ĐỜI SỐNG

Những danh y tài đức Việt Nam

Cẩm Chi • 27-02-2023 • Lượt xem: 5851
Những danh y tài đức Việt Nam

Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng là những danh y - bác sĩ có đóng góp to lớn và trở thành niềm tự hào cho nền y học Việt Nam từ thời phong kiến đến hiện đại.

Hai danh y đặt nền móng cho y học cổ truyền

Đặt nền móng cho việc nghiên cứu và sử dụng thuốc Nam của người Việt xa xưa phải kể đến công lao của danh y Tuệ Tĩnh - “ông tổ của y học cổ truyền dân tộc”. Tuệ Tĩnh sinh năm 1330 ở Hải Dương, mồ côi từ nhỏ nên ông sống trong chùa. Năm 22 tuổi ông đậu Thái học sinh nhưng không làm quan mà tập trung vào đam mê nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ…

Trong sự nghiệp của mình, ông đã nghiên cứu và tập hợp những kiến thức y học quý giá trong 2 cuốn sách thuốc cổ nhất là “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác tư y thư”. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông… đồng thời nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ.

Tuệ Tĩnh được vua Minh phong là Đại y Thiền sư

Vị danh y còn truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm ở nông thôn. Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp 182 chứng bệnh và đưa ra 3.873 phương thuốc chạy chữa. Không chỉ chữa bệnh cho người, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc.

Tuệ Tĩnh được đánh giá có công lao to lớn trong việc xây dựng quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. “Nam dược trị Nam nhân” thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường sống xung quanh trong việc trị liệu bệnh, trở thành phương pháp chữa bệnh từ thiên nhiên, hiệu quả, ít tốn kèm được dân gian lưu truyền tới ngày nay.

400 năm sau Tuệ Tĩnh, lịch sử y học dân tộc mới có nhiều dấu ấn đáng kể với sự xuất hiện của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791). Mặc dù gia thế hiếu học, giàu có, có người nhà làm quan trong triều đình Trịnh – Nguyễn nhưng nhờ tài năng xuất chúng, vị danh y vẫn thể hiện vị thế riêng trong xã hội thời đó.

Sách “Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh” mà ông để lại có giá trị to lớn, tạo nền móng phát triển cho ngành Đông y Việt Nam. Sách bao gồm đủ các mặt về y học: lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh… Ngoài ra, ông kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh, ghi chép 644 phương thuốc, 2.210 bài thuốc đơn giản có tác dụng tốt trị 126 loại bệnh, sưu tầm thêm công dụng của 305 vị thuốc Nam…

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại

Sự cống hiến của “Ông tổ đông y” truyền cảm hứng lớn tới các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh, không quản ngại khó khăn, không phân biệt địa vị. Ông khám bệnh rất kỹ, đề cao tinh thần trách nhiệm, y đức trong nghề, luôn học hỏi những điều mới và mở lớp truyền dạy y thuật cho nhiều người. Kiến thức có sự kết hợp sáng tạo của nền y học cổ truyền của dân tộc, kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình và tiếp thu chọn lọc những y thuật của nước ngoài rồi ứng dụng phù hợp với điều kiện của con người Việt Nam.

Những bác sĩ thay đổi nền y học hiện đại

Sự nghiệp và đóng góp của Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch gắn liền với hoạt động cách mạng chống Pháp cùng chủ tịch Hồ Chí Minh. Là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam, ông cũng đã đào tạo ra một hệ thống đội ngũ thầy thuốc cho y học có tâm - tầm - tài giai đoạn 1940 - 1960. 

Mặc dù được sinh ra trong gia đình dòng dõi quý tộc nhưng cuộc đời của ông lại đầy gắn với sự thăng trầm của lịch sử. Từ nhỏ, ông luôn là người có thành tích tốt nhất tại trường Sơ học Pháp Việt Phan Thiết, lấy được bằng tốt nghiệp Sơ Học Yếu Lược ngay khi 8 tuổi. Sau đó ông học tập tại trường Đại học Y Khoa Hà Nội và lấy bằng tốt nghiệp bác sĩ tại Pháp. Ông được tiến cử là Giám đốc Bệnh viện Lao tại miền Đông nước Pháp và bác sĩ chuyên khoa tại Viện Điều dưỡng Haute Ville nổi tiếng tại Paris.

Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có nhiều đóng góp cho y học thời kỳ cách mạng

Về Việt Nam, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tự mở một phòng khám riêng, mua nhiều trang thiết bị hiện đại từ nước ngoài để hỗ trợ việc thăm khám và điều trị. Ông được xem là “thần y” trong mắt những người lao động nghèo không có tiền chữa trị, đồng thời có rất nhiều nghiên cứu được ứng dụng thực tế làm phương pháp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nhiều tỉnh thành. Năm 1950, ông nghiên cứu thành công vaccine lao - công trình nghiên cứu này đã được hơn 60 viện nghiên cứu của trên 40 quốc gia gửi đề nghị cung cấp. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng chất Philatov, tiêm vào huyệt vị kinh lạc kết hợp cùng nhiều loại kháng sinh để điều trị bệnh.

Từng khiến cả thế giới sững sờ khi tạo ra phương pháp mổ gan khô chỉ trong 4-8 phút, ít ai biết rằng cha đẻ của một trong hai phương pháp cắt gan chính của thế giới lại là một bác sỹ người Việt mới 27 tuổi. Đó là giáo sư, viện sĩ Tôn Thất Tùng.

Ông nổi danh với trí tuệ uyên bác và sự cống hiến hết mình cho bệnh viện và bệnh nhân. Năm 23 tuổi, ông mô tả chính xác các mạch máu trong gan; 28 tuổi giữ chức Trưởng khoa Ngoại, Đại học Y Hà Nội và 63 công trình công bố trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông. Sau 1945, ông là người chăm sóc sức khỏe cho Bác, nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng quân y. Ông đã cùng GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu, sản xuất kháng sinh Penicilline ngay tại chiến trường - một công việc cấp bách đối với kháng chiến mà chưa từng nước nào làm được.

GS Tôn Thất Tùng làm rạng danh nền y học Việt Nam với thế giới với nhiều công trình khoa học có giá trị

Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu với 123 công trình khoa học có giá trị, trong đó có 2 phát minh khoa học lớn với thế giới. Đó là phương pháp cắt gan mang tên ông - công trình khoa học đã được quốc tế công nhận là phương pháp cắt gan có quy phạm và kinh điển, được nhiều nước áp dụng. Ông là 1 trong 12 người trên thế giới được tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế Lannelongue do Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris trao tặng. Và công trình thứ 2 là những nghiên cứu đầu tiên về hậu quả lâu dài trên con người của chất độc da cam/dioxin, thứ chất độc mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Việt Nam.

Các công trình của ông được nhiều chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đánh giá là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong chuyên ngành phẫu thuật trên thế giới. GS Tôn Thất Tùng còn có công lao to lớn trong việc đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn. Những quan điểm dạy học của ông như “học và hành thống nhất” cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.