ĐỜI SỐNG

Nhuộm tóc thường xuyên và những ảnh hưởng cho sức khỏe

Lan Hương • 18-08-2023 • Lượt xem: 818
Nhuộm tóc thường xuyên và những ảnh hưởng cho sức khỏe

Ngày nay nhuộm tóc đang trở nên phổ biến với nhiều người nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp, che đi khuyết điểm hay thể hiện cá tính bản thân. Thế nhưng bạn có biết việc thay đổi màu tóc thường xuyên gây ảnh hưởng nguy hại như thế nào cho sức khỏe?

Chỉ mới được nhiều người ưa chuộng khoảng vài chục năm gần đây, thế nhưng nhuộm tóc được biết đến như một phần trong việc làm đẹp của con người từ khoảng 4.000 năm về trước. Người Ai Cập cổ đại từ xưa đã có ý thức làm đẹp bản thân và được xem là tổ tiên sáng tạo ra các loại mỹ phẩm. Và chính họ cũng là những người đầu tiên trong lịch sử loài người biết sử dụng thuốc nhuộm tóc.

Thời đó họ dùng cây Henna để nhuộm đen mái tóc bạc và nhiều năm sau, người Hi Lạp và La Mã đã phát triển được bảng màu nhuộm với nhiều màu sắc phong phú hơn. Và tất nhiên những nguyên liệu dùng nhuộm tóc lúc này đều hoàn toàn tự nhiên.

Cho đến năm 1863, một bước ngoặt mới đã làm thay đổi lịch sử vật liệu nhuộm tóc. Trong khi tạo ra thuốc chữa bệnh sốt rét, ngài Perkin – một nhà hóa học người Anh đã tình cờ tạo ra thuốc nhuộm nhân tạo có màu hoa cà và nó được đặt tên là Mauveine. Sau đó, nhà hóa học người Đức – August Hoffman đã nghiên cứu ra loại thuốc nhuộm có chứa Paraphenylenediamine (viết tắt là PPD). Cho đến hiện nay, hoạt chất này vẫn là thành phần chủ yếu trong các loại thuốc nhuộm tóc hiện đại.

Xu hướng nhuộm tóc ngày càng phổ biến

Trước cuộc sống ngày càng năng động và không ngừng biến chuyển, ngày càng có nhiều người dùng thuốc nhuộm tóc như một hình thức trang điểm và làm đẹp. Với các bạn trẻ, nhuộm tóc để mang đến gương mặt trẻ trung tươi mới hơn. Một số bạn cá tính thích chọn những màu sắc nổi bật hoặc nhuộm light để tạo sự khác biệt, hoặc để phù hợp với kiểu tóc mới, phù hợp với bộ quần áo thời trang hay hợp mốt với đôi giày phá cách.

Nhuộm tóc là một trong những hình thức làm đẹp, mang đến sự tự tin và được nhiều người ưa chuộng.

Không chỉ có các bạn nữ mới ưa chuộng tóc nhuộm màu mà rất nhiều nam giới cũng tìm đến tóc nhuộm để tạo cá tính riêng biệt và giúp bản thân trở nên tự tin thoải mái. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ tuổi trung niên hay các chị em tóc bạc sớm phải nhuộm tóc thường xuyên để che đi những sợi bạc.

Nói tóm lại, việc nhuộm tóc đã trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống bởi nó đáp ứng đủ loại nhu cầu của rất nhiều người. Người tóc bạc muốn nhuộm đen để giữ mãi tuổi thanh xuân, người tóc cháy nắng lại muốn nhuộm để có mái tóc đều màu hơn, có người lại muốn nhuộm màu tóc để phù hợp với gương mặt, người khác lại muốn thể hiện cá tính riêng… Thế nhưng trước sự tiện dụng đó, ít ai lại bận tâm đến mối nguy hại tiềm ẩn mà thuốc nhuộm âm thầm gây ra cho sức khỏe con người.

Thuốc nhuộm tóc, mối nguy hại tiềm ẩn cho sức khỏe

Ngày nay, mặc dù trải qua nhiều nghiên cứu và cải tiến, thuốc nhuộm tóc đã bớt độc hại và mùi khó chịu cũng giảm đi rất nhiều. Thế nhưng đây vẫn là thành phần hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe và độc hại cho da nếu sử dụng lâu dài cũng như tần suất sử dụng thuốc lặp lại thường xuyên.

