ĐỜI SỐNG

Những video hướng nghiệp độc hại của TikToker khiến học sinh cuối cấp lo lắng

Nguyễn Hậu • 31-03-2023 • Lượt xem: 710
Những video hướng nghiệp độc hại của TikToker khiến học sinh cuối cấp lo lắng

Đây là thời gian cao điểm trong chọn trường chọn ngành của học sinh cuối cấp với mong muốn có công việc phù hợp trong tương lai. Những video hướng nghiệp “độc hại” của Tiktoker đang khiến nhiều em băn khoăn, lo lắng.

Đối với các em học sinh lớp 12 thì việc chọn ngành học là một việc hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng tới cả tương lai sau này. Vì vậy các em học sinh và gia đình đều đang lo lắng với con đường nghề nghiệp tương lai của mình. Trong thời điểm nhạy cảm như này lại xuất hiện quá nhiều video “độc hại” của các TikToker đánh giá về những ngành nghề như thế này là vô dụng, nghề kia khó xin việc... phiến diện, thiếu sự kiểm chứng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc làm của các TikToker là hành vi trái đạo đức cần có hướng xử lý ngay để không gây hoang mang trong dư luận.

Những video câu view, rẻ tiền, trái đạo đức

Hiện nay mạng xã hội phát triển rất nhanh, đặc biệt là TikTok được giới trẻ Gen Z rất ưa chuộng. Có thể nói đây là một trong những kênh thông tin truyền thông lớn có sự ảnh hưởng mạnh tới giới trẻ.

Một cô gái trẻ tại Trung quốc đăng tải video lên TikTok nói về việc gửi 800 hồ sơ tới các công ty, chỉ có 30 công ty mời phỏng vấn nhưng không vượt qua một cuộc phỏng vấn nào cả. Đây là sự thật hay chỉ là một video câu view thì tính chính xác trong câu chuyện này vẫn chưa được kiểm chứng. Nhưng nó đã trở thành nội dung bàn luận sôi nổi của của giới trẻ hiện nay.

Tại Việt Nam các video nói về “ngành học vô dụng nhất” lại đang thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt xem trên TikTok càng khiến cho một số học sinh lớp 12 có ý định thi vào ngành nghề này rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng.


Những video clip gây hoang mang trong dư luận 

Em Nguyễn Hùng Mạnh, học sinh trường THPT May Hà Nội chia sẻ: "Ngành nghề mà em chọn học sắp tới lại bị gắn mác tiêu cực, với cả vô dụng khiến em khá hoang mang”.

Em Trần Tùng Lâm, học sinh trường THPT Công nghiệp, Việt Trì, Phú Thọ chia sẻ: "Em khá là hoang mang khi xem video các TikToker chia sẻ về các ngành học vô dụng, ra trường ít có cơ hội nghề nghiệp khiến em và một số bạn trong lớp có cùng sở thích bối rối khi lựa chọn ngành học".

Em Nguyễn Đăng Bách, học sinh trường THPT Trung Văn, Hà Nội cho biết: Em dự định sẽ thi vào ngành quản lý nhân sự. Nhưng sau khi em xem xong những video hướng nghiệp độc hại, lệch lạc trên mạng xã hội rằng: Ngành quản lý nhân sự thiên về sử dụng kỹ năng mềm nên các bạn không cần có bằng đại học thì vẫn có thể làm được... khiến cho em Bách bị phân vân không biết nên thay đổi sang ngành khác học không. Vì em lo sợ tấm bằng đại học của mình sẽ “vô dụng” như lời phỏng đoán trong video.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Huệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Bà rất sốc khi xem những video tư vấn hướng nghiệp của các TikToker trẻ. Nội dung trong các video này hoàn toàn sai lệch, không giúp học sinh định hướng nghề nghiệp mà ngược lại gây hoang mang.

Bà Nguyễn Thúy Lan, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Ngành ngôn ngữ Anh là một trong số những ngành đang bị gắn mác vô dụng mang lại cho các bạn nhiều giá trị hơn là chứng chỉ Ielts. Khi theo học ngành này sinh viên sẽ được học về tư duy sáng tạo, tư duy khởi nghiệp, tư duy phê phán, kế hoạch tài chính cá nhân, quản trị thương hiệu, văn minh phương Tây, lịch sử giao thương Đông Á... Những kiến thức này sẽ giúp bạn làm được nhiều ngành nghề trong cuộc sống".

