Trong cuộc sống, cái gì mình không giữ được thì có thể buông bỏ.
Sự thật đơn giản này đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, sự ràng buộc của chúng ta - dù là với kỳ vọng cá nhân, của cải vật chất hay thậm chí là những sai lầm trong quá khứ - có thể khiến chúng ta mệt mỏi hơn chúng ta tưởng.
Những người có trí tuệ cảm xúc nắm bắt khái niệm này một cách trực quan (hay còn gọi là giác quan thứ sáu). Họ hiểu rằng, bởi vì cuộc sống mang đến cho chúng ta vô số cơ hội để bám víu vào những ham muốn và thất vọng của mình, vậy nên tự do thực sự là nằm ở khả năng giải phóng chúng.
Bằng cách buông bỏ những ràng buộc cứng nhắc và đón nhận một lối suy nghĩ linh hoạt hơn, nên họ vượt qua những thử thách trong cuộc sống bằng sự vững chãi và duyên dáng.
Trong hành trình khám phá trí tuệ cảm xúc này, chúng ta sẽ tìm hiểu: Việc từ bỏ những gì không còn phù hợp và hỗ trợ chúng ta có thể dẫn đến một sự hiện hữu đầy chân thực và mạnh mẽ hơn như thế nào.
1) Kỳ vọng cá nhân
Bạn đã bao giờ dừng lại để suy nghĩ xem, tại sao những kỳ vọng của chính mình lại trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thất vọng của chúng ta chưa?
Những người có trí tuệ cảm xúc hiểu rất rõ điều này. Họ biết rằng, mặc dù việc có mục tiêu và tiêu chuẩn là quan trọng, nhưng việc quá gắn bó với những kỳ vọng cá nhân có thể tạo tiền đề cho những căng thẳng và thất vọng không cần thiết.
Điều này không có nghĩa là họ lạc lối vô định trong cuộc sống mà không có bất kỳ khát vọng hay mục tiêu nào.
Mà đúng hơn là, họ đảm bảo rằng, những kỳ vọng của họ đủ thực tế và linh hoạt để thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi - điều mà chắc chắn sẽ xảy ra.
Họ trân trọng và tận hưởng cuộc hành trình của mình, học hỏi từ mỗi trải nghiệm, bất kể nó có phù hợp với kỳ vọng ban đầu của họ hay không.
Cách tiếp cận cân bằng này cho phép họ duy trì khả năng phục hồi trước những biến động khó lường của cuộc sống, trong khi vẫn tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình.
2) Của cải vật chất
Việc mất đi một món đồ quý giá có thể khiến chúng ta cảm thấy đau buồn - đặc biệt là khi chúng gắn liền với những kỷ niệm, bản sắc cá nhân, hoặc thậm chí là cảm giác thành tựu.
Tuy nhiên, những người thông minh về mặt cảm xúc có cách nhìn nhận những sự gắn kết này rất đặc biệt.
Thay vì để mất mát vật chất làm họ mất ổn định, thì họ có thể giữ gìn tài sản theo đúng nghĩa, trân trọng sự thoải mái hoặc niềm vui mà chúng mang lại nhưng không để chúng quyết định hạnh phúc của họ.
Họ hiểu rằng, mặc dù vật chất có thể có giá trị, nhưng xét cho cùng thì chúng chỉ là tạm thời và có thể thay thế được. Đối với họ, hạnh phúc và thành công đến từ bên trong, được định hình bởi các mối quan hệ, sự phát triển cá nhân và những trải nghiệm đầy ý nghĩa.
Bằng cách không trói buộc ý thức về giá trị của mình vào của cải, họ vẫn kiên cường, vững vàng và có khả năng thích ứng - ngay cả khi đối mặt với mất mát. Quan điểm này không chỉ nuôi dưỡng sự hài lòng mà còn mang lại cảm giác ổn định lâu dài trong một thế giới luôn thay đổi.
