GIẢI TRÍ

NSND Lý Huỳnh về đất Mẹ và những điều không thể quên

Lữ Đắc Long • 22-10-2020 • Lượt xem: 547
NSND Lý Huỳnh về đất Mẹ và những điều không thể quên

Sau một thời gian dài chiến đấu với nhiều căn bệnh, sáng nay Lý Hương vừa thông báo trong tiếng khóc nức nghẹn: "Ba em mất rồi anh ơi, hiện cả nhà đang lo cho ba đây!”.

Đây thật sự là một tin buồn với những ai từng yêu mến một tượng đài điện ảnh như ông, bởi hàng loạt vai diễn của ông để lại cho đời như: Ông Hai Cũ, Ông Hai Lúa, Trung Uý Sâm, Đại Tá Hoàng… đã thật sự đi vào ký ức người yêu điện ảnh.

Mới đây, trong lần nhận tin nghệ sĩ Hoàng Lan đang bị bệnh nặng nằm trong bệnh viện mà không có tiền chữa trị, ông còn kêu tôi đến nhà, rồi “vận động” bà xã, Lý Hương… ủng hộ cho Hoàng Lan 50 triệu đồng. Ông nói trong nụ cười rất hiền: “Lan đóng phim cho nhà chú rất nhiều, cô ấy rất vui vẻ và xinh đẹp, nên giờ đang gặp khó khăn, cho chú và gia đình gởi chút đỉnh ủng hộ em nó vượt qua cơn khó này nha…”. Thật sự, dù biết ông bệnh đã lâu, nhưng không ai ngờ, ông lại ra đi một cách đột ngột như vậy.

Xuất hiện trên màn ảnh từ những năm trước giải phóng, nửa thế kỷ qua, NSND Lý Huỳnh đã gắn bó với phim trường ở rất nhiều vai trò: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo võ thuật, nhà sản xuất. 

Dân nghề phim bảo, cứ khi nào gặp vai diễn hành động khó là diễn viên Lý Huỳnh hào hứng như cá gặp nước. Và cứ mỗi lần gặp ông tại căn nhà nằm trên đường Đồng Đen – Tân Bình, ông luôn dành cho người đối diện sự thân thiện và những câu chuyện về các vai diễn của ông luôn là một đề tài hấp dẫn đầy thú vị. 

Ông bảo: Trước năm 75, tôi đã từng có những vai diễn Long hổ sát đấu và sau đó là Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709… Và khi đất nước giải phóng, ông được cố NSUT Khương Mễ đến tận nhà mời vào vai diễn Đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp, mở ra cho ông một cơ hội vàng khi sau này thành công qua các vai diễn kinh điển đi vào lòng khán giả như: Ông Hai Cũ, Hai Lúa, Đại úy Long, Trung úy Sâm…

Một trong những kỷ niệm khó quên với ông trong đời làm phim là cảnh quay trong phim Vùng gió xoáy (1981), đạo diễn NSND Hồng Sến yêu cầu ông khi cỡi chiếc xe ngựa, thấy người bạn gặp nạn, ông phải nhảy xuống dốc núi, rồi nhảy tiếp xuống mặt đất để cứu người với độ cao gần 10m. Nếu cắt cảnh thì dễ quay, nhưng ngặt nỗi đạo diễn muốn quay liền một cú máy, thế là Lý Huỳnh trổ tài.

Lần đó, cả hiện trường đều im phăng phắc, bởi nếu Lý Huỳnh nhảy không chính xác thì chắc chắn sẽ bị thương nặng. Vậy mà lần đó, ông diễn “một phát ăn ngay”, bởi thân thủ của ông quá nhẹ nhàng nhanh nhạy.

Ở phim Ông Hai Cũ (1982) có cảnh Lý Huỳnh (vai Hai Cũ) đá một cú bàng long cước vào tên sĩ quan Nhật, sau đó nhảy từ xe lửa nhảy xuống để thoát thân. Đây được xem là cảnh quá ư mạo hiểm, bởi cảnh này quay trên một toa xe lửa thật. Ven đường ray toàn là gạch đá lởm chởm. Không ai ngờ, Lý Huỳnh tung cước chính xác ngay huyết hầu của tên Nhật, rồi lách người nhảy từ xe lửa xuống đất. Cả đoàn phim đều lặng đi ngơ ngác, bởi cú nhảy của ông “ngọt” ngoài sức tưởng tượng.

