GIẢI TRÍ

Phim dã sử: nỗi buồn của điện ảnh Việt Nam

Tuấn Bùi • 05-10-2023 • Lượt xem: 1867
Phim dã sử: nỗi buồn của điện ảnh Việt Nam

Đã từ lâu, dòng phim dã sử của Việt Nam hầu như không có đất sống lẫn sự quan tâm của nhiều người. Từ việc số lượng phim ngày càng giảm mạnh đến các nhà làm phim không mấy mặn mà đã kéo theo sự thờ ơ của khán giả dành cho dòng phim này đã và đang ngày càng đi vào bế tắc.

Nỗ lực nhưng vẫn chưa tới

Đối với thị trường phim ảnh Việt Nam, dòng phim dã sử như một đứa con rơi bị ghẻ lạnh trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, không phải do vấn đề thiếu hụt nguồn khai thác mà phần lớn các nhà làm phim rất e ngại việc bắt tay vào thực hiện dòng phim này. Từ đây, thể loại này dần bế tắc, đi vào ngõ cụt và không có đường ra.

Ngược dòng thời gian nhiều năm về trước, sóng truyền hình cũng đã chào đón một số lượng đáng kể phim truyện dã sử dài tập như: “Phạm Công – Cúc Hoa” (1989), “Đêm hội Long Trì” (1989), “Lục Vân Tiên” (2004), “Về đất Thăng Long” (2011), “Thái sư Trần Thủ Độ” (2013), “Đinh Tiên Hoàng đế” (2013), … Nhưng càng về sau, làn sóng phim gia đình, tình cảm trong và ngoài nước bắt đầu thống lĩnh thị trường, dẫn đến việc phim dã sử mất sóng hoàn toàn trên truyền hình.

Bước sang sân chơi điện ảnh, số lượng tác phẩm phim dã sử cũng chưa đạt đến con số 10. Trong số đó, nhiều dự án được đầu tư lên đến tiền tỷ nhưng cũng chẳng thu lời được bao nhiêu.


Sản xuất vào năm 1989, bộ phim truyền hình “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn Hải Ninh là một trong số ít phim truyền hình dã sử để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Còn về phim điện ảnh, dường như thể loại dã sử vẫn chưa tạo được dấu ấn cũng như việc người xem không mấy mặn mà.

Được ra mắt nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, “Tây Sơn hào kiệt” được đánh tiếng là bom tấn của năm 2010 với mức kinh phí đầu tư lên đến 12 tỷ đồng. Bộ phim là câu chuyện về vị Hoàng đế Quang Trung cùng những chiến công hiển hách đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, mối tình khắc cốt ghi tâm giữa vị Hoàng đế và công chúa Ngọc Hân cũng được lồng ghép vào phim, tăng thêm phần thú vị.

Với mức đầu tư lên đến tiền tỷ, “Tây Sơn hào kiệt” quy tụ dàn diễn viên xịn xò như Lý Hùng, Hoa hậu Thùy Lâm, NSND Thế Anh, Tấn Beo, Mộng Vân, … tham gia diễn xuất. Nhưng bấy nhiêu những nhân vật trên cũng không thể nào cứu nổi một bộ phim dày những hạt sạn gây cảm giác khó chịu dành cho khán giả.

Nói về những điểm trừ, yếu tố kịch bản luôn là vấn đề muôn thưở. “Tây Sơn hào kiệt” như một câu chuyện chắp vá khá sơ sài, đi sai cả lịch sử và nhiều chi tiết không hợp lý. Theo như sử sách, nhân vật Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử ở sau gò Đống Đa thì khi vào phim lại chết trên chiến trường trong tay của Quang Trung. Hay một số lỗi như trang phục quân sỹ đi hành quân lúc nào cũng như mới, những cành đào gửi cho công chúa hóa ra lại là hoa nhựa, … đã khiến người xem vô cùng ngán ngẩm chẳng mấy mặn mà ra rạp xem phim.


“Tây Sơn hào kiệt” với sự góp mặt của hai quân át chủ bài là “soái ca màn ảnh” Lý Hùng và Hoa hậu Thùy Lâm nhưng cũng không cứu nổi một bộ phim được dự đoán là bom tấn dã sử Việt trong năm 2010.

