Khi các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, con người càng dễ dàng tiếp cận hơn với những thứ mình muốn tìm kiếm. Nhưng điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy do độ bảo mật thông tin không cao, tạo điều kiện cho những ý đồ xấu phát triển.
Thời gian qua, các câu chuyện về những cuộc điện thoại “trị giá” vài trăm triệu đến vài tỷ đồng ngày càng nhiều, gây nên vô số lo ngại cho người dùng về tính an toàn trên các tài khoản mạng xã hội.
Mới đây, ngày 5/8, Công an quận Thanh Khê (Thành phố Đà Nẵng) đang vào cuộc xác minh, điều tra về một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua internet. Theo thông tin trình báo từ chị N.T (ngụ phường Thanh Khê Tây), ngày 4/8 chị bị nhiều đối tượng liên lạc qua điện thoại nhầm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng.
Qua lời khai của chị T, ngày 4/8 có cuộc gọi từ một số lạ đến điện thoại cá nhân của chị. Khi chị bắt máy, đối tượng ở đầu dây bên kia cho biết chị có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn. Chị nói mình chưa từng liên quan đến vụ việc trên thì đối tượng nói rằng thông tin cá nhân của chị đã bị lộ và đề nghị chị nối máy để liên lạc với một "cán bộ" nào đó thuộc Công an thành phố Đà Nẵng. Tiếp theo sau đó, vị “cán bộ” nói chị T có liên quan đến vụ án ma túy và yêu cầu chị tải phần mền có tên "ứng dụng bảo mật" về điện thoại cá nhân. Vì lo sợ, chị đã răm rắp nghe theo các chỉ dẫn và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng vào ứng dụng trên.
Ngay sau đó, tài khoản ngân hàng của chị T bị trừ liên tiếp 4 lần với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tá hỏa khi bị mất tài sản lớn, chị T vội vàng trình báo sự việc lên Công an địa phương.
Tương tự như chị T, ngày 3/8, ông Ma Xuân Đông (ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM), sau khi nghe cuộc điện thoại từ số lạ xưng là cán bộ công an đã mất gần 2 tỷ đồng trong tài khoản.
Công an quận 12, TP.HCM, cho biết hiện đang xác minh, điều tra một vụ việc giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 2 tỷ đồng.
Ông Đông cho biết, ngày 9/7 ông nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo số điện thoại của ông đang sử dụng sẽ bị cắt, và hướng dẫn ông bấm phím số 2 rồi làm theo hướng dẫn để biết rõ lý do. Sau đó, đầu dây bên kia thông báo số điện thoại ông Đông đang dùng có liên quan đến một tổ chức tội phạm rửa tiền và buôn bán ma túy đã bị công an bắt. Tiếp theo đó ông được nối máy với người đàn ông tự xưng là “công an” và yêu cầu ông phối hợp để điều tra.
Đầu dây bên kia yêu cầu ông chụp thẻ ngân hàng, chứng minh thư và làm theo hướng dẫn trên đường link mà họ gửi để xác minh. Sau khi làm xong các bước, người tự xưng là “công an” lại tiếp tục gửi cho ông lệnh bắt giam và cho biết nếu không muốn bị bắt thì ông phải chứng minh số tiền một tỷ đồng trong tài khoản là trong sạch bằng cách rút tổng cộng 840 triệu đồng trong tài khoản Vietcombank chuyển vào tài khoản BIDV. Sau khi liên tục bị hối thúc chuyển tiền, ông Đông mới nghi ngờ lừa đảo và ra ngân hàng kiểm tra, thì tá hỏa khi phát hiện toàn bộ số tiền trong tài khoản BIDV là 1,84 tỷ đồng đã không cánh mà bay.
Ngoài hai câu chuyện trên, thời gian qua có rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra. Các đối tượng thường giả danh cán bộ công anh nhầm tạo sự tin tưởng lẫn gây tâm lý hoang mang cho nạn nhân. Người dân cần phải luôn giữ cho mình sự bình tĩnh cũng như cảnh giác trước những cuộc gọi từ số lạ để tránh những mất mát không đáng có.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý, khi làm việc với người dân, cơ quan công an thường trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi thông báo qua công an địa phương, và tuyệt đối không bao giờ yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Ngay khi hi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân phải thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.