Đến phim hợp tác với Hồng Kông Kế hoạch 99 thực hiện vào những năm 1990, Lý Huỳnh có dịp làm việc với một chỉ đạo võ thuật người Đài Loan. Để chuẩn bị cho cảnh quay trận đối đầu sinh tử giữa tên trùm ma túy (Lý Huỳnh thủ vai) và một cảnh sát quốc tế (Lý Hùng con trai ông đảm nhận), chuyên gia chỉ đạo võ thuật Đài Loan hướng dẫn ông cách cầm súng, di chuyển và bắn cảnh sát theo kiểu… người già, vì thấy Lý Huỳnh đã nhiều tuổi.

Sau khi nghe hướng dẫn, Lý Huỳnh “xin” góp ý sửa lại vài chi tiết: Thay vì cầm súng bắn thẳng phía trước, ông cầm ngang để tạo ấn tượng; thay vì đứng yên bắn, ông “xin” chạy 4 bước tung lên không xoay 180 độ rồi từ trên không bắn xuống. Sau đó, ông tung cú song phi hạ gục anh cảnh sát, và phải thêm vài chiêu quái nữa mới… bị bắt. Ông bảo: Ông trùm phải chết kiểu ông trùm, chứ đơn giản quá còn gì uy thế!

Chuyên gia chỉ đạo võ thuật Đài Loan tròn mắt ngạc nhiên. Ông ta còn ngạc nhiên hơn khi Lý Huỳnh thể hiện kỹ thuật đấm đá và dùng súng thành thạo cứ như một sát thủ chuyên nghiệp. Quay xong, ông nói nhỏ: “Tôi từng làm vệ sĩ cho sếp lớn, từng đấu đài với các võ sĩ vô địch quốc tế… nên những cảnh như thế này là nghề của tôi mà”.

Nói thế không có nghĩa là cảnh nào ông diễn cũng thành công. Trong phim Phi vụ Phượng Hoàng có cảnh tên đàn em báo cáo một thông tin bất lợi. Trong vai ông trùm, Lý Huỳnh vung tay chặt nguyên cái siêu thuốc bắc để thị uy. Vừa chặt xong, tay ông đổ máu lênh láng, mảnh sứ từ cái bình quá sắc đã cắt sâu vào lòng bàn tay ông!

Thành công và nỗi buồn

Hầu hết các bộ phim võ thuật mà Lý Huỳnh sản xuất vào những năm 1990 đều thắng lớn: Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Thăng Long đệ nhất kiếm, Võ sĩ bất đắc dĩ… Đây là tiền đề để ông hợp tác với các đoàn phim nước ngoài.

Rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông mời được đạo diễn nổi tiếng Trần Chí Hòa (đạo diễn phim Kế hoạch A do Thành Long đóng) và ngôi sao Hồng Kông Lê Tư, Mạc Thiếu Thông sang VN hợp tác làm phim ở thời điểm mà giao lưu giữa điện ảnh trong và ngoài nước còn khá hạn chế. Tất nhiên, các ngôi sao này khi đến VN đều được hưởng thù lao khủng và các tiêu chuẩn cao cấp (đi xe hạng sang, ở khách sạn 5 sao).

Bên cạnh những thành công, Lý Huỳnh cũng có không ít nỗi buồn. Cũng vào những năm 1990, ông đưa cả gia đình sang Hồng Kông làm phim Cảnh sát đặc khu cả tháng trời. Bao công sức tiền bạc đổ vào phim, mời cả ngôi sao Hồng Kông Thang Chấn Nghiệp tham gia, ông kỳ vọng đây sẽ là dấu son trong sự nghiệp. Nhưng không ngờ, phim bị ăn cắp bản quyền ngay khi vừa phát hành, khiến ông ông lao đao và lâm vào cảnh gần như… mất trắng!

