Nữ bác sĩ bỏ việc ‘nghìn đô’ để cải tiến y tế

Tốt nghiệp bác sĩ nội trú ngoại nhi và có một công việc đáng mơ ước với thu nhập hàng nghìn USD ở bệnh viện quốc tế FV, những tưởng chị Phan Thị Ngọc Linh đã thực hiện được ước mơ của mình. Thế nhưng, sau hơn 10 năm học lấy bằng bác sĩ nội trú ngoại nhi và 2 năm làm chuyên môn, chị lại rẽ sang lĩnh vực… quản lý chất lượng bệnh viện với mong muốn kiến tạo nền y tế tốt hơn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Hiện, chị là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Quản lý chất lượng bệnh viện và an toàn bệnh nhân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế (CHIR).

Tin, bài liên quan:

Phụ nữ thập kỷ 20: Nghị lực phi thường của người phụ nữ đam mê theo đuổi vẻ đẹp Mộc

Những 'bóng hồng' tạo bước tiến cho y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (P.1)

Những 'bóng hồng' tạo bước tiến cho y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (P.2)

Ba bị tai biến, gia cảnh khó khăn nên những năm học cấp ba, cô nữ sinh quê Khánh Hòa Phan Thị Ngọc Linh chỉ muốn theo ngành sư phạm để giảm gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, cơ duyên trở thành bác sĩ mở ra khi chị được tuyển thẳng vào ĐH Y Dược TP.HCM. Ý thức mình không có điều kiện như bạn bè ở thành phố, chị Phan Thị Ngọc Linh luôn nỗ lực học, học và… học để thi vào Bác sĩ nội trú, “cái nôi” của nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành y. Đây là chương trình đào tạo đặc biệt với nhiều tiêu chí khắt khe và chỉ được thi một lần duy nhất trong đời. Và chị Ngọc Linh đã thực hiện được ước mơ của bất kỳ sinh viên y khoa nào khi có tên trong danh sách bác sĩ nội trú ngoại nhi.Chị nỗ lực học với hy vọng được giữ lại trường giảng dạy hoặc công tác ở các trung tâm nghiên cứu y khoa. Thế nhưng, sau 4 năm học nội trú ngoại nhi, một cơ hội nữa lại đến với bác sĩ Ngọc Linh…


Từng thừa nhận “Cho đến khi về bệnh viện FV làm, ước mơ của tôi vẫn là trở thành bác sĩ giỏi về tay nghề, chuyên môn” nhưng sau 2 năm, bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh lại rẽ ngang sang một con đường hoàn toàn mới mẻ, chưa ai làm trước đó…
FV là bệnh viện quốc tế, rất quan tâm đến việc cải tiến chất lượng, dịch vụ, đặc biệt là an toàn người bệnh. Trong khi đó, những hoạt động này ở ngành y tế Việt Nam gần như không được quan tâm, thậm chí, lúc đó, Bộ Y tế còn chưa có thông tư hay bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện… Do đó, khi làm việc tại FV, ngoài chuyên môn, bác sĩ Ngọc Linh dần bị cuốn hút, yêu thích hoạt động này lúc nào không hay. 

Thấy được đam mê của chị, bác sĩ Jean Marcel Guillon - Tổng Giám đốc bệnh viện FV đã đặt vấn đề hỗ trợ chị chuyển hẳn sang con đường chuyên nghiệp về lĩnh vực quản lý chất lượng. “Lúc đó, tôi thấy rất rõ ràng, thật sự nếu làm một bác sĩ giỏi, mỗi tháng tối đa, tôi chỉ mổ, chữa bệnh cho vài chục bệnh nhi nhưng nếu làm tốt việc quản lý chất lượng bệnh viện thì mình có thể cùng lúc giúp cho nhiều bác sĩ, thậm chí rất nhiều bệnh viện và đem lại hiệu quả, chất lượng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân. Tôi thấy thích, xác định và đồng ý”, chị Linh chia sẻ về quyết định bước ngoặt của mình.
Dù bị gia đình, đồng nghiệp phản đối vì công việc mới quá mơ hồ nhưng bác sĩ Ngọc Linh vẫn vững tâm chuyển sang lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện. “Tôi cũng không hiểu tại sao mình đam mê chuyên môn như vậy, mất 10 năm học bác sĩ ngoại nhi nhưng thời điểm đó, tôi không thấy khó khăn khi chuyển sang quản lý chất lượng bệnh viện. Vì mình yêu thích công việc đó, nên thật sự tôi cũng không trăn trở nhiều”, chị cho biết thêm.