Tóc dễ hư tổn và gãy rụng: Hóa chất trong thuốc nhuộm khiến sợi tóc bị mất độ ẩm, tóc trở nên giòn, yếu và dễ gãy, không còn độ bóng mượt tự nhiên. Với các bạn đổi màu tóc thường xuyên hoặc thích nhuộm những màu sáng cần phải thêm bước tẩy tóc. Quá trình này khiến tóc hư tổn nghiêm trọng, một thời gian ngắn màu tóc sẽ phai lộ ra phần tóc khô xơ, cần phải nhuộm tiếp nếu muốn tóc đẹp lại. Vòng lặp này sẽ mãi luẩn quẩn khiến tóc rơi vào hư hỏng nặng nề. Để khắc phục chỉ có biện pháp cắt bỏ phần tóc đó và nuôi lại tóc mới.

Gây dị ứng: Với những người có cơ địa da nhạy cảm, khi tiếp xúc với thuốc nhuộm sẽ xuất hiện cảm giác châm chích, nóng rát, ngứa, sưng nề da dầu hay mụn mủ…

Nhuộm tóc có thể gây dị ứng da đầu và nhiều tác hại nghiêm trọng khác cho sức khỏe.

Ảnh hưởng nội tiết: Thành phần Alkylphenol Ethoxylate (APE) – một hoạt chất trong thành phần thuốc trừ sâu, chất này có tác dụng làm cho thuốc nhuộm có màu sắc đẹp hơn nhưng nếu bị hấp thụ vào cơ thể nó có thể gây rối loạn nội tiết. Ngoài ra trong thuốc nhuộm còn chứa Isopropyl Alcohol gây chứng trầm cảm và đau đầu.  

Ảnh hưởng đến mắt và da đầu: Đây là ảnh hưởng dễ thấy nhất khi dùng thuốc nhuộm tóc. Trong một số loại thuốc nhuộm có những chất hóa học khi bay hơi có thể gây cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi… Ngay cả thợ làm tóc cũng thường bị bào mòn da tay, nứt nẻ mặc dù khi vào thuốc đã găng tay cẩn thận.

Xương khớp cũng bị ảnh hưởng: Những người thường xuyên nhuộm tóc thường xuất hiện tình trạng đau nhức các khớp như bàn tay, khuỷu tay, khớp gối, cổ chân… Và kèm theo các biểu hiện như da tay, da đầu ngứa, nổi mụn nước, rụng tóc, mặt và tay đỏ ửng, sưng phù… Nguyên nhân do thành phần Paraphenylenediamine chứa trong phần lớn các loại thuốc nhuộm tóc hiện nay gây ra.

Có thể gây ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy rằng người thường xuyên nhuộm tóc có thể mắc nguy cơ ung thư càng cao. Những loại ung thư phổ biến từ thuốc nhuộm không an toàn có thể kể đến như ung thư vú, ung thư da đầu, bàng quang…

Giảm thiểu tác hại khi sử dụng thuốc nhuộm tóc

Nhuộm tóc dường như là nhu cầu tất yếu của nhiều người cũng như việc từ bỏ hình thức làm đẹp này là rất khó. Vì thế để có thể vừa đáp ứng nhu cầu làm đẹp vừa giảm thiểu tối đa tác hại cho cơ thể, bạn cần lưu ý về việc không nên nhuộm tóc quá thường xuyên. Thời gian tối thiểu giữa mỗi lần nhuộm cần cách nhau 6 tháng.

Nên hạn chế việc nhuộm tóc thường xuyên để tránh những nguy hại có thể xảy ra cho cơ thể.

Với những người nhuộm phủ bạc, thời gian tóc mọc ra rất nhanh, thường 1 tháng đã phải dặm lại một lần. Việc phủ bạc liên tục như thế rất có hại, vì thế nếu có thể bạn hãy chọn phương thức nào an toàn hơn. Chẳng hạn đội tóc giả hoặc chọn những loại thuốc thảo dược ít có hại hơn cho tóc.

Người dùng cần lưu ý chọn những loại thuốc nhuộm từ những nhãn hàng uy tín, không trộn thuốc nhuộm khác loại chung với nhau để tránh tăng nguy cơ tổn thương da đầu. Nên ủ dưỡng tóc mỗi tuần một lần và lựa chọn các loại dầu gội có thành phần dưỡng tóc và hạn chế sấy nóng để tóc được bảo vệ một cách tốt nhất.