ĐỜI SỐNG

Những lễ hội làm nên dấu ấn mùa hè Nhật Bản

Linh Anh • 20-07-2023 • Lượt xem: 840
Những lễ hội làm nên dấu ấn mùa hè Nhật Bản

Mùa hè Nhật Bản được đánh dấu bởi nét tâm linh cổ xưa của vũ khúc Obon, sự hoành tráng của những màn bắn pháo hoa đủ sắc màu đem cho xứ Phù Tang vẻ lộng lẫy cùng không khí cuồng nhiệt khó quên. 

Lễ hội hoa lửa Hanabi

Nhật Bản có 3 mùa lễ hội bạn nên trải nghiệm. Đó là “Hanami” - lễ hội ngắm hoa anh đào mùa xuân; “Momiji” - lễ hội thưởng ngoạn lá đỏ mùa thu và “Hanabi” lễ hội ngắm pháo hoa mùa hạ. Mùa lễ hội Hanabi thường bắt đầu từ tháng 7 trên khắp cả nước, là nỗi mong chờ của người dân và du khách vào mùa hè mỗi năm.

Thành phố Tokyo có hơn 20 lễ hội pháo hoa được tổ chức vào ngày cuối tuần các tháng 7 và 8, nổi tiếng nhất là lễ hội pháo hoa Sumidagawa với khoảng 20.000 quả pháo hoa được bắn. Atami với lễ hội pháo hoa Atami Maritime quy mô 5.000 quả. Kumano nổi tiếng với màn trình diễn pháo hoa quy mô 10.000 quả vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon tháng 8 hàng năm. Nagano gắn liền với lễ hội pháo hoa hồ Suwa quy mô lên tới 40.00 quả. Akita tạo lập thương hiệu cùng Cuộc thi pháo hoa toàn quốc Omagari quy mô 18.000 quả mỗi năm. Niigata nổi bật cùng lễ hội pháo hoa Nagaoka kéo dài 2 tiếng đồng hồ với số lượng 20.000 quả… ngoài ra còn vô số các màn trình diễn pháo hoa quy mô lớn nhỏ khác. 

Mỗi loại pháo hoa có một đặc trưng riêng. Pháo hoa Warimono nổ tung theo hình cầu có hơn 20 biến tấu khác nhau nhưng tiêu biểu nhất là hình hoa cúc. Pokamono xuất hiện với âm thanh đặc trưng và nổ tung thành những tia ánh sáng dài mảnh buông xuống như liễu rủ hoặc bay lượn vòng tròn như những chùm sao nhỏ hoặc những con ong quanh tổ. Hanwarimono là những chùm pháo hoa nhỏ đủ sắc màu. Katamono vẽ lên bầu trời đủ loại hình thù kỳ thú từ gương mặt cười, trái tim, trái cây cho đến hình dạng phức tạp như mèo, gà con… Dịp này, nhiều hội chợ, phố ẩm thực, các xe bán hàng rong và quà lưu niệm sẽ hiện diện khắp nơi. 

Vũ khúc xoa dịu linh hồn

Mùa hè là thời điểm để bạn khám phá Nhật Bản cổ xưa qua lễ hội Bon Odori đã có hơn 500 năm lịch sử. Hội Bon Odori hay còn gọi là hội Obon là lễ Vu Lan báo hiếu người Nhật, một lễ hội quan trọng tổ chức rộng khắp nước Nhật, gây ấn tượng mạnh với các nghi lễ dâng lửa đón linh hồn về cõi dương gian, múa Obon xoa dịu linh hồn người đã khuất và thả đèn hoa đăng đưa hồn về cõi trời. Do sự khác biệt về tập quán vùng miền, lễ hội Obon được tổ chức tại 3 thời điểm khác nhau, bao gồm: ngày 15/7 dương lịch (tại Tokyo, Yokohama, Tohoku), ngày 15/7 âm lịch (tại các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku) và 15/8 âm lịch (tại các đảo phía Tây Nam). 

Ngày đầu tiên của lễ, người dân thắp đèn lồng, đốt nến hoặc đuốc để dẫn đường cho linh hồn người đã khuất về với gia đình. Đây là dịp hiếm hoi để bạn chứng kiến khung cảnh lạ thường khi hàng ngàn đèn lồng giấy và nến được thắp sáng trong các ngôi nhà, ngõ phố, trải kín các khoảng sân và dọc theo mọi lối đi của những ngôi đền chùa cổ kính. Một phần không thể thiếu trong mùa hội là ngày trình diễn vũ khúc Obon thường diễn ra đúng vào ngày 15 của tháng, có sự tham gia của hàng trăm vũ công trong các bộ trang phục biểu diễn truyền thống đủ sắc màu và luôn thu hút cả trăm ngàn người xem.

Vũ khúc Obon thường được trình diễn trên nền nhạc cụ truyền thống như sáo, taiko, đàn tam, chuông, trống…, người vũ công có thể sử dụng thêm các vật dụng nhỏ như săn, quạt, sênh phách, mũ rơm để phục vụ biểu diễn. Tùy vào mỗi khu vực, âm nhạc và động tác của vũ khúc Obon có nhiều biến tấu khác nhau, có nơi các vũ công nhảy thành vòng tròn quanh giàn gỗ Yakura, có nơi lại nhảy theo đường thẳng và diễu hành qua nhiều con phố…tạo thành những đám rước lớn, rực rỡ bắt mắt vô cùng.

Lễ hội Obon kết thúc với nghi lễ Toro Nagashi thả hoa đăng, thuyền giấy tiễn linh hồn tổ tiên về cõi trời. Hàng ngàn chiếc hoa đăng hình trụ chữ nhật trang trí đẹp mắt, viết tên người thân hoặc những lời nguyện cầu sẽ khẽ trôi xuôi theo dòng nước là khung cảnh êm dịu để bạn ngắm nhìn không chán mắt.