loại tính tới thời điểm hiện tại

Năm 2022, Ngày Môi trường thế giới (05/6) được phát động với chủ đề “Chỉ một Trái Đất”. Trong vũ trụ là hàng tỷ thiên hà, trong thiên hà của chúng ta là hàng tỷ hành tinh, nhưng chỉ có một Trái Đất - đó là thông điệp cần truyền tải của chủ đề trên. Chúng ta biết rằng cuộc sống con người đòi hỏi những điều kiện rất đặc biệt để tồn tại. Tất cả các sinh vật sống đều cần một số loại thức ăn, nước, bầu không khí và nhiệt độ thích hợp. Ví dụ, con người cần hít thở oxy và có thể tồn tại ở nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh. Ngay cả sức mạnh của trọng lực cũng quyết định hình dạng của cơ thể chúng ta, chẳng hạn như xương và sức mạnh cơ bắp của chúng ta. Các hành tinh khác không có điều kiện chính xác như Trái đất nên sự sống ở đó sẽ hơi khác. Ví dụ, những nơi này có thể có bầu không khí khác nên sẽ không có đủ lượng oxy để chúng ta thở. Tất cả các sinh vật sống trên trái đất đã thích nghi với bầu khí quyển của chúng ta, điều đó có nghĩa là tất cả các sinh vật sống đều cần hỗn hợp khí quyển trên trái đât. Cuộc sống ở những nơi khác sẽ được điều chỉnh cụ thể cho phù hợp với điều kiện của họ. Các nhà khoa học đang tìm kiếm các ngoại hành tinh,  xung quanh các ngôi sao khác ở khoảng cách phù hợp để có nhiệt độ phù hợp cho sự sống tồn tại. Vì vậy, vẫn có thể có sự sống trên các hành tinh khác, nhưng nó có thể sẽ rất khác so với sự sống trên Trái đất! Và cho đến khi chúng ta tìm được nó, chúng ta vẫn chỉ có một hành tinh để chung sống hạnh phúc đó là trái đất. Hãy chăm sóc nó thật tốt nhé.