3) Những lỗi lầm quá khứ
Nhà thơ Maya Angelou đã từng nói, “Bạn có thể gặp phải nhiều thất bại, nhưng bạn không được phép bị đánh gục. Trên thực tế, sẽ có lúc cần phải gặp thất bại, để bạn có thể biết mình là ai, bạn có thể vượt qua điều gì, và làm thế nào để bạn có thể thoát khỏi nó”.
Những người có trí tuệ cảm xúc hoàn toàn nắm bắt được sự sáng suốt này, coi những sai lầm trong quá khứ là cơ hội để phát triển thay vì cứ mãi hối tiếc vì điều không đáng.
Mỗi bước đi sai lầm đều trở thành nền tảng cho sự phát triển cá nhân, chứ không phải là gánh nặng kìm hãm họ.
Thất bại được chào đón như một phần thiết yếu của sự tiến bộ, trong đó khả năng thích ứng và phục hồi được coi là chìa khóa thực sự để tiến về phía trước - chứ không phải là sự hoàn hảo như phần lớn mọi người vẫn nghĩ.
Tư duy này cho phép họ tập trung vào các mục tiêu trong tương lai mà không bị gánh nặng bởi những thất bại trong quá khứ, giúp họ luôn tích cực, quyết tâm và có động lực khi tiếp tục con đường của mình.
4) Quá kiểm soát mọi thứ
Tâm lý học cho thấy, những cá nhân cố gắng kiểm soát mọi chi tiết trong cuộc sống thường phải đối mặt với tình trạng lo lắng cao hơn và mức độ hạnh phúc thấp hơn.
Những người có trí tuệ cảm xúc nhận thức được thực tế này. Họ nhận ra rằng, việc phấn đấu giành quyền kiểm soát hoàn toàn là không thực tế và gây ra những căng thẳng không cần thiết cho họ.
Ví dụ, một người lên kế hoạch tỉ mỉ cho kỳ nghỉ của gia đình thì vẫn có thể phải đối mặt với những thay đổi bất ngờ như chuyến bay bị hoãn hoặc dời lịch. Những người có trí tuệ cảm xúc thích nghi với những gián đoạn như vậy bằng cách điều chỉnh kế hoạch của họ, tìm các hoạt động thay thế khi cần thiết.
Trong môi trường làm việc, người quản lý cố gắng quản lý vi mô từng chi tiết thường rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ.
Các nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc có cách tiếp cận khác bằng cách, giao nhiệm vụ và tin tưởng vào nhóm của họ, tập trung vào việc định hướng dự án mà không cảm thấy cần phải kiểm soát từng bước một.
Những cá nhân này tập trung năng lượng vào việc quản lý các phản ứng của mình với thực tế và tập trung vào những gì họ có thể tác động, bảo vệ sức khỏe của họ trong những tình huống không thể đoán trước.
5) Sự đồng tình/chấp thuận của người khác
Có một thời gian, tôi quen biết một anh chàng dường như sống chỉ để nhận được sự đồng tình/chấp thuận của người khác.
Anh ấy sẽ cố gắng hết sức để làm hài lòng mọi người, đánh đổi hạnh phúc và sức khỏe của chính mình trong quá trình đó. Thật mệt mỏi và, thành thật mà nói, khá buồn khi phải chứng kiến cảnh này. Nhưng rồi anh ấy khám phá ra khái niệm trí tuệ cảm xúc và mọi thứ đã thay đổi.
Những người có trí tuệ cảm xúc, giống như người bạn đó của tôi sau này, hiểu rằng họ không cần sự chấp thuận của người khác để cảm thấy xứng đáng hoặc hài lòng trong cuộc sống.
Họ nhận ra rằng họ chẳng thể làm hài lòng tất cả mọi người, và việc cố gắng làm như vậy là một nỗ lực vô nghĩa. Họ coi trọng ý kiến riêng của mình về bản thân hơn là ý kiến của người khác.
