ĐỜI SỐNG

Những đoạn video ngắn đang tàn phá trí não con người như thế nào?

Cẩm Chi • 19-08-2022 • Lượt xem: 3396
Những đoạn video ngắn đang tàn phá trí não con người như thế nào?

Cách đây vài năm, một app chuyên về các đoạn video ngắn (thời lượng vài chục giây) trở nên thịnh thành. Từ đó, một trào lưu mới được bắt đầu.

Hiện tại gần như mọi mạng xã hội (MXH) nổi tiếng đều cho ra mắt chức năng giúp người dùng có thể xem và upload các đoạn video ngắn lên một cách cực kỳ dễ dàng. Tuy vậy, việc xem quá nhiều các đoạn clip kiểu này có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ tai hại.

Sự thụ động

Khi sử dụng các ứng dụng (chức năng) xem clip ngắn thì thường người dùng chỉ có thể chọn video đầu tiên. Và chỉ duy nhất clip đó người dùng chọn xem một cách chủ động. Từ video thứ hai trở đi, ứng dụng sẽ tự đề xuất cho bạn. Hệ thống AI sẽ tổng hợp lịch sử sử dụng của người dùng trên app để hiện ra các video thứ 2, 3, 4, 5... Thoạt nhìn có vẻ rất tiện lợi. Tuy nhiên tác hại lâu dài của nó là người xem sẽ có một thói quen cực kỳ tai hại. Đó là thụ động với mọi việc.

Đến giải trí còn thụ động thì làm sao trong các khía cạnh khác quan trọng hơn (công việc chẳng hạn) chủ động cho được.

Càng xem nhiều các đoạn clip ngắn, càng sử dụng nhiều các app, các chức năng duyệt video ngắn sẽ làm người dùng ngày càng trở nên lười biếng. Nước ấm nấu ếch, lâu ngày dài tháng não bộ của bạn sẽ trở nên lười khi phải suy nghĩ. Và khi đó, chất lượng công việc (học tập) đương nhiên sẽ giảm xuống một cách đáng kể. Không có sự chủ động suy nghĩ, không sáng tạo, không tìm cách giải quyết vấn đề thì làm sao chinh phục một thành tích ấn tượng nào được nữa.

Mất kiên nhẫn

“Hành động tạo ra thói quen. Và thói quen quyết định cuộc đời thành công hay thất bại.” – đó là câu nói cực kỳ chính xác về tầm quan trọng của thói quen. Và việc xem nhiều clip ngắn sẽ tạo một thói quen rất xấu. Đó là mất kiên nhẫn.

Mỗi đoạn video ngắn thông thường chỉ vài chục giây. Một phút thậm chí đã là dài. Và một khi thường xuyên xem chúng nghĩa là bạn đã tập cho não bộ thói quen chỉ có thể tập trung được vài chục giây. Bạn sẽ chỉ có thể tiếp nhận thông tin, xử lý công việc, suy nghĩ về một vấn đề... trong vài chục giây. Vượt khoảng thời gian đó thì bắt đầu mất kiên nhẫn.

Thậm chí bạn có thể trở nên dễ nổi nóng nếu phải tiếp nhận một thông tin hay một sự việc mất thời gian.

Cuộc sống luôn có phần thưởng cho sự kiên nhẫn.

Muốn về nhà bằng xe buýt, bạn cần phải bắt đúng chuyến xe. Không thể nào vì thiếu kiên nhẫn mà lên đại một xe hú họa được. Muốn hạnh phúc hôn nhân, bạn phải chờ đợi đúng người chứ không thể cưới đại một ai đó. Vì vậy chưa cần nói đến thành công lớn, chỉ là muốn một cuộc sống ổn định thôi thì bạn cũng cần có sự kiên nhẫn nhất định.

Mất đi sự kiên nhẫn sẽ khiến bạn dễ dàng đưa ra những quyết định sai lầm cả trong công việc, tình cảm hay gia đình.

Giảm sự tập trung

Để thành công trong sự nghiệp thì bạn phải có khả năng giải quyết những công việc khó. Bởi nếu vấn đề quá dễ dàng, ai cũng có thể làm được thì không có lý do gì bạn được trả lương cao cả. Đặc điểm chung của tất cả các vị trí được đãi ngộ tốt đều yêu cầu phải có sự tập trung cao độ trong khoảng thời gian dài.

Và với những người có thói quen xem clip ngắn thường xuyên. Rất nhiều khả năng họ sẽ chỉ có thể tập trung tuyệt đối được trong vài chục giây. Đừng ngụy biện theo cách “tôi chỉ xem clip khi hết giờ làm việc để giải trí, còn khi đi làm thì tập trung”. Bạn không thể lừa gạt bộ não chính mình. Mọi hành động của bạn trong cuộc sống đều được não ghi lại. Và chính nó sẽ thiết lập thói quen dựa trên điều đó. Càng nghiện xem các đoạn video ngắn, khả năng tập trung của não bộ sẽ ngày càng giảm xuống.

Trồng một hạt giống (hành động) xấu thì không thể có quả ngọt (thói quen tốt) được.

Hãy làm một thí nghiệm đơn giản quan sát những người xung quanh. Cả trong môi trường công sở hay trường học, những vị trí nhân sự cấp cao (giám đốc, hiệu trưởng, trưởng phòng...) tất cả đều sẽ không ai có thói quen xem các đoạn clip ngắn đó. Và phải chăng, những ai thường nhìn điện thoại, xem clip ngắn xong phá lên cười thường là những đồng nghiệp quanh bạn. Hay thậm chí là những người làm đôi ba năm chẳng thể nào phát triển được hơn trong sự nghiệp.

Mất thời gian rất nhiều

Đừng nghĩ rằng mỗi clip ngắn chỉ vài chục giây. Thế nhưng một lần lướt điện thoại, mỗi người tốn vài tiếng đồng hồ là chuyện thường. Hình ảnh một nhân viên văn phòng tan làm, ăn tối, xong về phòng lướt điện thoại đến tận lúc ngủ không phải là cá biệt.

Thời gian rảnh sinh ra số phận.

Đại học Harvard có một lý thuyết cực kỳ nổi tiếng cho rằng sự thành công của mỗi người phụ thuộc vào thời gian rảnh của họ. Mọi người đều bình đẳng về thời gian. Và người thành công thường là người sử dụng hiệu quả khoảng thời gian ngoài giờ làm việc. Và dĩ nhiên ở chiều ngược lại, người thất bại là người lướt điện thoại xem clip trong khoảng thời gian đó.

Xã hội ngày càng phát triển, sự cám dỗ cũng ngày càng tinh vi. Và nếu không cẩn thận kiểm soát bản thân, quá nuông chiều cảm xúc thì rất khó để bạn vươn đến những đỉnh cao trong cuộc sống. Thời gian công bằng với tất cả mọi người. Sự khác biệt ở chỗ người thành công sử dụng thời gian hợp lý, còn kẻ thất bại thì không.