ĐỜI SỐNG

Nỗi lòng cuối năm: Áp lực tài chính vì được mời cưới

HaoKhanh • 12-11-2024 • Lượt xem: 1323
Nỗi lòng cuối năm: Áp lực tài chính vì được mời cưới

Cứ vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 cuối năm, khi tiết trời se se lạnh, cầm trên tay những tấm thiệp hồng, chúng ta mới chợt nhận ra rằng mùa cưới đang đến. Bên cạnh những niềm vui và sự hân hoan chúc phúc cho đôi uyên ương, còn là nỗi lo về tài chính đối với nhiều người.

Nỗi lo tài chính của các bạn trẻ trong mùa cưới

Những tháng cuối năm Âm lịch thường được xem là “thời điểm vàng” để tổ chức các buổi tiệc quan trọng, đặc biệt là các đám cưới diễn ra liên tục. Thế nhưng, thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, mức chi phí sinh hoạt tăng cao kéo theo tiền mừng cưới cũng ngày một tăng. Việc cân bằng tài chính như thế nào và mừng cưới bao nhiêu cho hợp lý trở thành áp lực của nhiều bạn trẻ.

Hoàng Lan (24 tuổi, TP.HCM) vừa ra trường được 2 năm. Cô cho hay chưa năm nào mình nhận được nhiều thiệp cưới như cuối năm nay, mỗi tuần trung bình cô nhận được 1,2 tấm thiệp cưới. Trước kia khi còn là sinh viên, cô chỉ đi tầm 200.000đ - 300.000đ cho một buổi tiệc. Nhưng từ khi đi làm, nếu mừng ít quá thì cô sẽ rất ngại nên trung bình mỗi tấm thiệp mời, cô đi khoảng từ 500.000đ – 1.000.000đ, đặc biệt là với những người thân thiết trong gia đình thì đi số tiền này có thể lên tới 2.000.000đ. Đối với một nguời làm công ăn lương như cô thì số tiền trên quả thật không hề nhỏ khiến cô đau đầu.

Cùng chung nỗi lo là Ngọc Mai (27 tuổi, TP.HCM). Kể từ đầu tháng 11 tới nay, cô cũng đang tất bật vì phải “chạy show” 4 đám cưới, bao gồm của bạn bè, của đồng nghiệp và cả anh chị em họ hàng. Cô kể rằng mình khó lòng từ chối hay bỏ lỡ đám cưới nào cả. Thế nhưng nếu tham dự hết, cô nhẩm tính sẽ ngót nghét tốn hết vài triệu bạc, chưa kể đến các chi phí khác như quần áo, giày dép, make up khi đi dự tiệc vì cô nghĩ rằng đám cưới là một dịp trọng đại, mình cần phải chỉnh chu, gọn gàng để thể hiện sự tôn trọng. Khoản chi cho việc tham dự các đám cưới liên tục trong dịp cuối năm như thế này có thể sẽ khiến cô rơi vào tình trạng “cháy túi” lúc nào không hay.

Minh Đức (27 tuổi, TP.HCM) là một người vui vẻ, năng động và hướng ngoại nên anh có rất nhiều bạn bè. Chàng trai trẻ cho hay anh thoải mái trong các khoản chi tiêu, không hề nghĩ ngợi về chuyện tiền bạc khi bạn bè mời cưới bởi đó là những mối quan hệ thân thiết và những người mà mình yêu quý. Anh thường hay nói vui rằng “Dành cả thanh xuân để đi ăn cưới” nên rất hào hứng đến tham dự nếu được mời và vui vẻ gửi tiền mừng mà không tính toán thiệt hơn. Tuy nhiên anh cũng khá là ngạc nhiên và bất ngờ vì mới chỉ trải qua mấy ngày đầu tháng mà anh đã nhận được 5 tấm thiệp cưới. Những thiệp hồng gửi tới liên tục cùng một lúc, diễn ra cùng một thời điểm buộc anh phải tìm cách cân bằng lại chi tiêu và sắp xếp lại lịch trình công việc.

“Cuối tuần này, mình có hai đám cưới cùng tổ chức trong một ngày, một tiệc của người bạn thân ở thành phố và một tiệc của người em ở Vũng Tàu. Điều này đồng nghĩa mình vừa đến dự đám cưới của bạn xong là phải xách hành lý lên và phải bắt xe chạy về Vũng Tàu ngay thì mới kịp chúc mừng cho em gái. Bên cạnh tiền mừng cưới, mình lo sẽ còn phát sinh nhiều khoản khác như xe cộ, xăng dầu và mua sắm,…”

Đó có lẽ không chỉ là những điều băn khoăn của riêng các bạn trẻ mà còn là nỗi lo của rất nhiều người trong việc cân đối các khoản chi tiêu trong mùa cưới sao cho hợp lý để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống.

Làm cách nào để cân bằng tài chính, thu chi trong mùa cưới?

Thay vì bị cuốn theo áp lực chi tiêu, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ cần phải tìm cho mình một cách tham dự tiệc cưới giản đơn và phù hợp với khả năng để tránh ảnh hưởng tới các kế hoạch tài chính sau này.

“Hàng tháng, sau khi lãnh lương mình đều dành ra 20% thu nhập để tạo một quỹ tiết kiệm riêng dự phòng. Có những tháng dư dả hoặc được khen thưởng mình sẽ bỏ thêm vào một chút nữa. Số tiền này mình sẽ dùng cho các bữa tiệc tùng, đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, thôi nôi,…Và khi nhận được thiệp mời mình chỉ cần rút từ trong quỹ này ra. Điều này giúp mình cảm thấy bớt lo lắng và thoải mái hơn.”

Hoàng Lan cho hay, để cân bằng bài toán kinh tế, việc phân bổ ngân sách cho từng hạng mục một cách rõ ràng, chi tiết là vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này giúp cô chủ động hơn trong vấn đề quản lý chi tiêu và không bị ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng tháng.

Có cùng quan điểm, Ngọc Mai cũng ủng hộ cho việc tập nuôi heo tiết kiệm để sử dụng cho các buổi tiệc, trong đó có mừng cưới. Bên cạnh đó, cô thường lên danh sách những khoản chi phí một cách rõ ràng. Nếu những tháng vung tay quá đà, cô sẽ cắt giảm một số khoản không cần thiết để tiết kiệm hơn, hạn chế đi chơi, hội họp bạn bè, nấu ăn ở nhà và chỉ mua những món đồ mình cần,…

Còn đối với Minh Đức, những dịp cuối năm anh sẽ nhận thêm các công việc bán thời gian để tăng thêm thu nhập, giúp anh chàng chi tiêu thoải mái hơn. Với những mối quan hệ mang tính chất lễ nghĩa, xã giao không thân thiết anh lựa chọn chỉ gửi quà mừng, vừa lịch sự tôn trọng, vừa tiết kiệm được một khoản chi phí để lo cho những việc khác. Anh cũng hi vọng những tháng cuối năm này, tiền thưởng sẽ kha khá một chút để cuộc sống đỡ áp lực hơn.

Tuy nhiên, các bạn trẻ đều có cùng quan niệm rằng, tiệc cưới là dịp trọng đại, thiêng liêng nên đều cố gắng sắp xếp thời gian, vui vẻ, hào hứng tham gia để chia sẻ hạnh phúc với gia chủ. Không cần quá nặng nề về vật chất mà quan trọng là ở tấm lòng và tiền mừng cưới nên phù hợp với tình hình tài chính cũng như thu nhập, điều kiện cuộc sống của mỗi người.


Tag: