ĐỜI SỐNG

Những thương tổn trẻ sẽ gặp phải khi bị bỏ rơi

Hoa Vũ • 12-10-2022 • Lượt xem: 233
Những thương tổn trẻ sẽ gặp phải khi bị bỏ rơi

Trẻ em thường được xem là lứa tuổi cần được yêu thương và bảo vệ trong gia đình cũng như trong xã hội từ trước đến giờ. Nhưng hiện nay, tình trạng trẻ bị bỏ rơi đang không ngừng tăng lên, dóng lên những hồi chuông cảnh báo về tình trạng này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này

Theo con số thống kê của Bộ thương binh xã hội từ 2016 - 2018 số trẻ bị bỏ rơi là 469.869 trẻ, điều này được xem là một hình thức xâm hại nghiêm trọng trẻ em, đáng nói là con số này đang không ngừng tăng lên mỗi ngày. Không hiếm những vụ việc như thế đã được đăng tải trên những phương tiện truyền thông, báo chí và mạng xã hội với những tin như trẻ em bị bỏ rơi trong bệnh viện, khe tường, trước nhà dân, trước cửa chùa, thậm chí là bãi rác, gầm cầu... dẫn đến những hậu quả thật sự rất thương tâm. Cùng với đó là sự phẫn nộ với những người mẹ vô cảm, những người cha vô tâm, mất đi tình người khi bỏ rơi chính giọt máu của mình khi đứt ruột sinh ra.

Ví dụ với vụ việc gần đây, cậu bé Bảo An ở Hà Nội bị bỏ rơi khi tờ mờ sáng với một chiếc túi trong đó có một bình sữa ấm, bỉm, quần áo cùng với một bức thư. Khi đó Bảo An hồn nhiên không biết chuyện gì xảy ra. Sau khi phát hiện thì cậu được người dân đưa vào quán trà chanh, nhiều người đi ngang người thì cho bim bim, người thì cho sữa, người thì cho đồ chơi... nhưng họ chỉ đến rồi đi còn cậu bé thì vẫn đứng đó với nụ cười ngơ ngác. 

Thông qua nhiều vụ việc tương tự, cho thấy độ tuổi trung bình của những người mẹ bỏ con này còn rất trẻ, thậm chí là có những em còn đang ở trong độ tuổi vị thành niên, chưa có nhận thức về kỹ năng sống, cũng như các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn rất kém. Rất nhiều người trong số đó không được giáo dục giới tính, tình dục an toàn; sống buông thả, dễ dãi... Khi có thai ngoài ý muốn không có cách giải quyết hợp lí, sinh con ra rồi vứt bỏ con, thậm chí có những trường hợp giết con.

Trẻ em là búp trên cành, cần được yêu thương dạy dỗ - Hình minh họa

Vì đâu nên nỗi?

Nỗi lo về tài chính, tâm lý muốn giấu gia đình mang lại sự bất an, gây ra những căng thẳng trong cuộc sống, khiến họ bị những bệnh liên quan đến tâm lý dẫn đến khủng hoảng trầm trọng, tác động tiêu cực gây ra những hậu quả khôn lường. Một số bà mẹ bỏ rơi con chỉ vì những khuyết tật của con, họ sợ ảnh hưởng đến công việc của họ cũng như số khác bỏ con vì sợ những điều phán xét xung quanh như “không chồng mà chửa” hoặc bỏ con vì giận chồng, dỗi người yêu để trả thù. Thường là trường hợp của những bà mẹ trẻ do còn non nớt, hay do những giây phút nghĩ quẩn, đường cùng, không biết cách giải quyết hợp lý, dẫn tới hướng giải quyết tiêu cực.

Cùng với đó, là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự vô cảm của người đàn ông khiến họ mang thai,. Hay thiếu sự quan tâm sát sao, chia sẻ từ người thân, cha mẹ. Đưa đến tình trạng người phụ nữ một mình “vượt cạn” bị bỏ rơi, cùng với sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật, bị cảm xúc chi phối dẫn đến thực hiện hành vi vứt bỏ con...

Nhu cầu quan hệ tình dục là chuyện bình thường của con người, nhưng một bộ phận người trẻ không có trách nhiệm với hành vi của mình thì rất đáng để lên án. Dù cho như thế nào hay bất cứ lý do gì thì những hành động thế này sẽ không bao giờ có thể tha thứ được. Những người làm cha, làm mẹ phải là người chăm sóc, chở che yêu thương con mình nhất, nhưng họ lại có hành vi gây thương tổn cho đứa trẻ. Từ đó gây ra những ảnh hưởng tâm lý của chính những đứa trẻ về lâu dài, cũng như ảnh hưởng đến đạo đức trong xã hội hiện nay.

Trẻ sẽ ra sao nếu bị cha mẹ bỏ rơi?

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ

Một đứa trẻ bị bỏ rơi dễ gặp tình trạng khó khăn và căng thẳng, bởi trẻ sợ bi kịch đó sẽ tái diễn, hơn nữa tính cách của trẻ cũng trở nên thất thường sớm nắng chiều mưa, hay khóc hoặc dỗi hờn, dễ nóng giận hoặc cáu gắt. Tình trạng này có thể kéo dài đến khi đứa trẻ đó lớn lên, thậm chí suốt đời, khi mà những hành vi bốc đồng cáu kỉnh sẽ khiến cho những người xung quanh ngại tiếp xúc và xa lánh người đó.