Buồn, nhưng không nản, Lý Huỳnh động viên cả nhà “thua keo này, bày keo khác”. Đầu năm 2010, ông quyết tâm thực hiện bộ phim Tây sơn hào kiệt với kinh phí 12 tỉ đồngmột con số không tưởng với bất kỳ nhà sản xuất nào trong thời điểm đó.

Lần đó, từ bà xã, hai người con Lý Sơn, Lý Hùng đều dốc sức giúp ông thỏa sức tung hoành. Ông chia sẻ “Mình làm phim sử, tốn kém mấy cũng phải chịu, ít nhất cũng để lại cái gì cho con cháu xem mà hiểu được lịch sử nước nhà”. Phim công chiếu, được công nhận kỷ lục phim VN, được chiếu khai mạc kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, Lý Hùng được giải Mai Vàng - Nam diễn viên xuất sắc. Tuy nhiên, thời đó các rạp chiếu trong thời kỳ đóng băng khiến phim thất bại về doanh thu, kèm theo những phê bình chất lượng phim khiến ông buồn đến mức đổ bệnh phải nhập viện. Sau lần đó, người ta thấy ông ít nói hẳn đi…

Ba lần đạt kỷ lục hy hữu

Trong buổi lể trao tặng kỷ lục 2010 cho hàng loạt các kỷ lục gia trên mọi miền đất nước. NSND Lý Huỳnh lần thứ ba được trao tặng kỷ lục: Võ sư chỉ đạo võ thuật phim nhiều nhất Việt Nam.

Từng sở hữu mợt thân hình tráng kiện, từng lên võ đài hạ gục hàng chục đấu thủ lừng lẫy trong và ngoài nước với biệt danh: Con báo đen Sài Thành. Từng nổi tiếng với cú liên hoàn hập bát cước và cũng từng được báo chí chế độ cũ giựt tít: Người Việt Nam thách đấu với Lý Tiểu Long.

Nhắc đến tên ông, có lẻ đã đi vào giai thoại, không chỉ nổi tiếng ở lỉnh vực võ thuật mà ngay từ những ngày đầu giải phóng, khi gia nhập vào làng phim ảnh Việt Nam, tên của ông cũng đã ấn tượng với hàng triệu khán giả qua các nhân vật kinh điển như: Ông Hai Cũ, Ông Hai Lúa, Đại Úy Long, Trung úy Sâm… Và khi vào vai trò sản xuất, tên của ông cũng luôn được xếp hàng đầu danh sách những nhà làm phim uy tín qua hàng loạt tác phẩm: Thăng Long đệ nhất kiếm, Sơn thần thủy quái, Hồng hải tặc, Kế hoạch 99… và Tây sơn hào kiệt, đầu tư với kinh phí 12 tỷ đồng, một thân một mình, vẫy vùng ở ba bốn vị trí khác nhau, từ vai trò tổng đạo diễn, diễn viên, chỉ đạo võ thuật…

Với trên 40 năm theo nghiệp điện ảnh, NSND, Đạo diễn Lý Huỳnh đã góp mặt trên 70 bộ phim với nhiều vai diễn thành công và chỉ đạo võ thuật cho 25 bộ phim như Lửa cháy thành Đại La, Vùng gió xoáy, Tây Sơn hào kiệt...

Nhờ những cống hiến trên, Đạo diễn Lý Huỳnh sẽ được xác lập kỷ lục dành cho võ sư chỉ đạo võ thuật điện ảnh nhiều bộ phim nhất Tại Hội ngộ kỷ lục gia. 

Lần đó, vẫn nụ cười tươi đi bên người vợ là cô Đoàn Thị Nguyên, ông cho biết: “ Cứ như một ngày hội, tôi cảm thấy rất tự hào. Tấm bằng khen tuy không còn giá trị về vật chất, nhưng về tinh thần thì không sao tả được, nó giúp mình được dịp nhìn lại những chặng đường mình đã đi qua và cần phải làm những gì ở phiá trước…”.