GIẢI TRÍ

Phim cung đấu 'Phượng Khấu' tốn 2 tỷ đồng mỗi tập

Anh Vũ • 29-05-2019 • Lượt xem: 1947
Phim cung đấu 'Phượng Khấu' tốn 2 tỷ đồng mỗi tập

Sau 2 năm chuẩn bị công phu, với hàng loạt hình ảnh, trailer hấp dẫn, bộ phim Phượng Khấu sẽ được bấm máy vào ngày 1/6. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã chia sẻ với Duyên dáng Việt Nam những ấp ủ thú vị về bộ phim cổ trang đình đám này.

Chào đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, vì sao anh lại đặt tên bộ phim là Phượng Khấu?

Ý tưởng bộ phim bắt nguồn từ một truyền thuyết dân gian. Chuyện kể Thái Hoàng Thái Hậu Nhân Tuyên cho hai bà vợ của vua Thiệu Trị đều đang mang bầu bói cúc áo. Ai bắt được cúc chạm hình chim phượng sẽ sinh con trai, bắt được cúc hình hoa thì sinh con gái. Thành phi Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dụ sau này), bắt được cúc áo hình chim phượng kết quả sinh ra vua Tự Đức. Còn bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm bắt được cúc hình hoa, chỉ sinh được công chúa Nhàn Yên nên sanh lòng ghen ghét. Cái tên Phượng Khấu có nghĩa là cúc áo hình chim phượng.

Điều gì khiến anh dám “dấn thân” làm phim lịch sử vốn rất khó khăn, lại là thể loại cung đấu mà truyền hình các nước Hàn Quốc, Trung Quốc đã quá thành công?

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và NSND Hồng Vân trong vai Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm

Tôi biết làm phim lịch sử rất dễ bị soi và ném đá, dễ bị nói là bẻ cong lịch sử. Mà làm về cung đấu thì phải sáng tạo, hư cấu mới hay. Vậy nên tôi phải nhờ các chuyên gia lịch sử như Lê Văn Lan, Nguyễn Khắc Thuần tư vấn. Kết quả là chỉ sáng tạo 50%, tập trung khai thác những chi tiết không được ghi chép rõ ràng hay các câu chuyện dân gian, truyền thuyết. Còn phần chính sử chúng tôi vẫn tôn trọng nguyên vẹn.

Thực ra, tôi dùng hình thức cung đấu để hấp dẫn người xem nhưng bên trong câu chuyện đấu đá chốn hậu cung là các giá trị văn hóa dân tộc như không gian, kiến trúc, lễ nghi, trang phục, âm nhạc, lễ hội, trò chơi v.v… Mặt khác, cũng có một chút tự ái, bởi trong lịch sử Việt Nam cũng không thiếu chuyện tranh đấu giữa các phi tần, hấp dẫn đâu kém người ta (cười).

Anh có thể nêu một ví dụ về sự sáng tạo lịch sử?

NS Hồng Đào trong vai Thành phi Phạm Thị Hằng

Trong quá trình đi lấy tư liệu, tôi có tìm đến dòng họ Nguyễn Phúc ở Huế, được biết họ đã tìm thấy mộ bà Lệnh phi nằm trong một khoảnh rừng rất xa. Theo điển chế, nhất giai Lệnh phi phải được chôn trong đất hoàng gia, quy mô phải là “lăng” chứ không thể chỉ là một cái “quách” và nằm cạnh mộ một tài nhân ở nơi hoang tàn cỏ dại như vậy.

Vậy nên, chúng tôi có thể tưởng tượng và suy luận giữa Lệnh phi và Thành phi hẳn là có gì uẩn khúc, thậm chí dẫn đến một cuộc đấu tranh dữ dội. Tuy nhiên, phóng tác thì phóng tác, chúng tôi vẫn không đổ hết sự tàn độc cho nhân vật.  Con người có thể xấu, nhưng phải có giới hạn, xấu do hoàn cảnh, do vận mệnh đẩy đưa, do không chiến thắng được tham vọng chứ không mất hết tính người.

Những hình ảnh của Phượng Khấu đều rất đẹp, đẹp về trang phục cho đến nhân vật, thần thái. Anh có thể chia sẻ thêm về phục trang trong phim?

NSƯT Thành Lộc đảm nhận vai vua Thiệu Trị

Đúng rồi, thời bây giờ phim phải đẹp thì mới hấp dẫn được khán giả. Tôi muốn người nước ngoài nếu có xem Phượng Khấu cũng sẽ ấn tượng về vẻ đẹp của Việt Nam. Mà muốn đẹp thì phải chịu tốn (cười). Tốn gần 200 bộ trang phục, trong đó một nửa là may thêu thủ công bằng phương pháp cổ truyền. Có những bộ rất công phu và đắt tiền, chẳng hạn bộ của Diễm My 9X thêu luồn chỉ vàng, chi phí hết 50 triệu đồng.

Mỗi tập phim anh làm đến 2 tỷ đồng, trong khi phim truyền hình thông thường chỉ 200 triệu, liệu có xứng đáng?

Theo tôi là đáng. Quan điểm của tôi không phải là làm văn hóa để kiếm tiền, mà kiếm tiền để làm văn hóa. Có tiền thì làm nhiều, không có tiền làm ít. Chẳng hạn mùa đầu tiên của Phượng Khấu chỉ có 6 tập, dạng phim Original Series dài 60 phút/tập. Nhưng tập nào ra tập nấy, chất lượng đẹp như phim nhựa. Tôi muốn văn hóa Việt Nam được tái hiện và đi xa. Bởi chúng ta đang tiến vào thời đại 4.0, rồi sẽ đến 5.0 hay xa hơn nữa. Khi mọi ranh giới vật lý đều trở nên rất mơ hồ, toàn cầu hóa có thể khiến ai cũng như ai, làm sao để phân biệt người này với người kia, dân tộc này với dân tộc khác nếu không phải là văn hóa?

Làm sao anh giải quyết bài toán kinh phí?

Thực ra tôi cũng khoanh vùng đối tượng, đi tìm những nhà đầu tư mê lịch sử, thích sản phẩm nghiêm túc để gõ cửa. Và chính họ cũng là đơn vị phân phối bộ phim đến các kênh truyền hình trả phí, sau đó là Youtube để đưa Phượng Khấu vào tận nhà, vào từng điện thoại của mỗi người.

Xin cảm ơn, chúc anh và Phượng Khấu thành công!