Cũng trong thời điểm với “Tây Sơn hào kiệt”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho ra mắt bộ phim “Khát vọng Thăng Long” về cuộc đời vị vua Lý Thái Tổ. Lấy bối cảnh là nước Đại Cồ Việt vào cuối thế kỷ thứ 10, câu chuyện được bắt đầu từ khi Lý Công Uẩn còn lớn lên dưới mái chùa đến khi được sư Vạn Hạnh giới thiệu vào triều đình phụ giúp cho nhà vua. Sau khi vua Lê Đại Hành mất, 4 vị hoàng tử bắt đầu cuộc chiến tranh quyền đoạt vị khiến đất nước rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Chứng kiến sự tình này, Lý Công Uẩn không thể nào làm ngơ, ông đứng lên “phò vua bình thiên hạ” nhằm mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân.

So với “Tây Sơn hào kiệt”, kịch bản “Khát vọng Thăng Long” có phần chỉn chu, đặt để hợp lý hơn. Tuy nhiên, cấu trúc mạch phim còn nhiều thiếu xót, chưa thực sự nhịp nhàng, hơi vội vã trong nhiều tình tiết. Điểm mạnh duy nhất của bộ phim nằm ở phần võ thuật với những pha chiến đấu đẹp mắt, hấp dẫn dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của diễn viên Johnny Trí Nguyễn.

Ngoài ra, diễn xuất của các diễn viên trong phim như Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn, Thu Trang, … cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Trong số đó, vai diễn Lê Long Đĩnh do Đình Toàn thể hiện đã để lại ấn tượng nhiều nhất trong mắt người xem, giúp anh đoạt giải “Nam diễn viên chính xuất sắc” của “Cánh diều vàng 2010”.


“Khát vọng Thăng Long” nhận được nhiều phản hồi tích cực về mặt diễn xuất của các diễn viên. Nổi bật trong số đó là Đình Toàn với vai diễn Lê Long Đĩnh, một con người mưu mô, độc ác.

Tính đến nay, phim dã sử tốt nhất thuộc về “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ được ra mắt vào năm 2012. Xoay quanh vụ thảm án Lệ Chi Viên, Nguyên Vũ là hậu duệ duy nhất của Nguyễn Trãi còn sống sót sau bản án tru di tam tộc. Đến khi trưởng thành, anh quyết tâm tìm ra chân tướng sự thật nhằm minh oan cho cả dòng họ qua lời đồn đại về bức huyết thư liên quan đến vụ án Lệ Chi Viên năm xưa.


“Thiên mệnh anh hùng” gây ấn tượng bởi những màn võ thuật được dàn dựng công phu, thỏa mãn phần nhìn dành cho khán giả.

“Thiên mệnh anh hùng” là phim mượn chất liệu lịch sử, có phần hơi hư cấu nhưng không vì thế mà trở nên sơ sài. Đạo diễn Victor Vũ đã mang đến cho khán giả một bộ phim được đầu tư chỉn chu từ đầu đến cuối với kịch bản đường dây câu chuyện chắc tay. Song song đó, những yếu tố như âm thanh, hình ảnh, võ thuật cũng được nghiên cứu và thực hiện rất công phu khiến bộ phim hoàn hảo hơn trong mắt khán giả.

Bên cạnh điểm cộng về mặt nội dung, “Thiên mệnh anh hùng” còn ghi điểm ở mặt diễn xuất của các diễn viên. Những cái tên như Huỳnh Đông, Khương Ngọc, Vân Trang, … dù ít khi tham gia phim điện ảnh nhưng họ vẫn cho khán giả thấy khả năng diễn xuất tốt và vô cùng sắc bén của bản thân. Dẫu vậy, “Thiên mệnh anh hùng” không hẳn là không có hạt sạn. Phim mắc khá nhiều lỗi ở khoản chi tiết đạo cụ khi mỗi gút thắt tay nảy hay cái bớt trên tay mỗi lúc một khác so với hình ảnh trước đó.

Nhìn chung, “Thiên mệnh anh hùng” vẫn không có quá nhiều điểm trừ, vẫn là một bộ phim chất lượng, xứng đáng đồng tiền bát gạo rút ví khán giả. Bộ phim cũng mang về 5 giải thưởng tại lễ trao giải “Cánh diều vàng 2012” và giải “Bông sen bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 vào năm 2013. Thế nhưng có lẽ đây là dòng phim chưa được nhiều khán giả ưa chuộng nên doanh thu không sinh lời cho nhà sản xuất mà còn gây thua lỗ gần đến 10 tỷ đồng.