Hơn nữa nhiều đứa trẻ sẽ có những suy nghĩ mình không đáng được yêu thương đi theo chúng suốt đời, để rồi người đó không dám kết bạn, e ngại sự gần gũi, và gặp khó khăn trong mọi mối quan hệ. Nếu tệ hơn thì sẽ có những suy nghĩ, những tư tưởng lệch lạc như cần phải bảo vệ bản thân mình khỏi mọi nỗi đau bằng mọi giá. Những đứa trẻ này về sau có thể trở thành những người lớn khó gần, sống với suy nghĩ rằng thà bỏ rơi người khác hoặc tự tay chấm dứt mối quan hệ trước, còn hơn là để người ta bỏ rơi mình.

Tác động đến sự tự trọng của con người

Đối với điều này đã có nhiều nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi thì thường có lòng tự trọng rất thấp dẫn đến việc kết giao với những người bạn có những cái tiêu cực giống mình. Nỗi sợ bị bỏ rơi cũng như lòng tự trọng thấp khiến cho chủ thể không thể tin tưởng ai, không dám tin vào cuộc sống, thường cảm thấy bản thân mình vô dụng, không thích các mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi, hoặc thường xuyên phải chống chọi với tình trạng lo âu, trầm cảm.

Có tính phụ thuộc

Họ cần và tìm kiếm sự chấp thuận và công nhận của những người khác. Họ có thể chọn vai bạo chúa không để lộ bản thân và có quyền kiểm soát, hoặc họ cũng có thể chọn vai trò nạn nhân. Họ có xu hướng cho nhiều để nhận lại rất nhiều, và khi không nhận được thì họ sẽ nản lòng.

Tinh thần trách nhiệm

Trẻ em không hiểu chuyện gì đang xảy ra và tự trách mình vì sự ra đi của người cha hoặc người mẹ. Đứa trẻ sẽ tin rằng đó là lỗi của họ cho một điều gì đó sai trái mà họ đã làm, và họ cảm thấy có trách nhiệm.

Hình minh họa

Biện pháp nào khắc phục những tổn thương khi trẻ bị bỏ rơi?

Tiến hành điều trị tâm lý cho những đứa trẻ bị bỏ rơi: Việc điều trị tâm lý cho những trẻ bị bỏ rơi cần diễn ra từ từ trong một thời gian dài. Cha mẹ nuôi hay những người giám hộ cần có trách nhiệm quan sát và hỗ trợ trẻ trong thời gian này. Đừng lơ là các dấu hiệu bất thường của các con: người giám hộ cần quan tâm bé, bày tỏ tình yêu thương, không dò xét. Thường xuyên trò chuyện, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ với người nuôi dưỡng về những gì bản thân đang trải qua. Người giám hộ cần thực sự lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết những vấn đề mà con đang gặp phải.

Động viên bé kết nối với xã hội: Những đứa trẻ bị bỏ rơi dẫn tới trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích với bạn bè. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến cho tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Bạn hãy khéo léo giúp trẻ tái kết nối với xã hội bằng việc đi chơi, du lịch...

Biết được khi nào trẻ cần kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia: Khi người giám hộ đã áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng này không cải thiện thì có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học.

Gia đình là môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển. Vì thế, việc hỗ trợ các bà mẹ đơn thân, gia đình nghèo để họ đủ sức đương đầu với khó khăn, dũng cảm nuôi con là giải pháp tốt để tránh xảy ra những chuyện thương tâm. Tuy nhiên với mức trợ cấp xã hội dành cho trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn là 540.000 đồng/tháng, chỉ bằng 20% mức sống trung bình năm 2018, chưa bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh việc nâng mức trợ cấp cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bảo vệ các bà mẹ đơn thân, cần phải xây dựng mạng lưới chăm sóc trẻ em cộng đồng. Ngoài hỗ trợ các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, điều này sẽ giúp  phát hiện nguy cơ bỏ rơi trẻ em ở các gia đình nghèo khó để tìm giải pháp xử lý.

Và đối với những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, mà gia đình có vấn đề không nuôi được các cháu, các nhân viên công tác xã hội tại địa phương có trách nhiệm tìm hiểu để sớm phát hiện. Sau đó, quan tâm tư vấn để những phụ nữ này để có cách xử lý tốt, góp phần giảm tình trạng bỏ rơi trẻ em. Bởi những người mẹ lúc đó cũng gặp khủng hoảng về tinh thần. Họ cũng cần được tham vấn, tư vấn và thậm chí trị liệu về tâm lý. Bên cạnh đó những nhân viên tại các địa phương có trách nhiệm tìm hiểu, chia sẻ thông tin với nhau nhằm kết nối giữa những bà mẹ có con ngoài ý muốn với những bà mẹ có nhu cầu nhận con trên nguyên tắc bảo mật thông tin cho các bà mẹ. Đồng thời, giúp các bà mẹ hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cần thiết.

Đối với trường hợp có con là người khuyết tật thì cán bộ trong nơi cư trú cần tiếp cận, giúp đỡ, giúp trẻ được tiếp cận các cơ sở phục hồi chức năng, được giải quyết các chế độ trợ cấp xã hội, được chăm sóc tốt về sức khỏe. Cũng như thành lập những trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày cũng là một phương án hay. Với những trẻ khuyết tật, các bà mẹ có thể gửi con mình tại những trung tâm này để yên tâm đi làm, cải thiện thu nhập.

Đó là những biện pháp để giảm thiểu tình trạng trẻ bị bỏ rơi, ngoài ra cũng cần những người trẻ khi quan hệ tình dục sử dụng các biện pháp tránh thai cũng như việc giáo dục giới tính là rất cần thiết trong xã hội ngày nay.