GIẢI TRÍ

Oscar 2022: Phim trực tuyến lên ngôi

DDVN • 30-03-2022 • Lượt xem: 430
Oscar 2022: Phim trực tuyến lên ngôi

Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim độc lập chiếu trực tuyến trên Apple TV+ CODA đã giành giải Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar 2022 diễn ra sáng ngày 28.3 (giờ Việt Nam) tại Los Angeles (Mỹ).

CODA là tác phẩm độc đáo của nữ đạo diễn Sian Heder, chỉ nhận 3 đề cử nhưng thắng cả 3: Phim hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc (Troy Kotsur) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất (Sian Heder). Đối thủ của CODA là The Power of The Dog nhận đến 12 đề cử chỉ thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Jane Campion.


Đoàn phim CODA nhận giải Phim hay nhất

Khúc hoan ca của người khiếm thính

Ruby Rossi (Emilia Jones đóng) 17 tuổi hằng ngày làm việc trên chiếc thuyền đánh cá của gia đình ở Massachusetts (Mỹ) nhưng không từ bỏ giấc mơ ca hát. Giọng hát của Ruby thật nổi bật và đáng yêu nhưng bố cô - ông Frank (Troy Kotsur) hay anh trai Leo (Daniel Durant) dường như không chú ý đến điều đó vì bị… điếc bẩm sinh.

CODA là bản làm lại của bộ phim Pháp La Famille Bélier năm 2014, kể về cô con gái bị điếc và cha mẹ cô cũng là người khiếm thính, từng thành công vang dội tại Liên hoan phim Sundance năm nay, giành được hợp đồng chiếu trực tuyến kỷ lục 25 triệu USD với Apple TV+. Không khó để hiểu lý do vì sao CODA ấm áp và làm người xem cảm thấy dễ chịu khi kể một câu chuyện vượt thời gian và bện nó bằng một thứ ngôn ngữ đậm tình người. Biên kịch kiêm đạo diễn Sian Heder (44 tuổi) rất chú trọng đến việc lách sâu vào tận cùng, thứ chìm đắm bên trong tâm hồn của cộng đồng người khiếm thính để chuyển tải lên màn ảnh. Để làm CODA đúng như những gì đang diễn ra ngoài đời thực, nữ đạo diễn đã tuyển diễn viên khiếm thính vào vai người điếc.

Kết quả giải Oscar 2022

- Phim hay nhất: CODA

- Đạo diễn xuất sắc: Jane Campion (The Power of the Dog)

- Nam diễn viên chính xuất sắc: Will Smith (King Richard)

- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Jessica Chastain (The Eyes of Tammy Faye)

- Nam diễn viên phụ xuất sắc: Troy Kotsur (CODA)

- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Ariana DeBose (West Side Story)

- Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Kenneth Branagh (Belfast)

- Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: Sian Heder (CODA)

- Phim hoạt hình hay nhất: Encanto

- Phim quốc tế hay nhất: Drive My Car (Nhật Bản)

- Phim tài liệu hay nhất: Summer of Soul

Ruby chính là CODA (từ viết tắt Con của người trưởng thành bị điếc), một cô gái nghe được những gì người lớn bị điếc muốn “nói”. Vì anh trai cũng bị điếc nên cô bất đắc dĩ phải làm thông dịch viên không chính thức của cả gia đình, bằng cách ra dấu với cộng đồng ngư dân địa phương và cơ quan chức năng. Ruby mắc kẹt giữa hai thế giới: một hoàn toàn tĩnh lặng của gia đình, bên kia là thế giới bên ngoài đầy âm thanh và niềm vui sống, nơi những con người lành lặn đang ăn nên làm ra nhưng ít nhiều coi thường gia đình người khuyết tật. Ruby luôn chịu giằng xé giữa chuyện phiên dịch cho gia đình lúc cần hay qua nhà thầy học hát. Nhiêu đó thôi cũng đủ khiến khán giả phải khóc cười với cô gái trẻ, bước theo cô trên chặng đường đầy thị phi, buộc phải lựa chọn giữa cuộc đời.


Nữ đạo diễn kiêm biên kịch Sian Heder (phải) nhận giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất

Sian Heder không chọn cấu trúc phim như một chuỗi các vở nhạc kịch sặc sỡ sắc màu và âm thanh thường thấy mà thay vào đó là những cảnh Ruby hát trong đủ tâm trạng đã đẩy cảm xúc người xem lên cao trào.

“Nếu bị mù, liệu con có muốn vẽ không?”, mẹ của Ruby - Jackie (Marlee Matlin) “nói” với con gái mình với giọng đầy oán hận. Không như Ruby nhút nhát, có trách nhiệm, anh trai Leo và cha mẹ cô thường xuyên theo đuổi niềm vui riêng họ, tạo nên những chi tiết gây cười làm cho CODA không hề bi lụy. Những khoảnh khắc đó xác định rõ một điều: các thành viên khiếm thính của gia đình Rossi vẫn luôn hài hước, yêu đời.


