ĐỜI SỐNG

Những thứ cần trữ sẵn trong nhà để luôn an tâm khi đau ốm

Hồng Trâm • 10-12-2024 • Lượt xem: 81
Những thứ cần trữ sẵn trong nhà để luôn an tâm khi đau ốm

Bệnh có thể đến bất cứ lúc nào, đặc biệt lúc thời tiết trở nên lạnh hơn.

Nhưng tin tốt là ta hoàn toàn có thể chuẩn bị trước bằng cách trữ sẵn vài thứ cần thiết, qua đó tránh phải ra tiệm thuốc hay mất thêm tiền khi cơ thể không khỏe. Không phải chỉ thuốc mà còn cả vật dụng lẫn thực phẩm nhất định.

Bắt đầu với thuốc

Ibuprofen và acetaminophen giúp hạ sốt, giảm đau vô cùng hữu hiệu nên chắc chắc không thể không trữ. Hãy chuẩn bị sẵn thuốc dạng nhai hoặc dạng lỏng nếu nhà bạn có trẻ em, hoặc thuốc đặt qua đường hậu môn cho người khó nuốt.

Tiếp đến là thuốc giảm ho, thuốc hóa đờm, thuốc thông mũi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị tránh cho trẻ dưới 6 tuổi dùng thuốc giảm ho cùng thuốc trị cảm, trẻ lớn hơn cũng nên hạn chế dùng thuốc.

Thuốc kháng histamine có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa – một tình trạng dễ gặp ở nhiều người và rất khó xác định đúng nguyên nhân.

Cũng đừng quên trữ viên ngậm trị ho. Chúng sẽ giúp làm dịu cơn đau họng hoặc hỗ trợ điều trị ho nhờ các thành phần như menthol, bạc hà, mật ong.

Viên ngậm trị ho sẽ làm dịu đau họng - Ảnh: Getty Images

Nước muối xịt mũi là giải pháp tuyệt vời để điều trị tình trạng khô mũi, thậm chí có nghiên cứu chỉ ra chúng giúp phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh.

Tủ thuốc gia đình còn nên có sẵn thuốc tiêu hóa như thuốc trị tiêu chảy cùng thuốc giảm ợ nóng. Ngoài ra nếu bạn có loại thuốc được kê đơn nào - chẳng hạn thuốc hít trị hen suyễn - thì đừng quên trữ chúng.

Thực phẩm

Bất kể gặp phải tình trạng gì, thực phẩm có thể giúp ích cho bạn. Trước hết hãy nhớ chuẩn bị nước điện giải vì chúng sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đau dạ dày cũng như bù điện giải sau tiêu chảy.

Tiếp theo là mật ong, chất làm dịu đau họng và ức chế cơn ho vô cùng hữu hiệu. Nhưng hãy nhớ đừng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống.

Mật ong vừa làm dịu đau họng vừa tăng cường miễn dịch - Ảnh: WP10

Trà thảo mộc cũng làm dịu đau họng. Đặc biệt trà nghệ giúp xoa dịu dạ dày.

Kẹo gừng hay nước gừng làm dịu đau họng, giảm đau nhức cơ thể và giảm buồn nôn. Lưu ý rằng cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng.

Muối ăn cũng có công dụng to lớn. Đau họng sẽ thuyên giảm nếu súc miệng bằng nước muối thường xuyên.

Các chuyên gia y tế cũng khuyên ăn súp lúc bệnh vì chúng dễ dung nạp hơn, đồng thời giúp bù nước và dưỡng chất.

Vật dụng khác

Ngoài thuốc và thực phẩm trị bệnh, ta còn cần chuẩn bị vài vật dụng theo dõi bệnh tình cũng như ngăn vi khuẩn phát tán.

Trước hết là nhiệt kế. Hãy mua nhiệt kế điện tử và đo nhiệt độ ở miệng hoặc dưới cánh tay. Đo ở tai hoặc trán đều có thể kém chính xác hơn.

Nhiệt kế không thể thiếu - Ảnh: Amazon

Khăn lau khử khuẩn cũng quan trọng không kém. Hãy lau sạch tất cả bề mặt thường xuyên chạm vào.

Trong nhà cũng nên có máy đo nồng độ oxy trong máu. Đây là thiết bị giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh để có thể đưa ra quyết định kịp thời.

Phòng trường hợp muốn nôn, bạn hãy chuẩn bị túi nôn tiện dụng hơn xô đặt cạnh giường.

Lúc sổ mũi, khăn giấy là không thể thiếu. Bên cạnh đó hãy trữ cả nước rửa tay chứa ít nhất 70% cồn etylic.

Đảm bảo tất cả còn hạn sử dụng

Ta nên kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo số thuốc và thực phẩm dự trữ còn hạn sử dụng. Vài loại sẽ không trở nên nguy hiểm hay mất tác dụng ngay sau ngày hết hạn, nhưng hiệu quả sẽ giảm dần theo thời gian.

Ngoài ra hãy nhớ chuẩn bị pin cho nhiệt kế, máy đo nồng độ oxy trong máu. Khăn lau khử khuẩn nếu bị khô thì nên vứt đi.