ĐỜI SỐNG

Những loài động vật sắp tuyệt chủng tại Việt Nam

Cẩm Chi • 09-10-2023 • Lượt xem: 1541
Những loài động vật sắp tuyệt chủng tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái vô cùng phong phú. Tiếc thay vì các lý do khác nhau nên giờ đây nhiều loại động vật đang dần hoàn toàn biến mất. Chúng hầu như không còn được nhìn thấy trong môi trường sống tự nhiên, số cá thể ít ỏi còn lại đang được bảo tồn ở các vườn quốc gia.

Hổ hoang dã ở Việt Nam có thể đã không còn

“Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp kêu” – câu nói mô tả đã từng có một thời những “ông ba mươi” hiện diện đông đảo như thế nào ở rừng núi Việt Nam. Thế nhưng ngày nay điều đó đã không còn.

Loài hổ sinh sống ở Việt Nam là hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti). Hiện chỉ còn vài chục cá thể sinh sống ở Việt Nam. Và phần lớn chúng được nuôi trong các khu bảo tồn (vườn thú...).

Nhiều người cho rằng chỉ có khoảng 5 cá thể là sinh sống ngoài tự nhiên.

Lần gần nhất xuất hiện tin đồn “nhìn thấy hổ” trong tự nhiên là năm 2022. Một người dân trình báo nhìn thấy “hổ tự nhiên” ở Phong Nha. Thế nhưng không có hình ảnh chứng minh. Vì còn quá ít cá thể tồn tại, thế nên xác suất gặp chúng trong tự nhiên ở Việt Nam thấp tương tự như khả năng trúng vé số độc đắc. Và đó cũng là lý do loài hổ ở nước ta đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bởi chúng rất khó có cơ hội kết hợp để sinh ra hậu duệ.

Bức ảnh cuối cùng chụp được một con cọp trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam là vào năm 1998. Hơn 20 năm trôi qua, hổ hoang dã nước ta rất có thể đã hoàn toàn biến mất.

Bò tót Đông Dương

Việt Nam đang sở hữu một loài bò tự nhiên có kích thước lớn bậc nhất thế giới. Đó là loài bò tót Đông Dương. Tuy nhiên, chủng loài này hiện chỉ còn khoảng trên dưới 300 con ở nước ta và được xếp vào giống động vật nguy cấp được bảo tồn. Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus. Giống bò tót Đông Dương ở Việt Nam (trong điều kiện sống lý tưởng) có thể cao đến 2m và nặng gần 2 tấn. Môi trường sống của chúng thường là rừng già ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển. Chúng sống thành từng đàn từ 5-30 con.

Một con bò tót đực nặng khoảng 700kg chết trong rừng Đồng Nai do già yếu.

Ở Việt Nam từng có lúc số bò rừng lên đến hơn 3000 con và sinh sống ở khắp 3 miền. Thế nhưng hiện nay chúng chỉ còn khoảng 300 con. Nguyên nhân chủ yếu khiến tộc đàn này sụt giảm nhanh chóng là do môi trường sống bị thu hẹp (bởi phá rừng, khai hoang...) và nạn săn bắn lậu.

Sao La – Chủng tộc được xếp vào mức nguy cấp

Loài vật được chọn làm linh vật SEA Games 31 ở Việt Nam là một loài thú quý hiếm sinh sống ở những cánh rừng hẻo lánh trên dãy Trường Sơn. Một con sao la trưởng thành có thể dài đến 1,3m và nặng khoảng 100kg. Đầu của chúng màu nâu sẫm xen lẫn những vạch màu trắng. Cặp sừng dài, thẳng tuyệt đẹp. Cả bốn chân sao la đều có vòng lông màu trắng.

Sao la dễ bị dính bẫy thợ săn cài đặt để bắt hươu nai.

Sao la được phát hiện ở Việt Nam lần đầu năm 1992. Đó là một chấn động bởi việc phát hiện cả một chủng loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là một việc cực kỳ hy hữu. Hiện nay, chỉ còn khoảng 60 con sao la đang được chăm sóc ở các vườn quốc gia Việt Nam. Ngoài tự nhiên, chủng loài này rất khó sống sót bởi môi trường sống bị thu hẹp. Đồng thời chúng cũng dễ bị vướng vào bẫy của bọn săn trộm.

Voi – Biểu tượng của núi rừng Việt Nam một thời

Việt Nam từng là quốc gia sở hữu số lượng voi nhiều bậc nhất thế giới. Trong lịch sử các triều đại phong kiến thì quân voi (tượng binh) luôn là một đội quân hùng mạnh thiện chiến. Vào thập niên 90, Việt Nam có khoảng gần 2000 cá thể voi hoang dã. Tuy nhiên hiện nay thì số lượng đó bị sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn khoảng dưới 150 con ngoài tự nhiên mà thôi. Chúng sống ở tám tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Nam, Sơn La, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Voi Việt Nam có cặp ngà dài, thân hình nhỏ hơn voi châu Phi.

Kích thước cặp ngà có thể dài đến 150cm và nặng hơn 15kg. Thức ăn chủ yếu của chúng là trái cây và một số loại thực vật khác. Ngoài việc bị săn trộm lấy ngà, lông đuôi... Voi Việt Nam còn bị khai thác kiệt sức bởi hoạt động du lịch cưỡi voi. Tuy nhiên mới đây sau nhiều phản ánh của người dân, hoạt động cưỡi voi du lịch ở Đắk Lắk đã dừng hoạt động.

Ngoài việc bị săn trộm, môi trường sống thu hẹp thì việc sinh đẻ ít cũng là lý do khiến loài voi ở Việt Nam đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Chúng thường chỉ “quan hệ” và mang thai khi ở trong môi trường sống phù hợp và có tâm lý thoải mái.