ĐỜI SỐNG

Phòng tránh tai nạn không đáng có cho trẻ vào ngày Tết

Lan Hương • 09-01-2023 • Lượt xem: 354
Phòng tránh tai nạn không đáng có cho trẻ vào ngày Tết

Ngày Tết là thời gian trẻ em được nghỉ học và vui chơi thỏa thích, thế nhưng đây cũng là thời điểm phụ huynh cần chú ý đến trẻ nhiều hơn, để không mắc phải những tai nạn thương tích không đáng có xảy đến với con trẻ.

Theo thống kê cho thấy vào các thời điểm lễ Tết, tỷ lệ trẻ em nhập viện do các tai nạn như hóc dị vật, bỏng, té ngã, chấn thương… tăng cao đột biến, đặc biệt là các bé trong khoảng từ 1 – 3 tuổi. Trong đó các tai nạn thương tích chiếm phần nhiều.

Tết là thời gian nhộn nhịp nhất đặc biệt là với trẻ em. Những ngày này, trẻ được nghỉ học, lại được thỏa sức vui chơi. Còn người lớn thì lo bận bịu với công việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa lại còn đón tiếp khách khứa thường xuyên nên ít có thời gian để ý đến trẻ. Cũng vì thế vô tình trong những giây phút lơ là, trẻ có thể gặp những tai nạn không đáng có, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của các con.

Các tai nạn trong nhà thường gặp

Trẻ nhỏ thường hiếu động, hay bắt chước, nghịch ngợm và không chịu ngồi yên một chỗ. Vì thế khi không được trông coi cẩn thận, các con có nguy cơ gặp phải tai nạn thương tích là rất cao.

Một số các nguy cơ có thể xảy đến cho trẻ từ các vật dụng trong nhà được nhắc đến như sau:

Hóc dị vật: Tết đến nhà nào cũng bày sẵn các loại bánh mứt, hạt dưa, kẹo ngọt. Các bé có thể dễ dàng lấy ăn, hoặc học theo người lớn cắn hạt dưa hạt bí… Nhiều trường hợp bé vừa ăn vừa cười giỡn rồi mắc phải kẹo hay các loại hạt trong đường thở, gây sặc, ngạt thở và một số nguy kịch khác. Để phòng ngừa, cần tránh cho bé ăn các loại hạt, các loại thạch dễ mắc cổ hoặc ngậm chơi các đồ vật kích thước nhỏ.

Bỏng: Trẻ có thể bị bỏng nước sôi từ bình trà hay chạm tay vào nồi canh còn đang nóng. Hay trẻ vô tình bị bỏng từ bàn ủi khi cha mẹ ủi đồ mặc đi chơi Tết mà lơ là không chú ý để trẻ chạm vào. Ngoài ra trẻ còn có thể bị bỏng nhang, đèn dầu, đèn cầy khi cúng, và cả bỏng điện ở các bóng đèn chớp tắt trang trí khi trẻ chơi đùa hay nghịch phá. Để hạn chế tình trạng này, bố mẹ cần luôn để mắt đến trẻ nhỏ, bố trí các bóng đèn điện ở xa tầm tay và không cho con trẻ chơi đùa trong khu vực bếp núc.

Bàn ủi nóng là một trong những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ

Ngạt nước: Một số gia đình có trang trí hòn non bộ, bể bơi, hồ cá cảnh ở trong nhà hay gần chân cầu thang… trong lúc trẻ chơi đùa chạy nhảy có thể không may té vào hồ. Với các trẻ trong giai đoạn chập chững đi, con trẻ có thể đi theo vào phòng tắm chơi khi bố mẹ dọn dẹp, và vô tình ngã vào thau hay xô đựng đầy nước đã được hứng sẵn để lau rửa nhà cửa. Cần tránh không cho trẻ chơi đùa gần nơi hồ nước, không để trẻ rời khỏi tầm mắt nếu bố mẹ buộc phải canh trẻ trong lúc dọn dẹp.