Trở thành Trưởng phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện quốc tế hàng đầu miền Nam, bác sĩ Ngọc Linh được hỗ trợ tham gia chương trình tập huấn về chuẩn chất lượng JCI của Mỹ ở Hàn Quốc. 8 năm làm việc tại môi trường bệnh viện quốc tế đã hun đúc cho cô sinh viên y khoa ngày nào “ngọn lửa” cũng như kinh nghiệm, đam mê với lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên, để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chất lượng, đi chia sẻ, hỗ trợ cho rất nhiều bệnh viện trên cả nước, bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh phải tự học hỏi, góp nhặt kiến thức về an toàn người bệnh, đúc kết kinh nghiệm từ quá trình lăn xả, làm việc thực tế. Nữ bác sĩ cho biết: “Môi trường y tế Việt Nam rất khác với thế giới, mình đưa những kiến thức quốc tế vào môi trường y tế Việt Nam phải có sự thích nghi, điều chỉnh và nói, làm theo kiểu của người Việt Nam thì mới thuyết phục được anh em đồng nghiệp. 6 năm làm quản lý chất lượng ở bệnh viện FV và sau đó đồng hành với các bệnh viện công và nhiều nơi khác đã cho tôi kinh nghiệm cũng như nuôi dưỡng đam mê, nhiệt huyết của mình”.
Là người tiên phong ở lĩnh vực này, chị góp nhặt những bài học từ thực tế và những người thầy, đồng nghiệp đi trước.

Để thuyết phục nhân viên y tế thay đổi, cải tiến chất lượng an toàn người bệnh là việc không phải dễ dàng. Nhưng với bác sĩ Ngọc Linh, điều này lại không mấy “nan giải”. “Linh tìm ra cách để thuyết phục anh em, chỉ ra được cho anh em tại sao phải làm, nếu không thay đổi mình bị cái gì, thay đổi thì được cái gì, làm sao để họ tâm phục khẩu phục là phải làm quản lý chất lượng, an toàn người bệnh vì đây là vấn đề sống còn. Những cách chúng tôi đưa ra đi vào đúng cái anh em đang khó khăn, đúng những vấn đề anh em gặp hằng ngày. Nếu họ làm như thế này thì sẽ không phải gặp sự cố đó. Nhờ vậy, đã thuyết phục anh em chịu thay đổi”, chị chia sẻ bí quyết. 

Sau mỗi lần hỗ trợ và nhận được phản hồi tích cực của các đồng nghiệp, bác sĩ Ngọc Linh và các cộng sự càng “có lửa” với công việc mình làm. “Chỉ chúng tôi mới hiểu được là mình đến bệnh viện có 2 ngày mà bao nhiêu anh em y tế thay đổi, công việc chuyển biến, giúp được cho bao nhiêu bệnh nhân thì tại sao mình không làm?”. 

Sự kiện “bước ngoặt” giúp bác sĩ Ngọc Linh kiên định với con đường mình chọn là khi chị được mời đến hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc – Nghệ An trong dự án của GIZ (tổ chức hợp tác quốc tế Đức). Lần đầu tiên đi chia sẻ, hỗ trợ nhân viên y tế về quản lý chất lượng bệnh viện theo chuẩn quốc tế nhưng lại áp dụng ở một bệnh viện công… vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Đây là một việc tưởng chừng “bất khả thi” nhưng bác sĩ Ngọc Linh đã làm được. Thậm chí, chị còn hướng dẫn bệnh viện công lập vùng sâu vùng xa này thay đổi, cải tiến theo tiêu chuẩn Mỹ mà bệnh viện FV đang thực hiện. “Anh em không biết là chuẩn của Mỹ hay Úc đều là những đòi hỏi chất lượng rất căn bản, thiết thực, bệnh viện nào cũng cần. Mình chỉ cần nói theo ngôn ngữ Việt Nam, bám sát thực tế, đi sâu vào công việc hàng ngày và lồng ghép những đòi hỏi chất lượng quốc tế là thuyết phục được anh em làm theo”, chị bộc bạch. 
Sau đó, có dịp quay lại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc – Nghệ An nhiều lần, chị thấy được sự thay đổi, tác động mà chương trình tập huấn mình thực hiện đem lại cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân nơi đây và xem đó là thành công đầu tiên để vững tâm đi tiếp con đường mình đã chọn. Mỗi lần nhắc đến, chị tràn đầy xúc động và tự hào: “Đó là nơi để lại cho tôi dấu ấn rất lớn, tạo cho Linh động lực, niềm tin là bệnh viện công lập Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi nếu được hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm và chỉ cách làm hiệu quả”. 

Bác sĩ Ngọc Linh trải lòng về lĩnh vực mà mình tâm huyết: Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh

Tính đến nay, bác sĩ Ngọc Linh đã đến hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm ở hàng trăm bệnh viện, trung tâm y tế trên cả nước. Nhận thức được ý nghĩa của công việc mình làm, chị mong muốn có thể lan tỏa hoạt động này hơn nữa, nhất là ở các bệnh viện công. Rời bệnh viện FV sau 8 năm gắn bó, chị về làm Trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện Quận 2. Hoạt động của bác sĩ Ngọc Linh dần được nhiều bệnh viện biết và mời đến chia sẻ, tập huấn cho các nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, chị thành lập CLB Quản Lý Chất Lượng - An Toàn Người Bệnh để tập hợp các cá nhân, tổ chức tâm huyết với lĩnh vực cải tiến chất lượng dịch vụ y tế và an toàn người bệnh. Đây là tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế (CHIR). Hiện, cộng đồng này đã thu hút gần 30 nghìn thành viên. CLB không chỉ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện mà còn tổ chức workshop, mời các chuyên gia chia sẻ miễn phí cho nhân viên y tế.