Dù nhận được cơn mưa lời khen nhưng “Thiên mệnh anh hùng” không gây tiếng vang về mặt doanh số khi không sinh lời mà còn dẫn đến việc thua lỗ.

Một trong những bộ phim dã sử gần đây nhất là bộ phim “Mỹ nhân” của đạo diễn Đinh Thái Thụy, được ra mắt vào năm 2015. Lấy mốc thời điểm vào giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh ở thế kỷ 17, “Mỹ nhân” mang đến một câu chuyện về con trai của chúa Nguyễn Phúc Lan là Nguyễn Phúc Tần, một người anh hùng “văn võ song toàn”.

Cũng giống như cha mình, Phúc Tần say đắm trước vẻ đẹp của cô đào hát mang tên Thị Thừa. Nhưng ngay khi trở thành người kế nhiệm, quần thần bắt đầu lo ngại Phúc Thần sẽ lơ là việc nước khi cứ mãi bị thu hút vào người phụ nữ ấy. Họ đưa ra lời khuyên và một mực yêu cầu chúa thượng phải ngay lặp tức rời xa Thị Thừa. Cũng chính lúc này, ông bắt đầu hoài niệm lại những chuyện xa xưa khi đã có những bậc tiền nhân đánh mất cơ đồ chỉ vì nữ sắc.


Sau “Khát vọng Thăng Long”, Quách Ngọc Ngoan tiếp tục xuất hiện trong “Mỹ nhân” với vai diễn chúa Nguyễn Phúc Tần. Đóng cặp cùng anh là người đẹp Triệu Thị Hà trong vai cô đào hát Thị Thừa.

Là bộ phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng nên về nội dung cũng như diễn xuất của các diễn viên trong “Mỹ nhân” có thể nói là chỉn chu, kỹ càng và chính xác. Nhận về lời khen nhiều nhất thuộc về nữ diễn viên Kim Hiền. Vốn là một diễn viên truyền hình nhưng khi bước sang điện ảnh cô khiến khán giả bị cuốn hút vào nhân vật người đàn bà nham hiểm, lẳng lơ – Tống Thị.

Tuy nhiên, điều khiến “Mỹ nhân” trở thành tâm điểm nhất lại là những cảnh nóng có phần táo bạo trong phim. Đi kèm với điều này, scandal đời tư tình cảm của một nam diễn viên thuộc bộ phim cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn mạng.

Ngoài ra, “Mỹ nhân” còn gây tranh cãi bởi những bộ trang phục có phần sai lệch với thời kỳ lịch sử. Nổi bật nhất là chi tiết hình ảnh vua sư tử trong bộ phim hoạt hình “The lion king” được in lên áo quan một cách lộ liễu. Một số chi tiết khác như khăn quấn đầu giống phim cổ trang Hàn Quốc, thiết kế hình rồng hơi na ná tranh chibi, … cũng được nhiều người phát hiện. Qua đó, cho thấy sự nghiên cứu của ekip làm phim “Mỹ nhân” có phần cẩu thả, sơ sài, không hề chuyên nghiệp khi làm một bộ phim về sử sách Việt Nam.


“Mỹ nhân” gây bão truyền thông bởi những cảnh nóng xuất hiện trong phim nhưng không vì thế mà những chi tiết sai lệch về lịch sử không được khán giả phát hiện.

Đến thời điểm hiện tại, con số phim điện ảnh dã sử Việt Nam ngày càng giảm mạnh và gần như không có một phim nào ra mắt trong hơn 5 năm trở lại đây. Đây là một điều đáng buồn cho điện ảnh Việt khi nguồn đề tài, chất liệu của nước ta vô cùng dồi dào và phong phú. Điểm mấu chốt dễ dàng nhận thấy cho tình trạng này là việc các nhà làm phim còn rất yếu và thiếu kinh nghiệm trong cách làm phim dã sử dẫn đến nhiều phim gây hoang mang, hụt hẫng khi ra mắt khán giả.