Chắc chắn là, họ vẫn lắng nghe phản hồi và tiếp thu những lời nhận xét mang tính xây dựng, nhưng họ không bao giờ để quan điểm của người khác quyết định giá trị bản thân. Cách tiếp cận bình tĩnh này cho phép họ trung thực với bản thân và các giá trị của mình, dẫn đến một cuộc sống chân thực và trọn vẹn hơn.
6) Vùng an toàn của họ
Việc chúng ta tìm thấy sự thoải mái trong những gì quen thuộc và an toàn là điều tự nhiên. Chúng ta thích thói quen, khả năng dự đoán, ở trong giới hạn của những gì chúng ta đã biết và kiểm soát được.
Tuy nhiên, những người có trí tuệ cảm xúc không quá gắn bó với vùng an toàn của mình. Họ biết rằng, sự phát triển cá nhân xảy ra khi họ bước ra khỏi những ranh giới tự mình đặt ra này.
Như Roy T. Bennett đã nói, “Bạn sẽ không bao giờ thay đổi cuộc sống của mình cho đến khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn; sự thay đổi bắt đầu ở cuối vùng an toàn của bạn.”
Điều này không có nghĩa là họ liên tục tìm kiếm sự khó chịu hay nguy hiểm.
Mà họ sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm và thử thách mới, hiểu rằng những điều này có thể mang lại những cơ hội quý giá để học hỏi và phát triển.
Họ không ngại chấp nhận rủi ro đã được quản trị hoặc thử những điều mới, họ coi đó là cách làm phong phú thêm cuộc sống và mở rộng tầm nhìn.
7) Những cảm xúc tiêu cực
Theo tâm lý học, việc kìm nén hoặc trốn tránh những cảm xúc tiêu cực thực sự có thể khuếch đại chúng, dẫn đến căng thẳng và lo lắng gia tăng theo thời gian.
Bây giờ, bạn có nghĩ một người có trí tuệ cảm xúc sẽ quá dính mắc vào những cảm xúc tiêu cực của mình không? Hoàn toàn không.
Những người có trí tuệ cảm xúc nhận ra rằng, những cảm xúc tiêu cực - như tức giận, sợ hãi hoặc buồn bã - là một phần tự nhiên của cuộc sống. Họ cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc này mà không để chúng định nghĩa sự tồn tại của họ hoặc chi phối hành động của họ.
Họ tiếp cận những cảm xúc tiêu cực với sự tò mò và chấp nhận, coi chúng là những tín hiệu mang lại những hiểu biết sâu sắc có giá trị về nhu cầu hoặc hoàn cảnh của họ. Thay vì bị cuốn vào vòng xoáy của những cảm giác tiêu cực, họ sử dụng những cảm xúc này làm công cụ để khám phá và phát triển bản thân.
Bằng cách không gắn bó quá nhiều với những cảm xúc tiêu cực, những người có trí tuệ cảm xúc có thể kiểm soát căng thẳng tốt hơn, đưa ra những quyết định sáng suốt và duy trì trạng thái tình cảm hạnh phúc của mình.
Cuối cùng thì…
Trí tuệ cảm xúc không hướng đến sự hoàn hảo; mà là sự tự do - thoát khỏi nhu cầu kiểm soát, làm hài lòng, hay bám víu lấy những thứ không có lợi cho mình.
Bằng cách buông bỏ những ràng buộc cứng nhắc, những người có trí tuệ cảm xúc sẽ mở khóa được khả năng phục hồi, thích nghi và hoàn thiện sâu sắc hơn. Họ tạo ra không gian cho sự phát triển, những góc nhìn mới và những kết nối đích thực.
Cuối cùng, trí tuệ cảm xúc chính là biết điều gì thực sự quan trọng và để cuộc sống diễn ra tự nhiên, thoát khỏi những ràng buộc không cần thiết đang đè nặng chúng ta.