Với nhiều hoạt động hữu ích, CLB ngày càng phát triển và đầu năm 2018, bác sĩ Ngọc Linh được Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí, Việt kiều Úc hỗ trợ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế (CHIR), một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận. Với CHIR, bác sĩ Ngọc Linh đã chuyển từ một cá nhân sang góc nhìn rộng hơn để kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Hiện, CHIR không chỉ kết nối được nhiều nhân viên, chuyên gia y tế tham gia mà còn được Quỹ Canva (Úc) tài trợ. CHIR cũng là đối tác của Hội đồng Tiêu chuẩn Chất lượng Y tế Úc tại Việt Nam.

Năm 2019, bác sĩ Ngọc Linh may mắn nhận được học bổng EI (The Equity Initiative) của Mỹ, đến được 5 quốc gia như Mỹ, Nam Phi, Bangladesh… để trải nghiệm những mô hình y tế và học hỏi thêm kỹ năng lãnh đạo, tham gia chương trình công bằng y tế… Từ đó, tiếp tục áp dụng vào các chương trình của CHIR. Mang sứ mệnh cải tiến, quản lý chất lượng bệnh viện, đem lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh nhưng CHIR chỉ mới lan tỏa trong nhân viên y tế mà chưa được cộng đồng biết đến nhiều. Nữ CEO của CHIR trăn trở: “Sứ mệnh, hoài bão của CHIR là muốn từng người dân trong cộng đồng được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất, hiệu quả, an toàn và hài lòng nhất. Và ngay cả nhân viên y tế cũng cần an toàn và hài lòng. Muốn được điều này, bên y tế thay đổi mới chỉ là một nửa, một bàn tay thôi. Cần phải có một bàn tay còn lại từ cộng đồng mới tạo thành tiếng vỗ tay lớn”. 


Hiện, CHIR đang triển khai các dự án, chương trình cộng đồng nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn y tế cho người bệnh, thân nhân và cộng đồng. Tiêu biểu là việc ra mắt Cẩm Nang Bệnh Nhân Thông Thái vào tháng 12/2019. Với ngôn ngữ gần gũi, được nhà văn Đông Vy thể hiện cùng nhiều hình ảnh minh họa dễ hiểu, cẩm nang đem đến cho người đọc nhiều kiến thức về cách chọn dịch vụ y tế tốt, phù hợp, cũng như cách phối hợp, ứng xử với nhân viên y tế khi đến bệnh viện. 
Đánh giá chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập đã có nhiều chuyển biến tích cực trong 5 năm trở lại đây, tuy nhiên, nữ giám đốc CHIR khẳng định: “Cải tiến chất lượng là một hành trình không bao giờ kết thúc, mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn, tốt hơn nữa mỗi ngày. Và sự cố rủi ro ở các bệnh viện không bao giờ về số 0 mà chỉ ít nhất có thể. Hiện, y tế Việt Nam chỉ tốt hơn thôi chứ so với thế giới, mình vẫn còn nhiều cái phải làm, phải thay đổi”. 


Hơn 13 năm làm việc trong lĩnh vực an toàn người bệnh, bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh chưa từng hối tiếc với quyết định “sang ngang” ngày nào. Tuy nhiên, có những lần vào phòng mổ hỗ trợ cải tiến chất lượng, quy trình an toàn phẫu thuật, “nhìn anh em phẫu thuật viên đứng cạnh bàn mổ, trong khi 6 năm học y, 4 năm nội trú, mình cũng đã từng làm, từng đam mê, thậm chí ngửi thấy mùi dao đốt điện cầm máu rất đặc trưng thôi, mình cũng nao nao, chạnh lòng...”, nữ bác sĩ chia sẻ. 
Nhưng rồi, khoảnh khắc đó qua rất nhanh, bởi “Nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn chọn như vậy, đi theo lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện”. Chị lại cùng các cộng sự tâm huyết tất bật với các dự án, ý tưởng cải tiến mới. Lúc thấy chị tổ chức chương trình tập huấn cho các bệnh viện. Khi lại làm workshop, kết nối các chuyên gia. Lúc lại chat zoom trao đổi công việc với thành viên khắp cả nước hay viết bài trên diễn đàn về cách tiếp nhận, chọn lọc thông tin giữa tâm dịch covid-19… Và ngay khi trả lời phỏng vấn của Duyên Dáng Việt Nam xong, chị lại nhận được đề nghị tổ chức tập huấn cho một bệnh viện. Với nữ bác sĩ này, mỗi ngày là một chương trình, một ý tưởng mới, bởi, y tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để giảm thiểu các sự cố, rủi ro y khoa…

Thiết kế: Đặng Thảo 
Quay phim: Duy Ngô
Dựng phim: Huy Lương