Không những thế, áp lực từ con số đầu tư đến việc thu hồi vốn đã phần nào gây cản trở các dự án phim dã sử chỉ mới được nằm trên giấy tờ thay vì bắt đầu thực hiện. Ngoài ra, việc thị trường chạy theo nhu cầu thị hiếu của số đông đã phần nào “khai tử” dòng phim này ít được khán giả quan tâm và để mắt đến. Có chăng là một công cuộc cách mạng lớn được triển khai, có sự tham gia và đồng lòng của nhiều đơn vị hỗ trợ, tổ chức cùng các nhà sản xuất, nhà làm phim kích thích thị hiếu khán giả thì may ra sẽ lật đảo tình thế, giúp phim dã sử Việt hồi sinh, có tiếng nói nhiều hơn trên thị trường.

Tương lai nào cho phim dã sử Việt?

Trong thời gian gần đây, người hâm mộ đang đổ dồn mọi sự chú ý về dự án phim dã sử “Quỳnh hoa nhất dạ” do Lý Minh Thắng đạo diễn. Đặc biệt, siêu mẫu Thanh Hằng là người cầm trịch, tự bỏ tiền túi đầu tư trong vai trò nhà sản xuất kiêm diễn viên chính.

“Quỳnh hoa nhất dạ” được lấy cảm hứng từ cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga khi Thanh Hằng có dịp viếng thăm nơi thờ bà vào hai năm trước. Sau lần gặp gỡ định mệnh trên, Thanh Hằng bắt đầu nung nấu ý tưởng thực hiện một bộ phim về Thái hậu nhằm mục đích tôn vinh người phụ nữ xinh đẹp và vô cùng tài giỏi này.

Dự án phim đã bắt đầy chạy những bước truyền thông đầu tiên khi ekip tung ra hình ảnh poster, trailer tạo hình nhân vật cũng như những clip ngắn hậu trường. Qua đó, có thể thấy nữ siêu mẫu đang cực kỳ nghiêm túc cho dự án phim điện ảnh đầu tay của mình với sự đầu tư hoành tráng, công phu trong mọi khâu tổ chức từ những hình ảnh đầu tiên cho đến tạo hình nhân vật, trang phục trong phim.


Siêu mẫu Thanh Hằng trên poster nhá hàng dự án phim điện ảnh dã sử “Quỳnh hoa nhất dạ” sẽ được ra mắt công chúng vào năm 2021.

Với nhiều năm kinh nghiệm trên phim trường của Thanh Hằng, khán giả đang đặt rất nhiều kỳ vọng cũng như lòng tin vào dự án lần này. Tuy nhiên, trong diễn xuất, đài từ của cô còn khá cứng, hy vọng nữ siêu mẫu sẽ cải thiện điều này để vai diễn được tốt hơn. Hiện tại, dự án “Quỳnh hoa nhất dạ” đang trong giai đoạn thực hiện, hứa hẹn sẽ là một bom tấn dã sử đình đám trong năm 2021.


Với “Quỳnh hoa nhất dạ”, người hâm mộ đang rất kỳ vọng Thanh Hằng sẽ mang đến một bộ phim dã sử mang tầm bom tấn cũng như vực dậy loại hình này sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh rộng.

Trước tình hình phim dã sử Việt ngày càng khan hiếm và ít nhận được sự đầu tư, trong tương lai rất cần một dự án có sức nặng, góp phần khởi xướng dòng phim này trở lại sau một thời gian dài ngủ đông. Tuy nhiên câu chuyện của “Quỳnh hoa nhất dạ” chỉ mới là bước khởi đầu, kết quả ra sao còn phải chờ đợi trong thời gian sắp tới.

Để làm nên một bộ phim xứng đáng mang tầm vóc của dã sử, đòi hỏi các nhà làm phim phải nỗ lực rất nhiều trong mọi khâu tổ chức, thực hiện, tiền bạc lẫn cả thời gian. Nếu một bộ phim điện ảnh kinh phí hiện tại đã lên con số tiền tỷ thì với một bộ phim dã sử con số này sẽ đội lên rất nhiều lần.

Về mặt thuận lợi, chúng ta có một nguồn chất liệu khai thác vô cùng dồi dào, hấp dẫn, đặc sắc chẳng kém cạnh các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn bước đầu bởi việc viết kịch bản dã sử không đơn giản như cách viết một kịch bản phim bình thường. Cần có sự nghiên cứu, tìm tòi, chắt lọc nguồn thông tin cũng như làm việc với các chuyên gia lịch sử để có được những thông tin chính xác, tránh đi sai lệch hoặc lai tạp văn hóa nước bạn.

