ĐỜI SỐNG

Phát hiện các mẫu muối qua khảo sát tại Hà Nội đều nhiễm vi nhựa

Lan Hương • 21-10-2022 • Lượt xem: 286
Phát hiện các mẫu muối qua khảo sát tại Hà Nội đều nhiễm vi nhựa

Trong một nghiên cứu khảo sát về ô nhiễm vi nhựa lấy từ một số mẫu muối trên địa bàn Hà Nội, các nhà nghiên cứu đều tìm thấy sự hiện diện của vi nhựa ở tất cả các mẫu muối được kiểm tra.

Nghiên cứu được thực hiện do nhóm tác giả thuộc các viện nghiên cứu gồm Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Công nghệ môi trường, các Trường đại học Điện lực, Trường đại học Quảng Bình, Trường đại học Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia. Kết quả nghiên cứu được công bố và đăng tải trên tạp chí Kiểm Nghiệm Và An Toàn Thực Phẩm.

6 mẫu muối đã được lấy mẫu thử nghiệm bao gồm:

+ Bột canh i ốt (thành phần: muối i ốt, chất điều vị, tỏi, tiêu, đường, muối có màu trắng).

+ Muối sấy (thành phần: muối, bột ngọt, tỏi, ớt, đường cát, muối có màu nâu đậm).

+ Muối tinh (thành phần: muối biển tự nhiên, có màu trắng được nghiền nhỏ).

+ Muối gia vị chấm (thành phần: muối, đường, tiêu, tỏi, ớt, chất điều chỉnh độ axit, muối có màu nâu nhạt).

+ Muối tinh sạch chất lượng cao (thành phần: muối trắng thô nguyên hạt, không nhãn hiệu).

+ Muối trộn thủ công (thành phần: muối, bột, hạt tiêu, ớt, muối có màu nâu đậm).

Kết quả kiểm tra cho thấy tất cả 6 mẫu muối trên đều chứa các vi nhựa ô nhiễm với hàm lượng giao động 320 – 1.880 vi nhựa/kg muối gia vị. 99% các vi nhựa chủ yếu có hình sợi dài, 1% không đáng kể còn lại là dạng mảnh. Trong đó vi nhựa có màu xanh da trời, đỏ và đen là chủ yếu. Ngoài ra còn có rất nhiều màu sắc khác như xanh lá, vàng, tím, xám.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra số liệu trước đây, từng ghi nhận 14 mẫu muối được thu mua từ các cửa hàng tại TP.HCM chứa hàm lượng vi nhựa từ 34 - 402 vi nhựa/kg muối với hình dạnh vi nhựa là các mảnh và sợi không màu, màu trắng, vàng, xanh, tím.

Hơn 90% muối ăn trên thế giới nhiễm vi nhựa

Trên thế giới, hàm lượng vi nhựa theo nghiên cứu trong một số mẫu muối dao động từ 10 - 1.000 vi nhựa/kg và có sự khác biệt đáng kể.

Trong một cuộc kiểm tra các mẫu muối từ 21 quốc gia trên thế giới vào năm 2018 do tổ chức phi Chính phủ Greenpeace tiến hành, chỉ có 3 trong số 39 mẫu muối ăn đạt tiêu chuẩn an toàn, còn lại đều bị nhiễm vi nhựa. Greenpeace ước tính rằng, trung bình nếu một người lớn sử dụng 10g muốn ăn mỗi ngày thì trong vòng 1 năm sẽ đưa vào cơ thể khoảng 2000 hạt vi nhựa.

Theo ước tính, hầu hết 90% lượng muối trên thế giới đều có sự hiện diện của vi nhựa. Trong số đó, những loại muối được bán ở châu Á có lượng vi nhựa cao nhất. Nghiên cứu cho thấy rằng, muối biển chứa nhiều vi nhựa nhất, tiếp theo sau là muối hồ và muối đá.

Vi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi

Với kích thước siêu nhỏ dưới 5mm, các hạt vi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi từ không khí, nguồn nước, đất đai, thực phẩm, các loại sinh vật biển và trong cơ thể con người.

Các hạt vi nhựa được sản xuất ở kích thước nhỏ (microbead) chủ yếu trong các sản phẩm tiêu dùng như dầu gội, kem đánh răng, xà phòng, tẩy tế bào chết… hoặc vi nhựa bị vỡ ra từ các mảng nhựa lớn. Các hạt này theo đường nước thoát ra biển, được tiêu thụ bởi các loài động vật. Và với kích thước nhỏ, vi nhựa càng thuận lợi phát tán khắp mọi nơi trong thời gian ngắn.

Theo thống kê, cứ mỗi 5g muối thì chứa 3 hạt vi nhựa, 1 lít nước đóng chai chứa khoảng 28 - 241 hạt vi nhựa, 1 suất hải sản trung bình chứa 90 hạt vi nhựa…

Thực trạng ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy hại tiềm tàng cho sức khỏe. Nghiên cứu thực hiện trong ống nghiệm cho thấy, khi hấp thụ một lượng lớn nhựa, thành phần Phtalate trong nhựa dẻo có khả năng làm gia tăng sự phát triển của các tế bào ung thư. Các hạt vi nhựa hấp thu đi vào máu cũng có khả năng đi chuyển và tác động đến các cơ quan khác, thậm chí có thể can thiệp vào sự sản sinh hormon trong cơ thể.

Trước những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe, việc khảo sát hạt vi nhựa hiện nay cần được mở rộng hơn về chủng loại và số lượng, cũng như cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo để có thể đánh giá toàn diện hơn về sự ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm, và tìm ra các phương pháp giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa trong muối biển nói riêng nhằm đảm bảo sức khỏe cho mọi người.