Trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao không những giúp nông dân thoát nghèo thậm chí còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo thống kê Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 60.000 tấn dược liệu khác nhau sử dụng vào việc chế biến vị thuốc, nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp dược, công nghiệp mỹ phẩm và xuất khẩu.
Với tiềm năng lớn như vậy nên nhiều địa phương đang hình thành các vùng trông cây dược liệu. Nếu so sánh với cây lúa hay cây hoa màu thì cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao hơn và mang lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân.
Tại Thái Bình, nông dân đang từng ngày xây dựng thương hiệu cây dược liệu riêng cho mình. Tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, Thái Bình sau mỗi vụ lúa mùa nông dân lại làm đất trồng các loại cây ngưu tất, cà gai leo, cây hòe. Bà nguyễn Thị Tuyết nông dân xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, Thái Bình cho biết cho biết những cây dược liệu này mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích canh tác, giá trị thu nhập cao gấp 4-5 lần cây lúa, riêng cây ngưu tất đạt 8-9 triệu đồng một sào, lúc cao điểm lên đến 12 triệu đồng một sào còn ngô, lúa thì chỉ được 3 triệu.
Ông Nguyễn Xuân Cách nông dân xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, Thái Bình cho biết cây ngưu tất dễ trồng cho năng suất cao, 1 sào cây dược liệu đong được 2 tấn thóc với giá 1 triệu 1 tấn, còn nếu mà cấy lúa thì năng suất không được nhiều như thế này nên nông dân rất phấn khởi.
Cây dược liệu không chỉ cho thu nhập cao mà đầu ra cũng rất dễ dàng, thương lái thu mua tại ruộng, tại các vùng trồng hình thành các mô hình hợp tác xã để liên kết, kết nối khâu tiêu thụ. Do cây dược liệu chỉ cần phơi khô bảo quản được trong thời gian dài mà không bị hỏng nên tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Ngoài ra theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp, Hưng Hà, Thái Bình cho biết sản phẩm cây ngưu tất trở thành sản phẩm ocoop của địa phương vì vậy liên kết được với các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vào thì hợp tác xã sẽ ký kết hợp đồng với giá cả ổn định không bị tư thương ép giá.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Sở luôn định hướng cho nông dân lựa chọn vùng có thổ nhưỡng thích hợp để phát triển. Cây nào phát triển trong vụ đông được thì phải mở rộng ví dụ như cây ngưu tất để mở rộng sang các địa phương lân cận. Đối với vùng đất bãi ven sông phù hợp trồng cây hòe. Vùng đất lúa kém hiệu quả thì chuyển đổi sang trồng cây cà gai leo. Hiện nay diện tích trồng dược liệu của Thái Bình là 1.300 ha giá trị thu về hàng năm trung bình 270 tỷ đồng.
Nhiều loại nông sản cũng chính là dược liệu như gừng, xả, nghệ, ngải cứu, tía tô, diếp cá... trước đây thì những cây này được trồng để bán thẳng cho người tiêu dùng, chỉ có một phần nhỏ được chế biến thành sản phẩm dược liệu có giá trị. Vài năm gần đây các công ty khởi nghiệp nông nghiệp đã nhìn ra cơ hội và có cách tiếp cận mới trong chế biến và khai thác giá trị dược liệu từ những nông sản này. Sau khi đưa công nghệ vào thì những loại rau dễ bị hư hỏng như tía tô, diếp cá sau sẽ được chế biến và cô đặc thành trà hòa tan giữ nguyên dược tính mà thời hạn sử dụng được 1 năm. Điều này giúp tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe có giá trị cao.
Tại Mường Hoong, Đắk Glei, tỉnh Kom Tum, sâm dây được trồng với diện tích lớn, đây là một trong những sản vật quý của vùng núi Ngọc Linh. Nhờ vậy mà bà con dân tộc Sơ Đăng nơi đây đã thoát nghèo. Từ khi thành lập hợp tác xã phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây và sự giúp đỡ của địa phương nhiều chị em đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sâm dây.
Theo một nông dân cho biết trồng sâm dây không cần tưới nước, chỉ cần nhổ cỏ. Thời gian để có thể thu hoạch được là khoảng 8 tháng đến một năm. Những năm trở lại đây sâm dây rất được giá, mỗi một cân sâm dây tươi bán cho thương lái với giá vài trăm nghìn một ký tùy kích cỡ củ. Vì thế nhà nào cũng thu hoạch hàng chục cho tới hàng trăm triệu mỗi vụ sâm dây.
Sâm dây sau khi được thu hoạch sẽ được phân loại theo kích cỡ và rửa sạch. Những củ nhỏ và vừa sẽ được dùng để nấu cao, những củ to sẽ phơi đóng gói thành phẩm và ngâm rượu để tạo thành rượu sâm Ngọc Linh. Các sản phẩm từ sâm dây ngày càng đa dạng và được công nhận là sản phẩm ocoop mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho vùng dân tộc miền núi.
Theo ngành thảo dược toàn cầu thì doanh thu năm ngoái của ngành đạt trên 110 tỷ đô la Mỹ và dự báo tăng lên 178 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2026, mỗi năm tốc độ tăng trưởng trên 8%. Điều này cho thấy cơ hội phát triển vùng trồng dược liệu và chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu là rất lớn. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để nâng cao chất lượng cây dược liệu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.