Đi đôi với một kịch bản hay còn phải có một nhà làm phim giỏi, bám sát vào câu chuyện lịch sử, đặt để đường dây hợp lý, giúp người xem nắm bắt nội dung rõ ràng. Không những thế, vai trò của người diễn viên đóng một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của một bộ phim. Ngoài truyền tải được nội dung, người diễn viên có năng lực thực sự còn có thể làm sóng lại nhân vật lịch sử trên màn ảnh. Không thể nào để một diễn viên ốm yếu vào vai một vị tướng, cũng chẳng nên vì hút vé mà mời những ngôi sao không biết diễn xuất vào. Như thế là càng làm hại phim, quan trọng nhất vẫn là năng lực diễn xuất cùng sự phù hợp về ngoại hình. Hai điểm này cộng hưởng lại sẽ giúp bộ phim lôi cuốn và thu hút khán giả.


Phim dã sử không chỉ tốn nhiều tiền đầu tư mà còn mất nhiều thời gian nghiên cứu cũng như gặp rất nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng, vật chất, tư liệu, … còn chưa đủ cung ứng hoặc cũng chẳng có để mà tìm.

Song song đó, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nhất là trường quay hay các bối cảnh cổ trang đã trở thành một vấn đề vô cùng đau đầu mà các nhà làm phim bắt buộc phải giải quyết. Chính điều này đã gia tăng thêm kinh phí đầu tư khi nhà sản xuất phải tự bỏ tiền túi phục dựng hoặc mang đi làm hiệu ứng, kỹ xảo mà không hề có bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Ngoài ra, vấn đề lớn nhất mà tất cả các bộ phim dã sử đều gặp phải là về mặt trang phục. Chưa biết phim như thế nào, dàn diễn viên ra sao nhưng điều mà khán giả quan tâm hàng đầu về phim dã sử vẫn là trang phục.

Đơn cử là trường hợp dự án “Quỳnh hoa nhất dạ” của Thanh Hằng tuy chỉ mới khởi động nhưng đã gây ra làn sóng tranh cãi vì trang phục Thái hậu Dương Vân Nga được cho là giống thời Mãn Thanh, Trung Quốc. Hay trước đó, bộ phim truyền hình “Đường tới thành Thăng Long” cũng bị cấm chiếu vì yếu tố trang phục không phù hợp. Qua đó, phần nào cảnh báo các nhà làm phim không thể nào xem nhẹ, sơ sài trong việc nghiên cứu các tư liệu phục trang của các triều đại trước. Nhưng nếu có sáng tạo hay đổi mới thì cũng phải đi theo một khuôn mẫu có sẵn thay vì cứ “cùng quá hóa liều”.


Dự án “Quỳnh hoa nhất dạ” đang nóng hơn từng ngày khi mới đây phục trang cho nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga gây tranh cãi vì cổ phục sai lịch sử.

Tương lai phim dã sử Việt sẽ đi về đâu, có được khán giả đón nhận hay không phụ thuộc hoàn toàn vào cách làm phim của các nhà sản xuất. Quá trình này đòi hỏi phải dành nhiều thời gian, nhiều công đoạn từ lúc kịch bản phim còn nằm trên giấy cho đến khi ra hiện trường và hoàn thành sản phẩm. Không những thế, thay vì cứ chăm vào việc “vạch lá tìm sâu”, khán giả cũng nên giảm bớt lại sự khắt khe với những bộ phim dã sử, dang rộng vòng tay đón nhận những bộ phim dã sử. Điều này không chỉ giảm bớt sự áp lực cho các nhà làm phim mà còn giúp phim dã sử đến gần hơn với công chúng.

Qua đó, số lượng phim sẽ ngày một nhiều hơn tạo ra sự cạnh tranh cao bằng những sản phẩm tốt sẽ được ở lại, những sản phẩm không tốt sẽ bị đào thải. Và cuối cùng, không ai khác, người được lợi nhất thuộc về khán giả khi họ được thưởng thức những bộ phim hay, chất lượng. Chính điều này sẽ góp phần định hình, củng cố lại thị trường điện ảnh, giúp phim dã sử có chỗ đứng trong lòng công chúng cũng như gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử qua nhiều thế hệ mai sau.