Thầy Nguyễn Duy Anh, giảng viên bộ môn quản trị kinh doanh tại FPT Polytechnic Hà nội cho biết: "Những ai có tư tưởng cho rằng ngành quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing... là ngành học vô dụng thì người đó chưa biết cách tận dụng những lợi thế từ các ngành học đó mang lại mà thôi. Những ngành này sẽ giúp mở mang được góc nhìn, tư duy trong việc đảm nhận những vị trí quản trị trung và cao cấp của một doanh nghiệp. Giúp bạn có cái nhìn tổng quát về doanh nghiệp, tìm ra được những giải pháp hiệu quả giúp phát triển doanh nghiệp".

Học sinh hãy tự tin và tránh xa những thông tin “độc hại”

Hoàng Khánh Linh, sinh viên khoa ngôn ngữ Anh trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà nội cho biết: Đối với em ngôn ngữ rất quan trọng khi em theo đuổi nghề content writer, vì giúp em xác định được khách hàng là ai, từ đó em dùng ngôn từ một cách chính xác để tiếp cận với họ và làm cho họ hiểu được nội dung mà em muốn truyền tải.

Anh Trần Anh Tuấn, Hà Nội đã tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin hiện nay đang làm quản lý tại một công ty về công nghệ viễn thông cho rằng: Kênh Tiktok hiện nay được người trẻ tuổi đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích bởi nó có ưu điểm là truyền đạt thông tin nhanh chóng, trực quan, dễ tiếp cận. Tuy nhiên những video trên Tiktok có thời lượng ngắn trong khi tư vấn hướng nghiệp là một chủ đề cần nhiều thông tin và thời gian để tìm hiểu vì vậy những video đó không thể truyền tải đầy đủ và đúng nội dung tư vấn. Các em học sinh lớp 12 nên tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc, tránh những video, clip có nội dung gây sốc, gây tranh cãi nhằm mục đích tăng lượt theo dõi cho kênh hoặc câu view, câu like cho video, quảng cáo sản phẩm...

Tìm nguồn tư vấn hướng nghiệp tin cậy, uy tín

Để giúp học sinh có đủ tự tin và sáng suốt khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề thì việc định hướng nghề nghiệp ngay từ khối phổ thông đóng vai trò rất quan trọng.

Tại trường THPT Tứ Kỳ II, Tỉnh Hải Dương hoạt động tư vấn hướng nghiệp là hoạt động thường niên được phối hợp với các trường Cao đẳng và Đại học. Tại đây các em sẽ được đóng vai để trở thành biên tập viên chương trình, nhà báo, MC, giáo viên... giúp các em có thêm hiểu biết về công việc của từng ngành nghề để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh

Bà Nguyễn Hạnh Chi, Trưởng phòng tư vấn hướng nghiệp, trường THPT liên cấp Olympia cho biết: Tại trường việc hướng nghiệp được chi làm 3 mảng chính là giáo dục hướng nghiệp và trải nghiệm, tư vấn hướng nghiệp. Tại trường Olympia các em học sinh cuối cấp sẽ có 40 giờ kiến tập và thực tập thực tế tại các doanh nghiệp. Điều này cho thấy hoạt động hướng nghiệp của trường không chỉ gói gọn trong quy mô nhà trường mà đã mở rộng ra các doanh nghiệp. Tất cả các nguồn lực của trường bao gồm ban giám hiệu, các thầy cô cố vấn, giáo viên bộ môn, phụ huynh học sinh, cựu học sinh... đều tham gia công tác hướng nghiệp và tăng tính trải nghiệm cho học sinh.

Theo đại diện của trường đại học FPT TP.HCM cho biết, hiện nay có không ít trường đại học cho học sinh đăng ký tham quan cũng như tham gia vào lớp học trải nghiệm của từng chuyên ngành. Ngoài ra học sinh lớp 12 nên tham gia bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách như MBTI và cần chú ý đến 3 yếu tố khi lựa chọn ngành học là: yếu tố năng lực bản thân, yếu tố sở thích đam mê và cuối cùng là thị trường lao động và nhu cầu việc làm.

Theo kết quả khảo sát và báo cáo nhu cầu nhân lực năm 2023 do trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM cung cấp: Hiện thành phố cần khoảng 300.000 - 320.000 người lao động trong các ngành quản trị kinh doanh, Marketing, bất động sản, thương mại, tài chính... Để có nhiều cơ hội thành công cho người học thì việc theo đuổi nghề đúng năng lực và đúng nhu cầu đồng thời bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội là điều quan trọng. Vì vậy cần lựa chọn môi trường đạo tạo thực tế, học thực chất, làm thực chiến.