Ariana DeBose nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc

Giọng hát của Ruby đậm cá tính, đăm chiêu xen lẫn niềm khao khát và một chút cô đơn. Đó là thứ “vũ khí” được triển khai một cách chuyên nghiệp trong CODA qua một số phân cảnh, đặc biệt là đoạn cuối chứng kiến niềm xúc động của người cha trong một thế giới tĩnh lặng khi thấy khán giả ngậm ngùi lau những giọt nước mắt sau khi nghe con gái hát. Ông nhận ra ước mơ của đứa con gái mới 17 tuổi đầu thật đáng trân quý.

Troy Kotsur (53 tuổi) đã làm nên lịch sử với tư cách là nam diễn viên khiếm thính đầu tiên đoạt giải Oscar hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trước ông chỉ có Marlee Matlin, bạn diễn (cũng là người khiếm thính) trong phim CODA nhận Oscar 1987 hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc qua phim Children of a Lesser God. Kotsur vào vai Frank Rossi, cha của Ruby - cô gái trẻ vừa phải vật lộn để giúp gia đình kinh doanh ngành hải sản vừa theo đuổi khát vọng âm nhạc. “Giải thưởng này được dành tặng cho cộng đồng người khiếm thính, cộng đồng CODA và cộng đồng người khuyết tật. Đây là khoảnh khắc của chúng tôi”, Troy Kotsur phát biểu chân thành bằng ngôn ngữ ký hiệu khi ông bước lên sân khấu nhận giải từ tay nữ diễn viên lão làng Hàn Quốc Youn Yuh-jung.


Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho Jessica Chastain

Nữ giới lại lên ngôi

Tương tự như kết quả Oscar 2021, năm nay Ban Giám khảo Oscar tiếp tục vinh danh các nữ nghệ sĩ bằng giải Đạo diễn xuất sắc (Jane Campion), Phim hay nhất (do nữ đạo diễn), Kịch bản chuyển thể xuất sắc (Sian Heder) và câu chuyện của CODA cũng hướng tới nữ giới. Jane Campion trở thành nữ nghệ sĩ thứ 3 đoạt giải Oscar Đạo diễn xuất sắc.

Điều khác biệt lớn là lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, phim trực tuyến “phá” nhiều kỷ lục tại mùa giải năm nay. Các tác phẩm đoạt giải như The Power of the Dog, Dune hay phim hay nhất là CODA đều đến từ những nền tảng trực tuyến. The Power of the Dog do Netflix phát hành, Dune vừa phát trên HBO Max vừa chiếu rạp và CODA thì chiếu trên nền tảng Apple TV+.

Bom tấn Dune do Denis Villeneuve đạo diễn thu về 400 triệu USD toàn cầu nhận hàng loạt giải Oscar năm nay dù trượt giải Phim hay nhất gồm: Âm thanh xuất sắc, Nhạc phim hay nhất, Thiết kế sản xuất xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Dựng phim xuất sắc, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.

Will Smith tát diễn viên hài Chris Rock trên sân khấu Oscar


Khoảnh khắc Will Smith tát Chris Rock trên sân khấu Oscar

Khán giả hoàn toàn bất ngờ khi nam tài tử Will Smith bước lên sân khấu thẳng tay tát diễn viên hài Chris Rock vì đã buông lời đùa về mái tóc của vợ anh là nữ diễn viên Jada Pinkett Smith (đang gặp vấn đề rụng tóc). Will Smith nói với Chris Rock: “Bỏ tên vợ tôi ra khỏi miệng của anh nhé!”. Denzel Washington và Tyler Perry đã an ủi Will Smith ở phía sau sân khấu trong sự ngỡ ngàng của nhiều nghệ sĩ tham dự. Ban tổ chức Oscar phải cắt tiếng câu nói của Will Smith trên sóng truyền hình. Sau đó ít phút Will Smith bật khóc khi nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc qua vai diễn trong King Richard. Anh phát biểu khi nhận giải: “Khi làm bộ phim này, tôi muốn bảo vệ những đồng nghiệp của mình. Tôi từng bị chế nhạo suốt đời và giờ muốn bảo vệ họ. Cảm ơn Venus - Selena và gia đình Williams khi đã để tôi kể câu chuyện về gia đình họ. Nam diễn viên cũng gửi lời xin lỗi tới Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) - nơi tổ chức lễ trao giải Oscar - vì có hành xử quá khích: “Tôi xin lỗi vì đã hành xử như ông bố điên rồ Richard Williams trong phim. Cho tôi gửi lời xin lỗi Viện Hàn lâm, xin lỗi tất cả những đồng nghiệp. Tình yêu khiến con người ta hành động như phát rồ”.

AMPAS cho biết trên Twitter rằng “không chấp nhận bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào”. Cảnh sát Los Angeles tuyên bố các nhà điều tra đã biết vụ việc nhưng “cá nhân liên quan” cho đến nay từ chối báo cảnh sát.

Theo Đỗ Tuấn/Thanhnien.vn