Uống nhầm hóa chất: Trẻ con có thể bò quanh nhà, cho bất cứ thứ gì vào miệng và uống nhầm các loại hóa chất, chất tẩy rửa sàn nhà trong lúc bố mẹ đang lau chùi nhà cửa và có thể đối mặt với nguy cơ ngộ độc. Để phòng ngừa, cần cất giữ chai lọ tẩy rửa, hóa chất ở những nơi cao ráo, vượt khỏi tầm tay ở nơi trẻ không chạm tới được.

Té ngã: Trẻ chạy nhảy rồi té ngã trong lúc bố mẹ đang lau cầu thang, trợt té khi nhà còn đang ướt, có nhiều trẻ cầm muỗng đũa vừa ăn vừa chơi vô tình té ngã gây thương tích vùng hầu họng… Vì thế cần tránh để bé chơi giỡn trong lúc ăn uống, không để sàn nhà đọng nước và cẩn thận hết mức có thể khi nhà có trẻ nhỏ để tránh khỏi những tai nạn không đáng có.

Cần để mắt tới trẻ ngay mọi lúc để tránh khỏi những tai nạn không đáng có

Ngoài ra dịp Tết các gia đình thường chưng nhiều cây cảnh trong nhà, các loại cây kiểng có gai hay những cành mai giả được ghim bằng dây kẽm sắc nhọn…cũng dễ dàng gây ra thương tích cho trẻ. Cũng có trường hợp trẻ nô đùa làm rơi bể các chậu cây, bình hoa để trên cao và bị thương bởi những mảnh sành bị vỡ. Vì thế cần tránh trang trí hoa kiểng có sử dụng dây kẽm hoặc các vật sắc nhọn và để xa tầm tay trẻ các vật dụng sành sứ dễ bể vỡ.

Những vấn đề có thể xảy đến trẻ khi tham gia hoạt động bên ngoài

Với các gia đình có con nhỏ, Tết nhất chắc hẳn không thiếu những buổi đi du Xuân, đi lễ chùa, đến khu vui chơi…Nếu bố mẹ xao nhãng vài phút giây quên để mắt, trẻ có thể bị lạc nơi đông người hay không may bị kẻ xấu xâm hại.

Lễ Tết cũng là thời điểm lưu thông nhiều của các phương tiện xe cộ, va chạm giao thông cũng là một trong những nguy hiểm có thể xảy ra với con trẻ. Với trẻ mầm non hoặc các bé tiểu học, tai nạn có thể là do ngồi sau xe mãy không được đội nón bảo hiểm, khi va chạm dễ bị văng ra ngoài gây chấn thương va đập. Một số trẻ lớn hơn tự đi được xe lại vi phạm đi dàn hàng ngang, vừa đi vừa giỡn cũng rất dễ xảy ra tai nạn.

Xử lý kịp thời khi trẻ gặp tai nạn

Để có thể hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng nặng nề khi trẻ gặp sự cố, bố mẹ cần nắm được những phương pháp xử lý kịp thời từ những cách thức sơ cứu đơn giản như sau:

Khi trẻ lỡ uống nhầm hóa chất, hãy để trẻ tự nôn hoặc cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng chất độc. Tuyệt đối không móc họng của bé để tránh trầy xước, chảy máu trong họng của con. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Với trẻ hóc dị vật, cần sơ cứu kịp thời để tống xuất dị vật ra khỏi đường thở bằng phương pháp vỗ lưng ấn ngực với trẻ nhỏ hoặc phương pháp Heimlich với các trẻ trên 2 tuổi.

Sơ cứu cho trẻ ngay lập tức trước khi đưa đến cơ sở ý tế khi trẻ hóc dị vật

Trẻ bị bỏng bố mẹ cần nhanh chóng cho trẻ ngâm nước mát, không nên bôi gì trên vùng da bỏng và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ.

Với các trẻ té ngã nặng hoặc tai nạn giao thông, nếu vết thương nhẹ có thể sơ cứu sát trùng rồi dùng gạc sạch băng lại, trường hợp nặng hơn bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Ngày Tết là những ngày vui, đừng vì mối lo toan tất bật của người lớn mà gây ảnh hưởng đến sự an toàn của con trẻ. Hãy lưu tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn, để gia đình có thể cùng nhau tận hưởng những ngày Xuân trọn vẹn nhất.